1. Ngành Ngôn ngữ Ả Rập
Ngành ngôn ngữ Ả Rập/ Ả Rập học đang được đào tạo tại 2 trường đại học: Trường ĐH Ngoại Ngữ (ULIS) - ĐH Quốc Gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (USSH TP.HCM) - Đại học Quốc Gia TP.HCM. Học phí khoảng 21 triệu đồng/năm.
Sinh viên theo học ngành này được đào tạo để sử dụng thành thạo ngôn ngữ, trang bị kiến thức chuyên sâu về văn hóa, kinh tế, chính trị, con người các nước Ả Rập.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập có thể làm việc tại Việt Nam hoặc lựa chọn lao động tại nhiều quốc gia khác, tại nhiều vị trí như: Công tác tại Bộ Ngoại giao (Vụ Trung Đông - châu Phi) và Đại sứ quán các quốc gia Ả Rập tại Việt Nam, Biên phiên dịch, Làm việc trong ngành du lịch - khách sạn, Tiếp viên hàng không, Giảng viên…
Kết quả khảo sát việc làm ngành Ngôn ngữ Ả Rập tại ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm dao động 90-100% trong 3 năm gần đây.
Với người thành thạo tiếng Ả Rập, mức lương làm việc trong nước dao động 12 – 20 triệu đồng. Theo Glassdoor, tổng thu nhập tiếp viên hàng không hãng Qatar Airways từ 3.000 USD (76 triệu đồng), trong khi thu nhập tiếp viên hãng Emirates Airlines dao động 30-70 triệu đồng/tháng.
2. Ngành Công nghệ nghệ thuật - ArtTech
Ngành Công nghệ nghệ thuật (ArtTech) mới được tuyển sinh vào năm học 2024-2025 tại Đại học Kinh tế TP HCM. Đây là lần đầu tiên một chương trình ArtTech chuyên sâu được đưa vào đào tạo bậc đại học tại Việt Nam.
Chương trình đào tạo trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng thực hành, nghiên cứu để có thể triển khai thực hiện các công tác chuyên môn về nghệ thuật, công nghệ, thiết kế. Người học được đào tạo các nội dung như Transmedia design, Kỹ xảo điện ảnh, Thiết kế tương tác, Nghệ thuật trí tuệ nhân tạo…
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng phát triển và cung cấp giải pháp thiết kế, các phần mềm công nghệ, sử dụng công nghệ giải quyết và sáng tạo nghệ thuật và thiết kế các ứng dụng công nghệ mới. Sinh viên có cơ hội làm việc trong lĩnh vực Công nghiệp sáng tạo - thiết kế, lĩnh vực Công nghiệp truyền thông – marketing và lĩnh vực Công nghiệp biểu diễn nghệ thuật – sự kiện.
Một số vị trí cụ thể Cử nhân ngành Công nghệ nghệ thuật có thể đảm nhiệm như Thiết kế đồ hoạ, Kỹ thuật hiệu ứng hình ảnh trong game và phim, Thiết kế UI/UX, Sáng tạo trong quảng cáo và marketing, Nhà sản xuất chương trình…
Do đây là ngành học mới nên mức lương chưa thể đo lường chính xác, phụ thuộc vào vị trí công việc, kỹ năng và số năm kinh nghiệm của nhân sự ngành.
3. Ngành Quản lý hoạt động bay
Quản lý hoạt động bay là ngành đào tạo những sinh viên trở thành Kỹ sư chuyên ngành Quản lý hoạt động bay; quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng, đảm bảo an toàn, điều hòa cho việc cất và hạ cánh của các chuyến bay, giám sát trung tâm bay theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh.
Quản lý hoạt động bay là ngành học đặc thù phục vụ cho ngành hàng không và chỉ được đào tạo chính quy duy nhất tại một cơ sở giáo dục là Học viện Hàng không Việt Nam. Học phí ngành này dao động 28 - 36 triệu đồng/năm.
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý hoạt động bay, sinh viên sẽ làm việc tại các vị trí như kiểm soát không lưu, phòng thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của trung tâm Quản lý bay, các Hãng hàng không, các Cảng hàng không, sân bay, các cơ quan quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng.
Dự báo đến năm 2025, ngành hàng không cần tới 58.000 nhân sự. Theo Báo cáo Ba công khai của Học viện Hàng không Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản lý hoạt động bay trong 2 năm gần đây ở ngưỡng 77-82%.
TS Phan Thanh Minh, phụ trách khoa Khai thác Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam chia sẻ với báo chí, mức thu nhập bình quân hiện tại của một kiểm soát viên không lưu tại Việt Nam khoảng 30 triệu đồng/tháng. Với sinh viên mới ra trường, mức lương dao động 10-15 triệu đồng/tháng.
4. Ngành Kỹ thuật hàng không
Kỹ thuật hàng không là ngành đào tạo về thiết kế, bảo dưỡng, sửa chữa, khai thác máy bay và các trang thiết bị phục vụ bay thuộc các nhóm như: Cơ khí, động cơ sức đẩy, thủy khí, khí động lực và trang thiết bị mặt đất.
Ngành này ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có một số ít cơ sở đào tạo như Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Văn Lang (không tính các trường quân sự). Học phí ngành này khoảng 28-125 triệu đồng/năm tuỳ vào các trường.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành Kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng, thiết kế và vận hành, Kỹ thuật làm việc tại các bộ phận quản lý chất lượng kỹ thuật – đảm bảo an toàn tại các hãng hàng không trong và ngoài nước, các cụm cảng hàng không, sân bay, Giảng viên…
Theo ông Tạ Minh Trọng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam, mức lương kỹ sư hàng không dao động 15-50 triệu đồng/tháng.
ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, 100% sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm với mức lương phổ biến từ 10-15 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp ngành này tại Học viện Hàng không Việt Nam cũng đạt 90,91%, theo Báo cáo 3 công khai năm 2023-2024.