4 kịch bản cho kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Các chuyên gia Bloomberg cảnh báo, kinh tế thế giới có thể thiệt hại tới 2,7 nghìn tỷ USD do dịch Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đại dịch nhiễm virus Covid-19, đến nay đã lan rộng ra 169 quốc gia với hơn 417.966 trường hợp lây nhiễm, trong đó có 18.615 người tử vong. Chỉ trong vòng một tuần qua số người bị lây nhiễm đã tăng gấp đôi. Đây là dịch bệnh hết sức nguy hiểm và lớn nhất trên thế giới trong vòng một trăm năm qua.

Câu hỏi đặt ra là sau khủng hoảng Covid-19, nền kinh tế thế giới sẽ đi về đâu? Mặc dù chính phủ các nước đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và sắp xếp lại các ưu tiên cho giai đoạn hiện nay, nhưng cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh tế. Covid-19 không chỉ gây hậu quả tiêu cực to lớn cho Trung Quốc và các nước, mà còn đang góp phần định hình lại hoạt động của các ngành kinh tế trên cấp độ toàn cầu.

4 kịch bản đối với kinh tế thế giới

Các chuyên gia Bloomberg cảnh báo, kinh tế thế giới có thể thiệt hại tới 2,7 nghìn tỷ USD do dịch Covid-19. Các nhà kinh tế đã đưa ra bốn kịch bản sau:

Thứ nhất, Trung Quốc có thể kiểm soát được bệnh dịch và bắt đầu phục hồi trong quý hai, thì sẽ hạn chế được tác động của nó đối với kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, Trung Quốc không nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh, cùng với sự lây lan bùng phát ở Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Pháp, Đức...nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia này, kết quả là tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm xuống mức 2,3% so với dự kiến ​​3,1%.

4 kịch bản cho kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ ba, dịch Covid-19 lan rộng sang Mỹ, Ấn Độ, Anh, Canada và Brazil, tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm xuống còn 1,2%, khu vực đồng Euro (Eurozone) và Nhật Bản sẽ bị suy thoái, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 0,5%.

Thứ tư, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia, thiệt hại của kinh tế toàn cầu sẽ lên tới 2,7 nghìn tỷ USD và tăng trưởng hàng năm sẽ giảm xuống bằng không hoặc âm. Đây là kịch bản tồi tệ nhất.

Trước đó, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng năm 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế thế giới kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,8% vào cuối năm nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) xác nhận rằng sự lây lan của dịch bệnh sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 570 tỷ USD/năm, hoặc khoảng 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Trong báo cáo mới đây nhất, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), cũng đưa ra các dự báo tương tự và nói thêm rằng, kinh tế các nước đang phát triển sẽ thiệt hại 220 tỷ USD (không tính Trung Quốc).

Theo UNCTAD, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, các nước xuất khẩu nguyên liệu sẽ mất hơn 1% tăng trưởng, các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế chịu những cú sốc ban đầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Sự lây lan của dịch bệnh này cũng đang ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến nhiều người trong số họ chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực an toàn hơn như mua vàng tích trữ, được coi là ít rủi ro trong thời kỳ khủng hoảng.

Do dịch Covid-19, toàn bộ chuỗi giá trị du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm vận tải hàng không và đường biển, vận tải hành khách và các cơ quan Du lịch, điều hành các tour du lịch, nhà ở, nhà hàng, trung tâm giải trí và cửa hàng lưu niệm. Theo tính toán sơ bộ của Tổ chức du lịch thế giới, lượng khách du lịch trên thế giới năm 2020 sẽ giảm ít nhất 3%, gây thiệt hại lên tới ​​30-50 tỷ USD cho doanh thu du lịch toàn cầu.

Ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc điều hành bộ phận chiến lược toàn cầu hóa và phát triển của UNCTAD mới đây cho biết, tháng Chín năm ngoái, trước khi xảy ra dịch Covid-19, các chuyên gia đã tỏ lo ngại về tình trạng của kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng, nhiều vấn đề của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay vânc chưa được giải quyết. Ông nói, hiện nay nền kinh tế thế giới vẫn thiếu sự điều tiết hiệu quả của hệ thống tài chính, chưa kể đến sự sụp đổ vừa qua của giá dầu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các chuyên gia dự kiến ​​sẽ thấy sự điều tiết tích cực hơn của dòng vốn đầu tư, nhưng điều này đã không xảy ra, nền kinh tế tiếp tục lặp lại tình trạng suy thoái.

Các chuyên gia không loại trừ khả năng phá sản trên quy mô lớn và nó có thể gây ra sự sụp đổ đột ngột giá trị của các cổ phiếu, kết thúc giai đoạn tăng trưởng mang tính chất chu kỳ này. Theo họ, tình hình hiện nay có thể so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước. Nhưng, tinh hình hiện nay khó khăn hơn nhiều.

Một tài liệu nghiên cứu của UNCTAD, cho rằng việc mất niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư là hậu quả nhãn tiền của sự lây lan dịch bệnh Covid-19. Tài liệu này khẳng định rằng, nhiều yếu tố tập hợp lại, từ việc giảm giá cổ phiếu, tổng cầu suy giảm, nợ công tăng và phân phối thu nhập không đồng đều ...., tất cả những điều đó sẽ có thể dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các nền kinh tế lớn

UNCTAD dự kiến ​​tốc độ tăng trưởng hàng năm của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm xuống còn 4,9% thay vì dự báo 6,0%, của Mỹ - 1,2% thay vì 2,0%. Liên minh châu Âu, Canada và Mexico sẽ bị mất từ 0,7 đến 0,9% mức tăng trưởng dự kiến.

4 kịch bản cho kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các sàn chứng khoán chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19. Ảnh: Time.

Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế, suy giảm thương mại. Thị trường chứng khoán và hàng hóa ở Trung Quốc đang chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Dịch bệnh này đã lan rộng đến cả thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Sự lây lan của nó đã hạn chế việc đi lại, giao thương giữa các quốc gia và tăng chi tiêu cho các biện pháp phòng ngừa.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế và danh tiếng của Thủ tướng Abe Shinzo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tạp chí "Foreign Policy" của Mỹ viết, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tiến gần tới một cuộc suy thoái có thể xảy ra với tổng thu nhập quốc nội giảm 6,3% trong quý IV năm nay do mức tiêu thụ giảm sau khi tăng thuế. Foreign Policy dự báo, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 gần như chắc chắn sẽ khiến tình hình kinh tế Nhật Bản tồi tệ hơn, ​​quý đầu tiên của năm nay sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng chỉ ở mức 0,3%.

Các sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất ở châu Âu đang trên đường lao dốc, đặc biệt là ở Paris (-5,11%), Luân Đôn (-4%), Frankfurt (-5,81%), Madrid (-5%).

Sở giao dịch chứng khoán Pháp chứng kiến ​​sự sụt giảm lịch sử. Chỉ số CAC-40 của Pháp, một trong những chỉ số quan trọng nhất của Sở giao dịch chứng khoán Paris đối với 40 công ty lớn nhất của Pháp giảm 12,28%. Trong khi đó, chỉ số giao dịch FTSE-100 của Anh, một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất, bao gồm cổ phiếu của 100 công ty lớn nhất nước Anh trên sàn giao dịch chứng khoán London giảm 9,81%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1987.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, thế giới còn đang phải đương đầu với nhiều vấn đề nan giải khác như nợ công chồng chất, giá dầu không ổn định, thị trường tiền tệ biến động, thiệt hại do thiên tai gây ra và ảnh hưởng của Brexit Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực Eurozone.

Các nước và các tổ chức tài chính, tiền tệ làm gì để chống chọi với khủng hoảng?

Đây là một đại dịch đe doạ nghiêm trọng đến tương lai của xã hội loài người, là nguồn gốc gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Bởi vậy, việc thanh toán đại dịch này là nhiệm vụ cấp bách trước tiên, đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các nước. Các cố gắng này đang đem lại những kết quả ban đầu tích cực.

