1. Tuyệt đối không được tạo không gian hoàn hảo cho bé
Trẻ con ngay từ khi mới sinh ra đã có rất nhiều những phản xạ nguyên thủy.
Bé được trang bị "phản xạ bú mút" để có thể ti mẹ dễ dàng, khi chạm nhẹ vào một vật gì đó gần miệng thì bé sẽ mút vật đó vào, "phản xạ cầm nắm" để khi chạm nhẹ một vật vào lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, lập tức bé sẽ tự động nắm chặt lại.
Những phản xạ nguyên thủy này sẽ mất đi trong vòng 4 tháng sau sinh nên các mẹ hãy tận dụng hết sức có thể để rèn luyện cho bé hút ống hút, tăng lực nắm...
Trẻ con ngay từ khi mới sinh ra đã có rất nhiều những phản xạ nguyên thủy.
Trong các phản xạ nguyên thủy, có phản xạ Moro (phản xạ giật mình). Đây là phản xạ đột ngột vung tay chân khi nghe thấy tiếng động hơi lớn. Phản xạ này của bé thường khiến bố mẹ lo lắng, có một số bố mẹ còn cố không gây tiếng động để tránh cho con khỏi giật mình trên mức cần thiết.
Phản xạ Moro là phản xạ hoàn toàn tự nhiên, bố mẹ chẳng những hoàn toàn không cần phải lo lắng mà ngược lại còn nên cho con làm quen với càng nhiều âm thanh càng tốt. Khi trẻ có phản xạ Moro, bố mẹ cứ để yên như thế, không cần phải ẵm trẻ lên.
Việc bố mẹ quá lo cho con, cố gắng sinh hoạt không tạo ra tiếng động vô tình có thể tạo nên một đứa trẻ quá mẫn cảm, khó thích nghi.
2. Tuyệt đối không hỏi chuyện con trong "thời điểm vàng"
Khi tiếp xúc với bé, sẽ có lúc bạn thấy bé như đang ở trong trạng thái đã được lên công tắc. Mỗi lúc như vậy, mẹ không cần làm gì mà bé vẫn có thể tiếp thu rất nhanh mọi thứ. "Thời điểm vàng" ấy là khoảng thời gian khi bé đang được làm điều mà bé thích.
Đơn cử như với bé trước giờ chỉ được bú sữa mẹ, khi bắt đầu được mẹ cho ăn dặm, lúc ấy bé khá tập trung như thể còn muốn ăn thêm nhiều hơn nữa.
Lúc đó, mẹ tuyệt nhiên không nên có hành động cản trở bé như lên tiếng làm bé phân tâm hay cố lấy lại thức ăn. Đừng nên làm gián đoạn bé, mẹ chỉ cần quan sát bé là được rồi.
Trong quá trình bé chơi đùa cũng vậy. Khi bé tìm thấy điều gì đó hứng thú, bắt đầu chơi với đôi mắt sáng long lanh, đầy hứng khởi thì đó chính là "thời điểm vàng" giúp bé phát triển thần kỳ.
Cho dù quần áo bé có lấm lem đi chăng nữa thì mẹ cũng đừng nên để ý, hãy để bé được tiếp tục chơi thỏa thích nhé!
Có những thời điểm trẻ nhỏ đặc biệt chú tâm vào việc gì đó, những lúc như vậy, cha mẹ không nên làm trẻ phân tâm.
Mẹ nên tận dụng tâm lý muốn làm của bé để thúc đẩy bé phát triển hơn nữa. Các mẹ vẫn thường hay than phiền: "Bé nhà em không thể tập trung được". Đấy không phải vì bé không có khả năng tập trung, chỉ là do bé chưa tìm thấy niềm hứng thú mà thôi.
3. Tuyệt đối không nói với con rằng:"Con không được làm điều này"
Có những ông bố, bà mẹ lúc nào cũng bảo con: "Cái này không được, cái kia không được", tôi thì luôn khuyên các bậc phụ huynh rằng: "Chỉ cần không nguy hiểm, bố mẹ nên để cho bé thử làm mọi thứ". Vì những kích thích mới mẻ này sẽ giúp não bộ của trẻ phát triển hơn.
Ví dụ như bé thích thú với việc xé giấy thì mẹ hãy cho bé được thỏa thích xé những tờ giấy báo mà mẹ không dùng đến. "Xé rách", "Xé toạc" hay "Xé vụn" đều là những bài tập rất tốt để phát triển vận động tay và các ngón tay cũng như giúp bé học cách điều chỉnh lực dùng phù hợp.
