1. Vứt bỏ mối quan hệ xã giao vô nghĩa
"Ở nhà dựa vào cha mẹ, ra ngoài dựa vào bạn bè", có lẽ vì câu nói này mà nhiều người trong chúng ta thường không quên việc cho số điện thoại ở khắp nơi cũng như sẵn sàng lưu số của người khác vào máy của mình.
Không ít người coi việc lấy số điện thoại hoặc chụp ảnh chung với người khác làm thứ vốn liếng huy hoàng của bản thân.
Tuy nhiên, rất ít người hiểu rõ rằng: Quan hệ xã hội vốn là sản vật tự nhiên, không thể cưỡng cầu mà có được.
Điểm nhậu nhiều không có nghĩa là bạn quảng giao. Đừng vì những buổi nhậu vô nghĩa mà làm tổn hại đến sức khỏe cũng như đánh mất rất nhiều cơ hội vui vẻ thực sự của bản thân.
Bạn bè thực sự không cần phải dựa vào cơm, rượu hay những bữa nhậu để duy trì quan hệ. Thay vì như thế, chẳng bằng hãy đưa vợ con, bố mẹ mình đi hưởng thụ niềm vui còn hữu ích hơn nhiều.
2. Vứt bỏ thói than vãn đã trở thành thói quen
Gặp chuyện phiền muộn, hầu hết nhiều người trong chúng ta thường hay oán than. Mặc dù bản thân ta biết rõ oán trách, than thở cũng chẳng đem lại tác dụng gì song vẫn không kìm được những lời phàn nàn, trách cứ…
Tuy nhiên, mỗi người cần phải hiểu rằng, nếu phạm phái thói quen xấu này và không chịu thay đổi, nó sẽ khiến cuộc sống của chúng ta thêm ngột ngạt.
Tích lũy trong thời gian dài trong lòng, thói quen kêu ca, oán trách sẽ bộc phát ra trong từng lời nói, hành động, ánh mắt, rồi ăn sâu thành tính cách… Cứ như vậy, con người bạn, cuộc sống của bạn… tất cả đều khó có thể trở nên tốt đẹp.
Nhà thơ Rabindranath Tagore từng nói, nếu như bạn khóc vì đã bỏ lỡ ánh mặt trời, vậy thì bạn sẽ bỏ lỡ cả những vì sao. Rất nhiều khi, nếu chúng ta vì một chút phiền muộn mà oán trách, chúng ta sẽ chỉ tiếp tục nhận được phiền muộn mà thôi.
Trong khi đó, nếu nỗ lực thoát ly cảm xúc oán giận, bạn sẽ phát hiện ra rằng, chẳng có gập ghềnh nào không thể vượt qua.
Jack Ma cũng đã từng nói rằng: Đừng khiến phàn nàn và than vãn trở thành thói quen. Nếu bạn thỉnh thoảng phàn nàn hoặc than vãn, không sao cả. Tuy nhiên, nếu nó trở thành thói quen, nó sẽ tương tự như rượu chè: bạn càng uống, bạn càng khát.
Trên con đường thành công, bạn sẽ thấy những người thành công đều là những người không than vãn, cũng không thường hay phàn nàn. Thế giới sẽ không nhớ bạn nói gì, nhưng chắc chắn sẽ không quên bạn đã làm gì.
Vậy nên thay vì hình thành thoi quen oán than, trách cứ, hãy xây dựng thói quen duy để tìm cách cải thiện cuộc sống của chính mình, như vậy sẽ tốt hơn cho bạn và cả những người xung quanh bạn!
3. Vứt bỏ những người bạn giả nhân giả nghĩa
Những người bạn giả nhân giả nghĩa, khi bạn ăn lên làm ra, mọi sự thuận lợi, họ sẽ luôn ở cạnh bạn, thân thiết tưởng như rất tâm đầu ý hợp. Thế nhưng khi bạn gặp khó khăn hay thất bại, bạn sẽ phát hiện, người nào người nấy bỗng nhiên trở nên vô cùng bận rộn.
Sự giao thiệp giữa người và người phần lớn được xây dựng trên cái gọi là giá trị. Giá trị của bạn càng cao, "bạn bè" sẽ càng nhiều. Và kiểu bạn này, cần nhìn thấu rằng chỉ là bạn nhất thời. Những người cả ngày vây quanh bạn, làm cho bạn cảm thấy hài lòng chưa chắc đã là bạn thực sự.
Những người bạn thực sự cần phải trải qua thời gian, thậm chí là rất nhiều thời gian mới có thể nhìn thấu.
Thời gian không thể đánh cắp những người bạn chân chính và ngược lại, năm tháng sẽ vạch mặt những thứ tình cảm giả tạo.
Vậy nên, hãy:
Kết giao với người đánh giá cao bạn, khi bạn nghèo khó kiệt quệ, họ sẽ giúp đỡ bạn.
Kết giao với một người bạn chân chính, khi bạn rơi xuống tận cùng của sự thất vọng chán chường, họ sẽ ở bên động viên bạn.
Kết giao với một người dẫn đường cho bạn, họ sẽ tự nguyện là hòn đá đệm để nâng bạn lên, đưa bạn vượt qua những màn sương mông lung vô định.
Kết giao với người dám phê bình bạn, lúc nào cũng thức tỉnh bạn, giám sát và đôn đốc bạn, họ sẽ giúp bạn tự nhận ra bản thân mình chưa hoàn hảo và tích cực thay đổi.
4. Vứt bỏ người không yêu bạn
Trên thế giới này, luôn có người bạn không thích và có người không thích bạn. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Hơn nữa, bất luận bạn tốt đến thế nào, cho dù đối phương có tốt đến đâu, vẫn luôn tồn tại những yêu cầu khắt khe mà đôi bên khó có thể thỏa mãn. Nguyên nhân là bởi, tốt hay không tốt là một việc và thích hay không thích lại là một việc khác.
Tình cảm là thứ không thể cưỡng cầu nhất. Nếu đã không có được, chi bằng buông tay, từ bỏ, đừng để một người không yêu bạn làm lãng phí đi sự nhiệt tình đáng trân trọng của bạn.
Mỗi người sống trên đời, đều không nên đánh mất sự vui vẻ thoải mái ở nơi người không thích mình. Hãy chỉ nên sống vì người mình thích, mình yêu quý, đó mới là thái độ sống tích cực nhất.
Mỗi một độ tuổi sẽ có một tâm thái riêng. Đời người, càng đi càng học được cách "làm phép trừ".
Đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ học được cách thỏa hiệp, không còn tranh giành, hiếu thắng; từ chỗ phân định rõ vuông tròn, chúng ta trở nên linh hoạt hơn, không còn cứng nhắc như trước;
Chúng ta cũng sẽ hiểu được rằng, rất nhiều người, nhiều việc trên đời này đều không quan trọng, không bắt buộc và không cần thiết.
Làm vui lòng người khác chẳng thà làm chính bản thân mình vui. Có thể sống khỏe mạnh, yêu hết mình, yêu chân thành, hạnh phúc cùng năm tháng, cuộc đời vậy là đủ!