Hiện nay trong cuộc sống hàng ngày của các gia đình hiện đại, không thể không có sự xuất hiện của loạt thiết bị gia dụng, thiết bị điện. Những thiết bị này giúp giải phóng sức lao động cho con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong nhiều công việc khác nhau. Bên cạnh đó, một số chúng còn góp phần bảo vệ sức khỏe của con người, hỗ trợ, nâng cao, cải thiện chất lượng sống.
Tuy nhiên, với việc sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc, đồng nghĩa rằng hóa đơn tiền điện của các gia đình sẽ là con số không hề nhỏ. Bài viết mới đây trên theo aboluowang đã chỉ ra, đây là 4 thiết bị được xem là "quái vật ngốn điện" trong nhà mà nhiều người dùng không hề biết. Bởi vậy, người dùng cần có kế hoạch sử dụng các thiết bị một cách hợp lý cũng như lưu ý về cách sử dụng hàng ngày để tránh lãng phí.
1. Điều hòa không khí
Điều hòa không khí đứng đầu trong danh sách được đưa ra. Đây là thiết bị có chức năng chính là làm mát vào mùa hè, đem tới không gian làn gió mát. Không chỉ có vậy, ở nhiều dòng điều hòa hiện đại, đắt tiền, còn được trang bị cả tính năng sưởi ấm, phù hợp cho mùa đông. Chúng được gọi là điều hòa 2 chiều.
Vì vậy có thể thấy hiện nay điều hòa là thiết bị phổ biến vào cả mùa hè và mùa đông. Tuy nhiên nó lại gây tốn một lượng năng lượng không nhỏ. Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu tắt điều hòa không triệt để khi không sử dụng, lượng điện bị lãng phí sẽ là rất lớn.
Cụ thể, đa phần các gia đình chỉ tắt thiết bị thông qua chiếc điều khiển từ xa. Việc này vô tình khiến điều hòa chưa được tắt hoàn toàn, thay vào đó thiết bị vẫn sẽ chạy ở "chế độ chờ". Lâu ngày, không chỉ gây lãng phí điện năng, việc phải hoạt động ở chế độ chờ trong thời gian dài, vô tình khiến thiết bị không được nghỉ ngơi, gây suy giảm tuổi thọ của điều hòa.
Chính vì vậy khi không có nhu cầu sử dụng điều hòa nữa, người dùng tốt nhất nên rút nguồn điện hoặc tắt aptomat. Việc này cũng không nên thực hiện quá đột ngột, mà nên thực hiện khoảng vài phút sau khi người dùng tắt thiết bị bằng điều khiển.
2. TV và đầu kỹ thuật số
Thiết bị được nhắc tới tiếp theo cũng là thiết bị rất quen thuộc ở nhiều nhà, đó là chiếc ti vi, đi kèm với đầu kỹ thuật số. Tương tự như điều hòa, nếu chỉ tắt các thiết bị này bằng điều khiển, chế độ chờ vẫn sẽ được hoạt động.
Đặc biệt ở TV và đầu kỹ thuật số, nếu không ngắt điện hoàn toàn trong những ngày thời tiết xấu, mưa bão đi kèm sấm sét, nguy cơ xảy ra chập cháy là rất cao. Bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi không có sử dụng người dùng cũng nên rút điện ti vi và đầu kỹ thuật số. Các thao tác nên được thực hiện tuần tự, lần lượt và không nên thực hiện quá đột ngột.
Hãy tắt thiết bị bằng điều khiển trước, đợi khoảng 10-15 phút cho nhiệt độ thiết bị giảm bớt rồi mới rút điện. Tuyệt đối không bỏ qua bước tắt bằng điều khiển mà rút điện ngay, vì điều này có thể khiến bảng mạch thiết bị bị hư hỏng.
3. Bộ dây sạc điện thoại, các thiết bị điện tử
Nhiều gia đình có thói quen luôn cắm các bộ dây sạc điện thoại hay các thiết bị điện tử khác trong nhà như máy tính bảng, máy chơi game... ở nguyên ổ điện, ngay cả khi không có nhu cầu sử dụng. Tưởng như vô hại nhưng thói quen này sẽ gây lãng phí một lượng điện năng không nhỏ.
Đặc biệt nếu các loại bộ dây sạc đó là các loại kém chất lượng, sau thời gian dài, chúng sẽ bị suy giảm tuổi thọ, thậm chí chập, gây ra cháy nổ nguy hiểm. Bởi việc luôn được cắm điện đòi hỏi các bộ dây sạc liên tục được kết nối với nguồn điện, nhiệt độ bên trong luôn ở mức cao.
Với những gia đình có trẻ nhỏ, những bộ dây sạc cắm trực tiếp tại ổ này còn được xem là mối đe dọa cực nguy hiểm bởi trẻ có thể tò mò mà tiếp xúc trực tiếp với chúng.
Tốt nhất khi không sử dụng, hãy đảm bảo rút toàn bộ các bộ dây sạc ra khỏi ổ điện và lưu trữ gọn gàng trong ngăn tủ hay các khu vực phù hợp.
4. Các thiết bị trong nhà tắm
Đứng cuối cùng trong danh sách mà ababoluowang chỉ ra là các thiết bị trong nhà tắm. Chúng bao gồm máy sấy, bình nóng lạnh hay ở một số gia đình còn có cả máy giặt hay máy sấy quần áo. Để thuận tiện cho việc sử dụng, người dùng thường để các thiết bị này luôn trong trạng thái "sẵn sàng", tức là luôn được kết nối với nguồn điện.
Tuy nhiên, về cơ bản, nhà tắm hay nhà vệ sinh là những không gian luôn có độ ẩm cao, hơi nước luôn tồn tại trong không gian. Thậm chí có nhiều vị trí có nước đọng lại nhiều. Việc cắm điện liên tục không chỉ khiến lãng phí điện từ loạt thiết bị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Không chỉ rút điện, tắt aptomat khi không sử dụng hay khi gia chủ vắng nhà, các thiết bị điện được bố trí trong nhà tắm, nhà vệ sinh, gần nguồn nước còn được khuyến cáo phải trang bị lớp cách điện chất lượng. Có như vậy các thiết bị mới đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh danh sách 4 thiết bị hay loại thiết bị trên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu gia đình không có mặt tại nhà trong thời gian dài, khoảng vài ngày, nên tiến hành tắt aptomat tổng hoặc rút nguồn loạt thiết bị điện, ngoại trừ tủ lạnh, tủ đông (nếu còn lưu trữ, bảo quản thực phẩm tươi sống). Việc làm này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn bảo vệ chính căn nhà khỏi những rủi ro mất an toàn.
Theo aboluowang