Hơn nữa, khi thấy bé có ý định vẽ tranh lên tường, các mẹ thực sự muốn nổi giận với bé: "Con không được làm thế đâu!". Thế nhưng, thay vì la mắng, mẹ có thể dán sẵn giấy vẽ tranh lên tường rồi bảo bé: "Con thoải mái vẽ những gì mà con thích nhé!".
Tuyệt đối không nói với con rằng:"Con không được làm điều này".
Khác với việc ngồi trên ghế và vẽ tranh lên giấy đặt trên mặt bàn, khi vẽ lên giấy được dán trên tường, bé phải co duỗi đầu gối để có thể vẽ vời lên khắp mặt giấy.
Điều này không chỉ giúp bé phát triển vận động tay chân mà còn tăng cường vận động mắt theo chiều trên xuống dưới, chính vì vậy tôi rất khuyến khích các mẹ làm điều này.
Khi bé muốn chơi với bột làm bánh, đất sét hay bùn đất, thay vì ngăn cấm trẻ rằng: "Con không được chơi cái này!" thì mẹ nên tạo môi trường để có thể nói với bé rằng: "Con cứ chơi thỏa thích đi!".
Thỏa thích cảm nhận những cảm giác mà bình thường bé chưa được trải nghiệm cũng là một trong những cách vô cùng hiệu quả để rèn luyện xúc giác cho trẻ.
Mẹ hãy chuẩn bị sẵn tất cả những gì con hứng thú, để con được tự do chơi đùa nhé.
4. Không để con đòi gì được nấy
Một số mẹ luôn bảo: "Tôi tôn trọng tính tự chủ của con" rồi vin vào đấy để luôn sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của con, như khi con đòi: "Mẹ mua bánh kẹo trong siêu thị cho con đi" thì ngay lập tức đáp ứng: "Ừ, ừ, để mẹ mua cho!" rồi mua cho con luôn.
Thực tế điều này sẽ biến mẹ thành người phải nghe lời con. Thật sai lầm nếu mẹ nghĩ việc mình làm là vì tôn trọng cá tính hay tự do của con.
Mẹ thờ ơ với việc giáo dục bé một cách kỹ lưỡng đồng nghĩa với việc mẹ tự tước bỏ quyền làm mẹ của mình. Phần lớn các bé dưới 3 tuổi đều chưa thể nhận thức được đúng - sai.
Bé nào cũng có xu hướng thấy gì đòi nấy. Nếu bố mẹ không giáo dục kỹ lưỡng từng điều nhỏ cho bé, bé sẽ sớm trở nên quá được nuông chiều và dễ có thói ích kỷ.
Mẹ nuông chiều bé thái quá theo kiểu ấy chính là vì mẹ không tự tin vào kinh nghiệm mà mình đã trải qua, dẫn đến không dám quả quyết khi giáo dục con về những điều nên hay không nên làm.
Và cũng chính những bà mẹ ấy khi không có ai nhìn sẽ đánh hoặc cấu véo con mình nếu con không chịu nghe lời. Chỉ cần quan sát những đứa trẻ thì chúng ta sẽ nhận ra ngay điều này.
Nếu mẹ có thể gạt bỏ tất cả những điều bất mãn trước đây trong cuộc đời của bản thân sang một bên và đặt suy nghĩ điều gì là tốt nhất với con lên hàng đầu thì chắc chắn mẹ cũng sẽ trưởng thành hơn.
Bài viết trên được trích từ cuốn sách "Mẹ Nhật nuôi con nhàn tênh" của tác giả người Nhật Kubota Kayoko. Bà sinh năm 1932 tại Osaka, là vợ của Giáo sư Kubota Kisou, Giáo sư danh dự của Đại học Kyoto, giáo sư đầu ngành về khoa học thần kinh và là một bà mẹ hai con.
Khoảng 30 năm trước, bà Kayoko đã xây dựng thành công phương pháp nuôi dạy con của riêng bà, được gọi tên là PHƯƠNG PHÁP NUÔI DẠY CON CỦA KUBOTA. Phương pháp này được chọn lọc không chỉ từ những phương pháp nuôi con truyền thống trước đó mà còn được bà đúc kết từ chính kinh nghiệm sinh và nuôi dạy con của bản thân bà khi sinh sống ở Mỹ và Nhật, đồng thời các phương pháp này cũng được lý giải một cách rất khoa học dựa trên lý thuyết Khoa học thần kinh mà chồng bà, Giáo sư KUBOTA đã nhiều năm nghiên cứu.
Cuốn sách là tác phẩm đầu tiên bà viết với tư cách là tác giả độc lập năm 79 tuổi.
Sách do ThaiHaBooks phối hợp với NXB Lao động phát hành.