Chỉ khi cha và mẹ cùng nhau xây dựng, mái ấm mới có thể trở thành nơi che mưa gió, cho con đủ yêu thương để trưởng thành. Nếu bố hoặc mẹ có "vấn đề", gia đình đó sẽ mang đến cho trẻ sự bất an, thậm chí ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
Dưới đây là những kiểu bố mẹ gây tổn thương cho con cái nhiều nhất, phụ huynh cần thay đổi vì tương lai tươi sáng của trẻ:
4 kiểu ông bố gây tổn thương trẻ
1. Ông bố gia trưởng
Không ít ông bố muốn kiểm soát mọi thứ, tự quyết định và luôn áp đặt người khác nghe theo mình. Họ không muốn nghe con giải thích, không cần tìm hiểu con cần gì cũng như không tôn trọng mong muốn, sở thích của con. Mỗi khi có chuyện gì khó khăn xảy ra, họ luôn mất bình tĩnh, nản chí hoặc làm náo loạn cả nhà lên khiến cho con cảm thấy sợ hãi và bất an.
Nếu sự kiểm soát của người cha quá mạnh mẽ, không cho con cơ hội thể hiện suy nghĩ của mình sẽ dẫn đến tính cách nhút nhát, tự ti, không dám quyết định của con trong tương lai.
2. Ông bố nghiện điện thoại
Những ông bố này xem điện thoại mọi lúc mọi nơi, ngay cả lúc ăn và thậm chí sử dụng cả trong nhà vệ sinh. Họ không biết san sẻ việc nhà với vợ và chơi đùa cùng con cái.
Việc bỏ bê gia đình vì điện thoại di động không khác gì "bạo hành lạnh". Theo thời gian, con sẽ không muốn giao tiếp với bố và càng ngày mối quan hệ cha con càng xa lánh. Các con cũng trở nên cô đơn và khép kín hơn so với các bạn.
Ảnh minh họa
3. Ông bố “vô hình”
Đại học Harvard và Đại học Yale (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu 12 năm để trả lời câu hỏi: Bố mẹ, ông bà, ai là người có thể giúp đứa trẻ có chỉ số IQ cao hơn khi trưởng thành? Kết quả cho thấy những trẻ được người cha quan tâm nuôi dạy thường có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn.
Vai trò của bố vô cùng quan trọng trong sự phát triển của con nhưng nhiều gia đình lại có xu hướng bỏ qua và mặc nhiên con cứ lớn lên bên mẹ. Trẻ thiếu tình yêu của cha mẹ như thiếu canxi trong quá trình tăng trưởng. Nếu có bố quan tâm, con sẽ có đức tính mạnh mẽ, tự tin, khoan dung, ngược lại không có bố sẽ phát triển trong sự lo lắng và cô đơn.
Vì vậy, bố phải tham gia vào việc giáo dục con cái, giúp con hiểu được hạnh phúc cũng như rắc rối trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bố cần thường xuyên giao tiếp, lắng nghe con, đánh giá cao và yêu thương con.
4. Bố không yêu thương mẹ
Món quà ý nghĩa nhất của một người cha dành cho con cái chính là tình yêu của bố mẹ. Nếu bố không yêu mẹ, thờ ơ, lạnh lùng, không tôn trọng mẹ sẽ khiến con nghi ngờ, nhạy cảm và sống trong cảm giác bất an. Cho dù phương pháp giáo dục của bố dành cho con có tuyệt vời đến đâu cũng không đủ khả năng làm cho con có cảm nhận về ngôi nhà ấm áp và hạnh phúc.
4 kiểu mẹ gây tiêu cực
1. Người mẹ luôn muốn kiểm soát tất cả
Tiến sĩ William Stixrud, một nhà Tâm lý học thần kinh lâm sàng làm việc tại Trung tâm Y tế Quốc gia Trẻ em và trường Đại học Y khoa - ĐH George Washington (Mỹ) và Ned Johnson, Chủ tịch và nhà sáng lập công ty Prep Matters, tin rằng chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ mới trong bối rối và lo lắng. Ngày càng có nhiều "bà mẹ hổ", "mẹ trực thăng" kiểm soát con cái theo ý riêng (trên danh nghĩa vì lợi ích của con cái), nuôi dạy con thiếu mục đích và định hướng, tạo nên một thế hệ thiếu tự chủ và không có "nội lực".
Trong mắt nhiều bà mẹ, trẻ không làm theo định hướng, kế hoạch của mình mà thể hiện suy nghĩ cá nhân, đưa ra quyết định cá nhân là "chống đối, nổi loạn". Kể cả khi trẻ trưởng thành, mẹ vẫn kiểm soát tất cả, khiến con trở thành người không có suy nghĩ độc lập.
Đứa trẻ nếu khó sống theo ý mình, chúng sẽ cảm thấy không thể nào thông suốt, chỉ biết cách dựa vào bố mẹ để có được sự giúp đỡ. Về lâu dài, đây là một cái vòng luẩn quẩn, sai lầm trong việc dạy dỗ con.
2. Kiểu người mẹ luôn so sánh
Cụm từ "con nhà người ta" có lẽ là cơn ác mộng với tất cả trẻ em. Dù biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng các bậc làm cha làm mẹ vẫn không dằn được lòng mình mà so sánh con mình. Từ cân nặng, chiều cao cho đến điểm số… cái gì cũng có thể trở thành mục tiêu để các bậc phụ huynh đặt lên bàn cân so sánh.
Nhiều cha mẹ "ngây thơ" nghĩ rằng, so sánh là cách để con nhìn lại bản thân đang yếu kém ở đâu mà phấn đấu. Tuy nhiên, ông Kamal Affandi Hashim, Phó chủ tịch Quỹ chống tham nhũng Malaysia, đồng thời là một nhà phân tích tâm lý tội phạm, nói rằng việc so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác không chỉ gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần mà còn là bóng ma tâm lý đè nặng lên tâm trí trẻ suốt quãng đời còn lại.
3. Kiểu người mẹ "là nô lệ của con"
Đây là những người mẹ lúc nào cũng bận rộn với con cái, dốc hết sức mình cho con, kiếm tiền vì con, và rồi đánh mất giá trị cuộc sống của chính bản thân. Không ít bà mẹ cảm thấy sự khác biệt lớn giữa trước và sau khi sinh. Họ biến mình thành vệ tinh chỉ biết quay quanh đứa con và có ít thời gian cho chồng, dần dà ít tiếp xúc với bạn bè, xã hội, thậm chí từ bỏ cả sự nghiệp tươi sáng...
Trên thực tế, con cái luôn là một phần quan trọng của gia đình nhưng cha mẹ nên có sự nghiệp và mục tiêu của riêng mình. Đây cũng là một tâm thái tốt để làm gương cho con cái, giúp con cũng ý thức được rằng ai cũng cần có thứ theo đuổi, phấn đấu cho tương lai.
4. Người mẹ lo lắng quá mức
Nỗi lo dành cho con cái là thứ không bao giờ có thể gạt khỏi tâm trí người mẹ, nó như một sợi dây kéo căng, khiến cơ thể, tâm trí đều mệt mỏi. Đương nhiên, các yếu tố không an toàn ngoài xã hội cũng góp phần tạo gánh nặng tâm lý, nhưng nếu người mẹ chia sẻ với con những suy nghĩ tích cực, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, tích cực. Ngược lại, nếu bạn dành cho trẻ những lo âu, trẻ sẽ đi sai hướng, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí trở nên nhạy cảm.