Nikola Tesla là một nhà khoa học lỗi lạc của thế giới, nhưng lại có phần đôi chút kỳ quái và… lập dị.
Ông là cha đẻ của hàng loạt những phát minh đột phá, mang tính chất cách mạng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan đến sự truyền tải và ứng dụng của dòng điện, đồng thời cũng có công rất lớn trong việc sáng chế, phát triển động cơ điện xoay chiều và nhiều khía cạnh liên quan khác.
Không thể phủ nhận sự nổi tiếng và tài năng của ông, thế nhưng, trái ngược với “đối thủ” lớn nhất của mình - Thomas Edison - vẫn còn rất nhiều phát minh nữa ra đời từ tay Tesla mà không, hoặc hiếm khi, mang lại nhiều thành công như mong đợi.
1. Cỗ máy Hòa bình (hay Tia hủy diệt?)
Đây là một trong những thiết kế được Nikola Tesla chế tạo ra nhằm mục đích ngăn chặn cách thức truyền thống mà chiến tranh thường xảy ra.
Đúng như tên gọi của nó, cỗ máy này phóng ra một chùm tia đặc biệt, cuối cùng có tác dụng chặn đứng mọi hành động tham chiến, thay vì phải nhờ đến sự can thiệp của các phương tiện và vũ khí khác, giúp bảo đảm tính mạng cho mọi người.
Hoạt động với cơ chế gồm một đầu tạo ra lực hút chân không, một turbine có vai trò định hướng dòng chuyển lưu của không khí để duy trì lực hút đó và cả các hạt phân tử vật chất khác, thiết bị này đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà khoa học nổi tiếng điển hình như JP Morgan và Neville Chamberlain từ tận Anh Quốc.
Thậm chí Công ty Thương mại Amtrog thuộc Liên Xô cũng bị hấp dẫn bởi tiềm năng của nó, cùng với một lần cố gắng tiến hành thử nghiệm tính năng, thế nhưng kết cục vẫn là sự thất bại “từ trong trứng nước”.
2. Máy tạo rung chấn
Câu chuyện thú vị này liên quan đến sự kiện Tesla chế tạo một chiếc “Máy động đất”, tất nhiên mục đích của nó chưa bao giờ là để tạo ra một cơn động đất thật sự, mà là “tống khứ” một số loại động cơ cồng kềnh và to lớn quá mức chỉ bằng việc sử dụng một phần nhỏ áp lực không khí.
Công trình nghiên cứu của ông sau này được cải tiến và nâng cấp, dẫn đến kết quả là sự ra đời của cỗ máy mang tên Oscillator có khả năng sản sinh dao động theo ý muốn.
Ý tưởng của ông đi kèm với cơ chế biến đổi những dao động đó trở thành năng lượng; kết hợp với kích thước nhỏ gọn và tiết kiệm không gian hơn bao giờ hết, ông hy vọng nó sẽ là thiết kế cải tiến và tiếp bước động cơ hơi nước rất phổ biến thời bấy giờ.
Thực tế, cũng đã có vài mẫu máy Oscillator được chế tạo thành công, nhưng ngành công nghiệp động cơ hơi nước đã trở nên quá phát triển, khiến sản phẩm của ông bỗng dưng bị coi là đồ thừa, mặc dù chắc chắn chúng “ăn đứt” về hiệu suất và khả năng.
Ngoài ra, Tesla cũng khẳng định cỗ máy trên của mình có thể san bằng tòa Empire State chỉ với 5 pound (khoảng 2,2kg) lực ép của không khí trong thời gian 10 phút.
3. Máy biểu hiện ý nghĩ
Nikola Tesla một lần từng bình luận trên Thời báo Kansas City về dự định liên quan đến việc sáng chế một hệ thống máy móc có khả năng hiển thị những gì người ta đang nghĩ tới.
Cơ sở cho ý tưởng này, về cơ bản, là tận dụng nền tảng công nghệ sẵn có để “đọc” võng mạc của người sử dụng (vì ông tin rằng những ý niệm trong tâm trí hẳn sẽ có một mối liên hệ chặt chẽ với hình ảnh phản chiếu tương ứng trong mắt).
Mặc dù Tesla dành ra hàng chục năm trời cố gắng hiện thực hóa giấc mơ của mình, nhưng kết quả cuối cùng thu được chưa bao giờ đủ thỏa mãn ông.
4. Tháp Wardenclyffe
Dự án trên của Tesla vốn đã có thể được đưa vào thực tế trong một thời gian ngắn, nhưng nó lại gặp phải trở ngại “chết người” liên quan đến vấn đề hao hụt đầu tư tài chính.
Dù sao thì ông cũng (suýt) thành công trong quá trình xây dựng tòa tháp - với cấu trúc bao gồm mái vòm có tính chất dẫn điện và nền móng cốt sắt có độ sâu tới 300 feet (tương đương 91m) dưới lòng đất, nắm giữ vai trò tiếp nhận và truyền tải không chỉ dòng điện mà còn các loại hình thông tin khác trên toàn cầu.
Một nhân vật bên lề - Guglielmo Marconi - đã lén lút, ranh mãnh bắt chước kỹ thuật của Tesla, để rồi không lâu sau khi Tesla khởi động dự án xây dựng tháp Wardenclyffe, Marconi đã được công nhận là người đầu tiên khám phá ra công nghệ truyền dữ liệu điện tín không dây vượt Đại Tây Dương.
Tesla khi ấy biết chắc rằng công trình thực sự của ông có tiềm năng vượt trội về quy mô so với công nghệ trên, và tin tưởng vào cơ chế truyền tín hiệu điện vào không khí và kết nối với luồng xoay chuyển tự nhiên của Trái Đất.
Tuy nhiên, khi kế hoạch vấp phải nhiều khó khăn và bị hủy bỏ, ông đã phát biểu một cách chua xót: “Nhân loại chưa đủ tiến bộ và sáng suốt để nhìn nhận được hết những giá trị và tiềm năng của lĩnh vực khám phá và nghiên cứu khoa học.”
Tham khảo: thevintagenews