01. Người có nhân phẩm tốt
Người ta có câu: “Khó khăn mới thấu lòng người.”
Từ trước đến nay, giàu nghèo, tuổi tác hay thân phận đều không ảnh hưởng tới nhân phẩm một người. Muốn nhận ra, chúng ta chỉ có thể nhìn vào hành động và thói quen thường ngày mà người đó thể hiện ra.
Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa rồi, có một nhóm công nhân vệ sinh được sắp xếp cách ly tại khách sạn.
Sau 14 ngày, khi chủ khách sạn này an bài nhân viên tới vệ sinh lại phòng ở, họ mới giật mình phát hiện ra, hầu hết những gian phòng cách ly đều được thu dọn sạch sẽ, ngay ngắn y như ban đầu.
Hóa ra, nhóm công nhân vệ sinh được cách ly tại đây đã chủ động quét dọn và sắp xếp mọi thứ về lại vị trí ban đầu.
Họ nhận thức được sự ưu ái từ phía khách sạn khi cho phép người cách ly ở tại đây, vì thế, càng không muốn tạo ra thêm phiền toái hay rắc rối nào nữa.
Vì vậy, trước khi rời đi, tất cả đã nhắc nhau cùng dọn dẹp lại tất cả các phòng, giúp khách sạn bớt đi nhiều công sức.
Đây đều là những người làm việc tay chân, không bằng không cấp, công việc thì mệt mỏi mà bẩn thỉu nhất trong thành phố, nhưng họ lại có được nhân phẩm tốt đẹp và sạch sẽ không thua kém ai.
Chỉ một hành động nhỏ nhưng thể hiện được rằng, nhân phẩm con người không phụ thuộc vào nghề nghiệp, năng lực, trí thông minh hay bằng cấp gì cả. Chỉ cần có thành ý, bạn sẽ có tấm lòng.
Như ông bà từ xưa đã dạy, “Ở hiền gặp lành”, người thông minh đến mấy cũng có ngày sảy chân, còn người sống nguyên tắc, trung thực và lương thiện thì luôn có một nền tảng bền lâu để vững bước trên đường đời.
Nhân phẩm chính là nhân tố mấu chốt quyết định một người đi được bao xa và bao lâu trên con đường dẫn tới thành công.
02. Người có tư duy linh hoạt
Khi bị đuối nước và không biết bơi, chỉ có 2 loại người có thể sống sót:
Thứ nhất là người đã chuẩn bị sẵn phao cứu sinh từ trước và luôn mang theo bên mình.
Thứ hai là người có thể nhanh chóng tìm được phao cứu sinh.
Lấy ví dụ như, trong thời kỳ đại dịch SARS bùng phát năm 2003, nhiều nước phải thực hiện cách ly xã hội, các trường lớp đều bắt buộc phải đóng cửa toàn diện để tránh tập trung đông người.
Không có học sinh tương đương với không có nguồn thu kinh tế, điều này trở thành một đòn chí mạng đối với mỗi một đơn vị giáo dục tư nhân.
Ở thời điểm này, một trung tâm học thêm quyết định thay đổi phương pháp lên lớp truyền thống mà phát triển mô hình giáo dục online.
Ngay trong hai năm tiếp theo, trung tâm này không những sống sót qua đại dịch nghiêm trọng mà còn phát triển hơn gấp 3, 4 lần.
Cho nên, đối với một số người, họ chỉ có thể bất lực, bó tay chịu đựng khó khăn khi khủng hoảng xảy ra.
Nhưng đối với những người khác, khủng hoảng cũng có thể trở thành một bước ngoặt và bản chất của nguy cơ chính là cơ hội.
Thay vì lo âu bất lực, không bằng chúng ta hãy suy ngẫm để tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Năng lực cạnh tranh nhất của mình là gì? Dựa vào đó, mình có thể làm gì để tìm kiếm một bước ngoặt?”
Cho dù cơ hội rất thấp thì chúng ta vẫn phải nỗ lực hết sức để tìm cách thay đổi hiện trạng dù ít dù nhiều. Chỉ một thay đổi rất nhỏ cũng có thể dẫn tới thành công khác biệt sau này.
03. Người sạch sẽ gọn gàng
Một hiện trạng thường thấy ở nhiều người, khi ở nhà một thời gian dài, chúng ta thường trở nên lôi thôi, lếch thếch hơn trong vấn đề vệ sinh cá nhân.
Không ít người tiết lộ với bạn bè rằng, nếu không ra khỏi nhà, cả tuần chỉ tắm gội một lần, không cần thay quần áo ngủ hay tất chân, không cần chải đầu trang điểm, không quét dọn nhà cửa…
Nhìn vào đại đa số những trường hợp này, người ta chỉ thấy sự chán chường, lười nhác và cẩu thả đến từ lối sống thường ngày của một người.
Ngược lại, vẫn có người làm việc tại nhà những đầu tóc gọn gàng, ăn mặc chỉn chu, ngồi ngay ngắn ở bàn làm việc với một ly cafe trong tay.
Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh họ nghiêm túc công tác, không ai nhận ra điểm khác biệt giữa ở nhà và ở công ty trong đó.
Cũng có người tranh thủ thời gian ở nhà chăm sóc nhà cửa, dọn dẹp phòng ốc, sắp xếp quang cảnh trở nên quang đãng và gọn gàng hơn, đem tới một không gian sống sạch sẽ.
Đây không chỉ là một kiểu “bày vẽ” hay “ra vẻ” mà là sự tôn trọng đối với cuộc sống của chính mình.
Dù ở vào hoàn cảnh nào đi nữa, bản thân những người yêu sạch sẽ sẽ luôn chủ động thiết kế cho mình một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Hành động này thể hiện nhu cầu tiến bộ, luôn hướng về phía trước cũng như bản năng kỷ luật tự giác.
Giống như nhà văn Chekhov từng nói: “Con người sống luôn phải sạch sẽ, từ gương mặt, y phục, cho tới tư tưởng, tâm linh.”
Tuy chúng ta không biết ngày mai sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn nhường nào, nhưng giữ gìn một lối sống sạch sẽ, gọn gàng và kỷ luật luôn là một trong những phương thức chuẩn bị tốt nhất để tâm thái sẵn sàng đối mặt với tương lai.
04. Người học được cách tôn trọng
Không ai có thể sống cả đời trong một không gian bị cô lập. Dù ít hay nhiều, chúng ta cũng phải có sự kết nối, liên hệ với thế giới xung quanh.
Vì thế, việc tuân thủ các quy tắc, tôn trọng tự nhiên, thế giới và những con người xung quanh chính là một trong những khóa học bắt buộc mà chúng ta phải học trong đời.
Trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua, việc đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên hay khai báo y tế… đều là những quy định bắt buộc, nhưng vẫn có người cố tình không quan tâm.
Vì thế, chúng ta mới chứng kiến rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, chẳng hạn như: một nhà tổ chức đám cưới, cả thôn bị cách ly; hoặc là một người về nước từ vùng dịch mà trốn cách ly, không khai báo y tế khiến cả thành phố bị xếp vào nhóm nguy cơ lây nhiễm cao...
Chỉ có những người tôn trọng quy tắc, tôn trọng cộng đồng và tính mạng của chính mình mới đóng góp vào quá trình phòng chống dịch bệnh thành công cho cả xã hội.
Đây không phải biểu hiện của sự sợ hãi mà thực chất là quy tắc bất thành văn của một cộng đồng khi chung sống với nhau.
Học và hiểu cách tôn trọng đối với những con người, sự vật, sự việc xảy ra trong thế giới chung quanh mới là cách tốt nhất để bảo vệ chính chúng ta.
Nếu khó khăn không thể hạ gục chúng ta, cuối cùng, chúng sẽ trở thành áo giáp và vũ khí khiến chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn để đối mặt với tương lai.