Báo VTC News đưa tin, hầu hết các loại thịt đã nấu chín đều có thể được bảo quản dưới dạng thức ăn thừa hoặc chế biến lại thành những món ăn mới - nhưng đó chỉ là khi chúng được bảo quản đúng cách.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, để thịt vẫn đảm bảo an toàn khi cất trong tủ lạnh, bạn phải đảm bảo rằng chúng được bảo quản đúng cách. Dưới đây là những việc bạn không nên làm khi bảo quản thịt trong tủ lạnh.
Để nguyên cả miếng thịt lớn: Nếu bạn đang muốn cất cả tảng thịt thừa vào tủ lạnh, đừng làm vậy. Theo CDC, bạn không bao giờ nên cất thịt đã nấu chín mà chưa được cắt nhỏ vào tủ lạnh. "Các miếng thịt lớn, chẳng hạn như thịt quay hoặc gà nguyên con, nên được chia thành số lượng nhỏ để bảo quản lạnh", CDC khuyên.
Bảo quản quá lâu trong tủ lạnh: Đừng để thịt đã nấu chín trong tủ lạnh quá lâu và mong rằng chúng vẫn có thể ăn được. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), ngay cả những loại thịt được bảo quản đúng cách nhất cũng sẽ không ngon trong một khoảng thời gian quá dài.
Thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm nấu chín khác nhau, tùy theo từng loại.
Bảo quản lạnh không đúng nhiệt độ: Theo CDC, thức ăn thừa nên được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 40°F (khoảng 4,44°C) hoặc lạnh hơn trong vòng 2 giờ sau khi được nấu chín. Tuy nhiên, nếu thực phẩm tiếp xúc với nhiệt độ nóng hơn 90°F (khoảng hơn 32 độ C) - như trong xe hơi hoặc mang theo trong một chuyến dã ngoại mùa hè - thì bạn nên cho vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ sau khi nấu chín.
Khi mua thịt về nên cắt thịt ra từng miếng vừa chế biến đủ cho một bữa ăn (Ảnh minh họa)
Sử dụng thực phẩm bị nhiễm khuẩn: Theo CDC, E. coli và Salmonella là hai loại vi khuẩn phổ biến thường thấy trong thịt. Ăn thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn có thể bị ngộ độc thực phẩm. E. coli gây ra các bệnh nặng như tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng đường máu, trong khi vi khuẩn Salmonella gây ra các bệnh lây truyền qua thực phẩm phổ biến, tác động đến hơn một 1 triệu người ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống mỗi loại thịt có thời gian bảo quản khác nhau. Cụ thể: Thịt bò, gà, heo đã nấu chín chỉ để từ 1-2 ngày. Bò bít tết, thịt quay để tủ lạnh: 3 - 5 ngày. Hotdog và xúc xích chín để tủ lạnh 1 tuần nếu đã mở gói, 2 tuần nếu chưa mở gói. Thịt muối để tủ lạnh 7 ngày.
* Những lưu ý khi bảo quản thức ăn chín trong tủ lạnh
- Khi cho thức ăn chín vào tủ lạnh hãy bọc ni lông hoặc cho vào hộp, nên để càng ít không khí lọt vào càng tốt.
- Tuyệt đối không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống để tránh lây nhiễm lẫn nhau đồng thời hạn chế được mùi trong tủ lạnh.
- Phải để thức ăn thật nguội mới cất vào tủ lạnh. Vì nếu thức ăn còn nóng mà cho ngay vào nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nhiệt độ cao trong thức ăn sẽ bị ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh.
- Thức ăn chín trong tủ lạnh khi bỏ ra vẫn phải nấu lại, vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó. Nếu khi ăn bạn không đun nấu lại sẽ gây bệnh trướng bụng khó tiêu, đi ngoài.
- Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh không nên để quá lâu, chỉ nên lưu cho bữa sau, như bữa sáng dùng cho bữa trưa, bữa trưa cho bữa tối, lâu nhất chỉ nên từ 5 – 6 tiếng. Vì vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC nhưng nếu để quá lâu các vi sinh khuẩn sẽ gây ra những độc tố.
- Không nên cất các loại rau đã chế biến vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì khi xào nấu ở nhiệt độ cao có nêm muối, các vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát triển nhanh tạo thành chất gây ung thư. Vì vậy, thường xuyên ăn rau thừa sẽ không tốt cho sức khoẻ cũng như người hay ăn các thực phẩm chế biến từ rau củ muối có khả năng bị ung thư dạ dày rất cao.