Về kinh tế, một số quốc gia, tập đoàn kinh tế và tổ chức tài chính đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn hậu quả tiêu cực.

Các tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra một gói tiền tệ hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chi 50 tỷ USD để góp phần đối phó với khủng hoảng. Giám đốc điều hành Quỹ, bà Kristalina Georgieva cho biết, quỹ sẽ hành động nhanh chóng để xem xét các đơn xin vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp của các quốc gia bị thiệt hại. Giám đốc thương mại quốc tế của UNCTAD Pamela Cook Hamilton nói, 50 tỷ USD của IMF mới chỉ là ước tính cho đợt đầu.

Về phần mình, Ngân hàng thế giới (WB) đã tiết lộ một gói khẩn cấp trị giá 12 tỷ USD để giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng nặng. Chủ tịch WB David Malpass cho biết, Hiệp hội phát triển quốc tế của Ngân hàng, cơ quan phụ trách việc giúp đỡ các nước nghèo nhất thế giới, có thể nhận được thêm tiền vào quý II năm 2020 để tài trợ khẩn cấp cho các nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh .

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde nói, ngân hàng đã sẵn sàng thực hiện "các biện pháp phù hợp có mục đích" để chống lại các tác động kinh tế của dịch bệnh Covid-19.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey cho biết, ngân hàng đang xem xét khả năng giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ ngay các công ty hoạt động bị gián đoạn do sự lây lan của dịch bệnh.

Chính quyền Mỹ đưa ra một gói tài chính kích thích trị giá 1.000 - 1.200 tỷ USD nhằm khắc phục dịch bệnh và những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Mỹ. Chính quyền Tổng thống D. Trump còn dành 250 tỷ USD dưới dạng "chuyển tiền trực tiếp" cho các công dân, theo đó mỗi người Mỹ sẽ được nhận 1 nghìn USD tiền mặt.

Chính phủ Mỹ cũng đã quyết định dành 500 tỷ USD và Trung Quốc đang bơm hơn 173 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng.

UNCTAD nêu rõ, các ngân hàng trung ương không thể một mình giải quyết được khủng hoảng, mà cần phải có một loạt chính sách và cải cách thể chế để ngăn chặn sự hoảng loạn trong dân chúng, đổ xô đi mua hàng hoá tích trữ, gây ra sự khan hiếm giả tạo đối với hàng hoá trên thị trường, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Để giải quyết những lo ngại này, Kozul-Wright nói: "Trước mắt, các chính phủ phải chi tiền để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế có thể gây ra nhiều thiệt hại lớn hơn trong năm nay." Ông kêu gọi Mỹ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, không chỉ là giảm thuế và giảm lãi suất. Các nước châu Âu cũng đưa ra các gói tài chính hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho dân chúng và các doanh nghiệp.

4 kịch bản cho kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định hạ lãi suất xuống mức 1% và 1,25% trong một động thái khẩn cấp nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19.

Chủ tịch Tập đoàn Eurogroup, Mario Centeno cho biết, các nước khu vực Eurozone đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp tài chính đặc biệt và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ nền kinh tế EU. Ông nói thêm, các quy định ngân sách ở các quốc gia thành viên có thể được điều chỉnh theo tỷ lệ chi tiêu khẩn cấp ở các quốc gia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do sự lây lan của dịch bệnh. Vấn đề này đặc biệt liên quan đến Italia, thành viên của Eurozone, nước có tỷ lệ nợ công hết sức cao và là quốc gia hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 ở châu Âu.

Đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với kinh tế thế giới là một vấn đề mang tính chất toàn cầu, không phải của riêng ai. Không một quốc gia nào có thể đửng ngoài và không nước nào có thể một mình giải quyết được cuộc khủng hoảng này. Tất cả các nước cần chung sức mới có thể vượt qua được khó khăn và khủng hoảng hiện nay.

4 kịch bản cho kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại