01
Người lắm lời
Tử Cầm, học trò của Mặc Tử từng hỏi thầy của mình rằng: "Nói nhiều có tốt không ạ?"
Mặc Tử đáp: "Con cóc, con ếch, ngày đêm kêu miên man không dứt, kêu đến rát cổ bỏng họng mà cũng chẳng có ai muốn đi nghe âm thanh của chúng.
Còn gà trống, chỉ gáy khi trời tờ mờ sáng, một tiếng gáy, nhưng chấn động thiên hạ, người người nghe tiếng gáy ấy mà dậy sớm. Nói nhiều có tốt không? Lời nói chỉ hữu ích khi nói đúng lúc đúng chỗ."
Trong thực tế cuộc sống, người lắm lời, hay lải nhải thường nói ra những lời không đâu. Hơn nữa, các cụ bảo rồi, họa từ mồm mà ra, nói nhiều quá khó tránh khỏi nói sai, nói lỡ, vạ miệng, tự mình hại mình.
Bạn muốn dùng lời nói để trấn áp người khác, dù có thắng rồi, người ta cũng chẳng phục, đối nhân xử thế, vẫn là khiêm tốn một cách thích hợp là tốt nhất.
Đôi khi im lặng chính là vàng, người nói nhiều không xấu, nhưng người lắm lời, hay lải nhải, nói nhiều nhưng toàn nói không đâu với đâu thì lại không hề hay ho, lời nói chỉ có giá trị khi nó được đưa ra vào đúng tình huống, đúng thời điểm và với đúng người.
02
Người lắm dục vọng
Cuốn "Cách ngôn liên bích" có viết rằng: con người, kẻ nhiều dục vọng là kẻ mệt, kẻ hẹp hòi; kẻ biết thỏa mãn hoặc ít dục vọng là kẻ an, kẻ hào phóng.
Đạo gia cũng nói với chúng ta rằng: nhiều tham vọng ắt khổ, sống ắt mệt, bớt tham vọng lại, thân và tâm ắt tự tại.
Sống ở đời, bạn càng đòi hỏi nhiều, càng ham muốn nhiều, bạn sẽ càng mệt mỏi, bởi lẽ, con người ta, ham muốn, ước mơ, nhu cầu là vô hạn, biết bao giờ mới là đủ.
Dục vọng của con người ta tuy có rất nhiều, nhưng chủ yếu không tách rời 5 loại – tài, sắc, danh, thực, thụy – ngũ dục.
Người quá tham vọng, là người có cái tâm mệt nhất. Bởi lẽ trong quá trình thỏa mãn dục vọng, bạn chưa chắc đã được như ý, khi gặp phải khó khăn, khi không cầu được, sẽ sản sinh ra biết bao loại khổ não, phiền muộn.
Vậy mới nói "tham nhiều thì khổ nhiều".
Sống ở đời, muốn sống tự tại, muốn sống hạnh phúc, điều quan trọng nhất là phải biết cách làm phép trừ, biết khống chế ham muốn, dục vọng của mình.
03
Người lắm sợ hãi
Trong cuộc sống, chúng ta thường sẽ sợ nọ sợ kia, sợ rất nhiều thứ, nhưng càng sợ gì thì cái đó càng dễ xảy ra.
Nỗi sợ hãi nó giống như một mảnh lưới trong tâm hồn chúng ta, nó níu chân chúng ta lại và giam giữ chúng ta như một nhà tù. Trong cuộc sống, những người không có một tinh thần mạnh mẽ hay vững vàng, sẽ rất dễ bị dậm chân tại chỗ.
Chỉ khi vứt bỏ, gạt bỏ hết nỗi sợ hãi bên trong ra, dám dũng cảm hành động, bạn mới có thể thoát ra và tiến về phía trước.
Người có quá nhiều nỗi sợ hãi, luôn sợ được sợ mất, sợ cái này sợ cái kia, không dám làm bất cứ điều gì. Thực ra, sợ đến sợ đi, thực sự có tác dụng ư? Cái nên đến, cuối cùng rồi cũng sẽ đến mà thôi.
Đối diện với bất cứ chuyện gì, hãy luôn giữ cho mình một tâm thái bình thản, ung dung, nghĩ mọi chuyện đơn giản thôi, dám làm dám chịu, nhớ rằng, luôn tồn tại giải pháp cho mọi vấn đề, quan trọng là ở chỗ, bạn phải dám bắt đầu.
04
Người lắm toan tính
Người lắm toan tính là kiểu người suốt ngày thích tính toán, so đo thiệt hơn.
Thực tế cuộc sống không thiếu những người như này, họ tính toán so đo được mất cá nhân, có thể trở mặt với người khác chỉ vì một chút lợi ích nho nhỏ, họ trước giờ không bao giờ muốn mình là người chịu thiệt thòi.
Họ cũng thường xuyên nhờ vào cái sự "khôn lỏi, lanh vặt" của mình mà có được không ít lợi ích.
Kiểu người này trông thì có vẻ tinh anh, thực dụng, nhưng thực ra họ lại đang phạm phải đại kị trong đối nhân xử thế, bởi lẽ sự tư lợi bên trong họ quá nhiều, họ xem lợi ích là nhân tố hàng đầu trong các mối quan hệ, họ sống kiểu suốt ngày phải tính toán, phải xét nét, so đo, sống như vậy quả thực rất mệt mỏi, căng thẳng, thiếu đi niềm vui và cả sự thật lòng.
Sống ở đời, chữ "lợi", có thể đem lại cho bạn sự thỏa mãn, sung sướng ở một thời điểm nào đó, nhưng nó chắc chắn sẽ chỉ là ngắn hạn, bởi lẽ, thứ giữ chân con người ta với nhau về lâu về dài là chữ "tín", là sự chân thành.
Đừng sống để sau này ngoảnh mặt lại, cả một quãng đường dài, đến sau cùng, lại chỉ "mình tôi với tôi".
Làm người là phải biết chừa đường lui cho người khác, đừng cái gì cũng làm tới chữ "tuyệt". Phàm là chuyện gì cũng đừng quá tính toán, so đo, cứ bình thản mà sống, sống sao không hổ thẹn lương tâm là được.