Từng có người viết trên diễn đàn dành cho phụ huynh: "Giáo dục con cái tốt là sự nghiệp quan trọng nhất của cha mẹ!". Một số cha mẹ không đồng tình: Kiếm tiền nuôi gia đình chẳng phải quan trọng nhất sao? Nếu không kiếm được tiền, làm sao có thể nuôi con và cho con một cuộc sống tốt hơn? Kiếm tiền hay giáo dục con cái mới là quan trọng hơn?
Một người khác trả lời: Nếu bạn chọn làm việc chăm chỉ để kiếm tiền mà bỏ bê giáo dục con cái, khi chúng lớn lên, số tiền bạn làm việc cả đời chưa chắc đã đủ để chúng hoang phí trong một năm. Nghe thật đau lòng nhưng trong thực tế, có rất nhiều ví dụ như vậy.
Nhưng làm thế nào để biết liệu chúng ta có đang làm tốt việc giáo dục con cái mình hay không? Điểm số không phải là thước đo. Nếu con bạn có 4 biểu hiện này trong cuộc sống, điều đó có nghĩa là phương pháp giáo dục của bạn đang phát huy hiệu quả, đường đời sau này của trẻ dù không giàu sang quyền thế cũng vô cùng bằng phẳng và thành công.
1. Biết tranh luận
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Virginia ở Hoa Kỳ cho thấy: Những đứa trẻ có khả năng tranh luận với cha mẹ khi còn nhỏ sẽ có khả năng đối phó với sự khác biệt về quan điểm và áp lực trong đời sống xã hội khi lớn lên. Vì vậy, đừng nghĩ rằng những đứa trẻ thích cãi lại là hư hỏng. Trên thực tế, trẻ em cần có quan điểm và ý kiến của riêng mình về mọi thứ để trở nên quyết đoán và can đảm.
Trẻ rất thích cãi lại nhưng với thái độ khiêm tốn, nhỏ nhẹ, điều này chứng tỏ trẻ có ý thức tự giác mạnh mẽ, vốn từ phong phú, có kiến thức nên có đủ "tự tin" để bắt bẻ bạn. Vì vậy, nếu con cãi lại, đừng vội nổi giận. Điều bạn cần làm nhất là dạy con cách "ăn miếng trả miếng" sao cho đúng. Hướng dẫn con làm rõ suy nghĩ của mình, cuối cùng nêu rõ lý do, tranh luận ôn hòa và lịch sự, dần dần phát triển khả năng diễn đạt logic, sẽ rất có lợi cho sự trưởng thành của con sau này.
2. Sẵn sàng làm việc nhà
Nhiều cha mẹ đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con cái, còn lại mọi việc khác đều phải gác lại. Chẳng hạn như việc nhà, con cái không bao giờ được động vào. Đứa trẻ này lớn lên trong "sự giáo dục sắp đặt" của cha mẹ, không thể làm gì khác ngoài việc học. Trong mắt người khác, đứa trẻ không tự lập, không thể tự chăm sóc bản thân.
Đại học Harvard đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài 20 năm, kết quả: Khi so sánh giữa những đứa trẻ thích làm việc nhà và những đứa trẻ không thích làm việc nhà thì tỷ lệ có việc làm là 15:1, trong khi tỷ lệ tội phạm là 1:10. Những đứa trẻ thích làm việc nhà có chỉ số sức khỏe tinh thần và chỉ số hạnh phúc gia đình cao hơn, đồng thời có xu hướng học tập tốt hơn.
Nhiều trẻ biết làm việc nhà từ sớm sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, có ý thức hơn trong học tập và có ý thức kiểm soát mọi thứ xung quanh mạnh mẽ hơn. Bởi vì thường làm điều đó, trẻ biết rằng nhiều vấn đề có thể được giải quyết thông qua nỗ lực của chính mình, do đó trở nên tự chủ hơn.
3. Có một trái tim tràn ngập lòng biết ơn
Có một cặp vợ chồng nọ ở Trung Quốc nhiều năm làm việc chăm chỉ để nuôi dạy con trai duy nhất và gửi con đến một trường danh tiếng. Nhưng sau khi con trai đi làm, anh ta mặc kệ bố mẹ ở quê và hầu như không bao giờ gửi tiền về cho gia đình.
Sau khi kết hôn, anh ta nói với bố mẹ mình cần có 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng) và muốn mua một căn nhà trong thành phố để trả khoản tiền đặt cọc. Hai vợ chồng già sao có thể một lúc kiếm được nhiều tiền như vậy, cho nên sau này cưới vợ, người con không thông báo cũng không mời cha mẹ mình.
Tại sao cha mẹ dồn hết tất cả cho con mà không nuôi dạy được những đứa con biết ơn? Bởi khi bạn dành cho con mình tình yêu thương và chiều chuộng vô điều kiện, theo thời gian, đứa trẻ sẽ coi những nỗ lực của cha mẹ là điều hiển nhiên.
Vì thế, nếu không muốn nuôi dạy con thành đứa trẻ vô ơn thì đừng vì con mà làm quá nhiều, thậm chí là làm tất cả vì con. Ngay từ bây giờ, bạn hãy yêu thương con một cách có kiềm chế, dạy con biết ơn, để con học cách quan tâm và cho đi, và quan trọng hơn, con phải hiểu trách nhiệm của mình.
Một người con biết ơn sẽ biết cảm thấy có lỗi khi làm sai với cha mẹ mình, thường đề nghị giúp đỡ chia sẻ với bố mẹ. Khi bố mẹ ốm, trẻ sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc bạn, khi bố mẹ buồn sẽ tìm mọi cách để bố mẹ vui... Người ta nói, nuôi dạy một đứa trẻ biết ơn là cách thể hiện sự giàu có lớn nhất của một gia đình.
4. Biết các quy tắc và tuân thủ các quy tắc
Luôn có một số bậc cha mẹ cảm thấy con còn nhỏ nên buông lỏng kỷ luật đối với con. Quá buông thả cũng tương đương với sự nuông chiều, sẽ khiến trẻ hình thành một số thói quen xấu, càng ngỗ nghịch, vô kỷ luật.
Bản năng của cha mẹ là yêu thương con cái; nhưng trách nhiệm của cha mẹ là đặt ra các quy tắc. Một đứa trẻ không có nguyên tắc thì dù ở trong tập thể hay môi trường nào cũng khó có được chỗ đứng.
Khi trẻ trong khoảng độ từ 3 đến 6 tuổi, nhất định phải thiết lập quy tắc và uốn nắn tính cách cho trẻ đến nơi đến chốn. Bởi khi đó trẻ vẫn còn rất bám ba mẹ. Ba mẹ nói gì trẻ cũng sẽ nghe theo. Thiết lập quy tắc là một quá trình rất khó khăn, nhưng chúng thật sự rất quan trọng. Nếu thiết lập quá muộn, khi các thói quen đã được hình thành, trẻ sẽ phản kháng.