Ở Mỹ, "phòng thí nghiệm an toàn sinh học mức độ 3" (gọi tắt: BSL3) là tên gọi chỉ các cơ sở nghiên cứu và phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm có tính bảo mật cao. Đó là những nơi ta thường thấy khi xem những bộ phim nói về thảm họa y tế.
Bên trong một phòng thí nghiệm an toàn sinh học mức độ 3
Ngoài những ca mổ xác chết và những buổi nghiên cứu vắc-xin, còn có rất nhiều điều kỳ lạ mà ta chưa biết đằng sau cánh cửa của những cơ sở nghiên cứu này.
1. Những bệnh tưởng chừng bình thường thì lại rất nguy hiểm, những bệnh tưởng như nguy hiểm thì lại rất bình thường
Trong BSL3, các nhà khoa học phải liên tục ra sức nghiên cứu và tìm hiểu cách chống lại những căn bệnh chết người, như Cái chết Đen (dịch hạch) chẳng hạn. Năm ngoái, vẫn có 11 người Mỹ mắc phải căn bệnh đáng sợ đã xuất hiện từ tận thế kỷ 14 này.
Dù đã từng giết chết ít nhất 20% dân số thế giới và đeo bám dai dẳng đến ngày nay, Cái chết Đen lại có thể dễ dàng chữa bằng cách dùng kháng sinh. Vì vậy, các nhà khoa học ở BSL3 đều luôn "thủ sẵn" thuốc kháng sinh để phòng khi bị nhiễm Cái chết Đen trong lúc nghiên cứu.
Thậm chí kể cả là HIV, họ chỉ cần sử dụng Truvada (thuốc chống virus HIV) là xong.
Chẳng căn bệnh nguy hiểm nào có thể làm khó những người này
Tuy nhiên, tất cả lại run sợ rước bệnh lao. Dù biết rằng lao từ lâu đã không còn là một căn bệnh nan y và đã có sẵn bao loại thuốc chữa mọi thứ bệnh xung quanh, nhưng nếu bệnh lao kháng thuốc, nó sẽ trở thành căn bệnh "chấp hết" mọi loại thuốc kháng lao hàng đầu, gây ra tỉ lệ tử vong đến hơn 31%.
Họ cho rằng, trong giới những người hiểu biết về y học, bệnh lao kháng thuốc giống như chúa tể Voldemort trong Harry Potter vậy - không ai dám nhắc đến cả.
2. Để nghiên cứu, các nhà khoa học phải làm đủ thứ điên rồ
Tại BSL3, có một chiếc camera cực kỳ nhạy và gọn, gọi là "máy chụp hình trên đối tượng sống". Các nhà khoa học chỉ cần tiêm virus hay vi khuẩn mang theo gen tạo ra protein phát sáng vào cơ thể một con vật, sau đó "nhét" cả con vật vào chiếc camera là đã có thể nhìn thấy lộ trình đường đi của mầm bệnh tiêm vào.
Nhưng không chỉ theo dõi vị trí của virus hay vi khuẩn, họ còn phải quan sát tiến trình phát triển của mầm bệnh và quá trình mà mầm bệnh phá hủy các cơ quan bên trong của vật chủ.
Một hệ thống "máy chụp hình trên đối tượng sống"
Ví dụ, khi muốn kiểm nghiệm xem virus đậu mùa có thể gây bệnh cho gà hay không, họ sẽ tiêm vào gà một dòng virus đậu mùa "phiên bản phát sáng" và dùng camera chụp lại. Kết quả là virus đã lan khắp cơ thể của con gà, tạo thành một "lồng đèn" gà sáng trưng.
3. Không chỉ mặc kín người để đề phòng lây nhiễm, họ còn phải… khỏa thân nữa
Ở BSL3, các nhà khoa học phải hạn chế động chạm vào mọi thứ xung quanh để tránh lây nhiễm. Nếu đã lỡ chạm rồi, họ sẽ thay bao tay ngay lập tức. Những ai chưa quen với việc này sẽ phải đeo mặt nạ, vì sợ rằng theo quán tính, họ có thể dùng tay đã nhiễm khuẩn để… gãi mũi, hoặc dụi mắt chẳng hạn.
Dù luôn luôn phải "kín cổng cao tường" như thế, vẫn có những lúc họ phải… trần trụi.
Mỗi cơ sở BSL3 đều có một phòng thay đồ "sạch" và một phòng thay đồ "bẩn", nối với nhau bởi một buồng có cửa kín không khí. Họ phải cởi hết đồ trong phòng "sạch" thì mới được đi qua buồng kín khí và vào phòng "bẩn" để mặc áo phẫu thuật.
Quá trình khoả thân bắt đầu từ đây
Và khi hết giờ làm việc, họ phải bỏ áo khoác phẫu thuật của mình vào giỏ đựng đồ ở phòng "bẩn", tắm rửa kỳ cọ thật sạch sẽ, tránh để bất cứ con vi khuẩn nào lọt ra ngoài.
Vì lúc nào cũng phải giữ gìn sạch sẽ như vậy, họ thường nói đùa rằng, rác ở phòng thí nghiệm có thể mang về để nhồi nệm được luôn vì nó còn sạch sẽ hơn bông nhồi ở nhà.
Còn đây là nơi mặc đồ an toàn
4. Những bộ phim về thảm họa y tế hầu hết đều có các chi tiết "hư cấu"
Ngoài chuyện các nhà khoa học nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thường lúc nào cũng đẹp ra thì phim ảnh còn "hư cấu" đủ điều về công việc này.
Trong phim Outbreak của Mỹ ra rạp năm 1995, có cảnh một bác sĩ hoảng loạn khi nhìn thấy xác chết của một người bị nhiễm bệnh. Nhiều khán giả cho rằng chi tiết này quá cường điệu vì ngoài đời, để làm được công việc này, họ phải có sức chịu đựng tinh thần rất lớn và dám chấp nhận đối mặt với nguy hiểm và rủi ro.
Một cảnh trong phim Bùng Nổ (1995)
Phim Contagion cũng của Mỹ công chiếu năm 2011 thì được đánh giá rất thực tế, chỉ trừ chi tiết các nhà khoa học thử nghiệm vắc-xin gây suy yếu mầm bệnh trên khỉ vào ngày thứ 42 kể từ khi nạn nhân đầu tiên được phát hiện. Trên thực tế, để chế ra được một vắc-xin như thế, cần phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Một cảnh trong phim Contagion (2011)
Dù gì đi nữa, chúng ta cũng nên thông cảm cho các nhà làm phim vì thực ra, để chống lại nhiều mầm bệnh chết người, như virus Zika chẳng hạn, thì chỉ cần những biện pháp đơn giản như thông cống rãnh hay tái chế lốp xe cũ - những nơi mà muỗi thường đẻ trứng.
Nhưng cá chắc là chẳng ai muốn bỏ tiền ra xem những cảnh hết sức bình thường như thế cả, phải không?
Nguồn: Cracked