4 câu hỏi về khủng hoảng năng lượng thế giới đặt ra trong năm 2023

Mai Trang |

Cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới vẫn còn nhiều điều khó lường và chưa thể kết thúc trong năm 2023.

Thị trường năng lượng thế giới trong năm 2022 đã có nhiều biến động. Để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga và cấm nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Đáp lại, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tới châu Âu.

4 câu hỏi về khủng hoảng năng lượng thế giới đặt ra trong năm 2023 - Ảnh 1.

Các đường ống của nhà máy lưu trữ khí đốt Reckrod gần Eiterfeld, miền Trung nước Đức. Ảnh: AP

Các nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga như Đức đã phải cắt giảm sử dụng năng lượng và tìm kiếm nguồn cung thay thế. Trong khi đó, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn cung năng lượng với giá phải chăng. Một số nước như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka phải đối mặt với tình trạng mất điện.

Khi năm 2022 sắp kết thúc, phần lớn hệ thống năng lượng của Ukraine vẫn bị hư hỏng nghiêm trọng. Giá điện và khí đốt toàn cầu vẫn ở mức cao. Trong khi đó, các quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Tập san khoa học Nature nhận định rằng, trong năm 2023 và có thể là những năm về sau, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc đối với thế giới. Dưới đây là 4 câu hỏi định hình về khủng hoảng năng lượng thế giới trong năm 2023.

Bản đồ năng lượng thế giới sẽ thay đổi như thế nào?

Các sự kiện trong năm 2022 đã thay đổi vị thế của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu và bản đồ năng lượng của thế giới.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU đã nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm 2021, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này. Giờ đây, EU đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn như Na Uy, Algeria và Mỹ, cũng như các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Phi và Trung Đông.

Vào năm 2023, EU sẽ có một sự thay đổi mang tính lịch sử khi đã đề ra các kế hoạch khẩn cấp cho các nước thành viên để đến tháng 3 mỗi nước sẽ cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ.

Trong khi đó, Nga đang tìm cách chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ hiện mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trung Quốc cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga.

Châu Âu sẽ chứng kiến mức giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên kéo dài nhờ các biện pháp cắt giảm, chuyển sang các giải pháp năng lượng xanh hoặc chuyển giao các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép và phân bón sang các quốc gia khác. Các nước Đông Á sẽ giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ và chuyển sang sử dụng than rẻ hơn. Mỹ đang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch trong nước để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và biến động giá cả.

Các giải pháp năng lượng khác cũng đang được thúc đẩy, đáng chú ý là hydro xanh. Chẳng hạn, liên minh năng lượng hydro giữa Canada và Đức, được công bố vào tháng 8, đang thống nhất các chính sách và đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng hydro giữa hai quốc gia. EU đang tập trung vào mối quan hệ thương mại năng lượng với các quốc gia châu Phi, bao gồm Algeria, Nigeria và Namibia, hướng tới công nghệ hydro xanh và “power-to-X”, sử dụng điện sạch để tạo ra khí tự nhiên tổng hợp, nhiên liệu lỏng hoặc hóa chất trung hòa carbon.

Vào năm 2023, các nhà nghiên cứu cần xem xét rằng liệu các giải pháp như vậy có đủ để bù đắp cho lượng năng lượng nhập khẩu từ Nga và tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hay không. Họ phải đánh giá các chiến lược để cân bằng giữa cung và cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong một thị trường eo hẹp.

Tính khả thi về công nghệ và kinh tế của các dự án năng lượng mới phải được đánh giá kỹ lưỡng. Chẳng hạn, đường ống BarMar, một dự án chung của Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhằm mục đích dẫn khí đốt tự nhiên thông qua hệ thống dưới biển giữa Barcelona và Marseilles trong 4-5 năm tới. Tuy nhiên, tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật của một cơ sở hạ tầng như vậy cần được xem xét.

Giá năng lượng cao sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo?

Mức độ mà các quốc gia có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh là một câu hỏi quan trọng trong năm 2023. Giá dầu và khí đốt toàn cầu cao đã thúc đẩy các hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt các tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt để giảm hóa đơn năng lượng.

Các nhà hoạch định chính sách của EU đã nhanh chóng cấp phép lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo và đơn giản hóa các quy định xung quanh việc trang bị thêm cho các tòa nhà để tiết kiệm năng lượng hơn.

Trong năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật về thuế, y tế và khí hậu, trong đó có khoản chi tiêu kỷ lục 369 tỷ USD cho các chính sách khí hậu và năng lượng. Dự luật này bao gồm việc miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ, đồng thời hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ.

Theo IEA, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới, ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

EU là một trong khu vực dẫn đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở EU liên tục phát triển trong những năm gần đây. Tại thị trường Mỹ, chính phủ đã đầu tư rất lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo, cũng các ngành công nghiệp sản xuất thay thế dần động cơ sở dụng năng lượng sạch.

Tạp chí Nature cho rằng cần theo dõi khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước dẫn đầu và các nước đi sau về giảm thiểu carbon. Vào năm 2021, các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi chỉ nhận được 8% tổng đầu tư vào năng lượng sạch. Nếu các nhà đầu tư không lưu ý đến các quốc gia có hệ thống năng lượng dựa trên than đá, nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ khó bắt kịp các nước khác.

Cho đến nay, các cam kết quốc gia đối với Quỹ Khí hậu Xanh đã không còn nhiều. Điều cần thiết là nhiều sáng kiến hơn như Liên minh Khí hậu Toàn cầu, được đề xuất tại hội nghị khí hậu COP27 ở Ai Cập vào tháng 11.

Theo Nature, bản chất của quá trình chuyển đổi khử carbon là một lựa chọn chính trị, thế giới cần giải quyết quá trình này như một thách thức chung toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các quốc gia.

Tác động của khủng hoảng năng lượng tới kinh tế là gì?

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội trong và giữa các quốc gia. Các hộ gia đình dễ bị tổn thương và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chi phí năng lượng tăng vọt.

Cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng nợ. Các nền kinh tế dễ bị tổn thương có thể chứng kiến các ngành công nghiệp của họ bị thu hẹp.

Các nhà nghiên cứu phải đánh giá tác động đối với các chính sách quốc gia và các chính sách viện trợ, cho vay và phát triển đa phương. Họ nên làm rõ mức độ gia tăng thiếu năng lượng và lạm phát do năng lượng làm suy yếu sự gắn kết xã hội và đe dọa sự ổn định chính trị.

Khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến hành động khí hậu như thế nào?

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ tác động nhiều đến những hành động về khí hậu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dường như không hài lòng với các phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng năng lượng, khi các nước giàu đang chuyển sang sử dụng than đá để thay thế năng lượng nhập khẩu của Nga trong khi kêu gọi các quốc gia nghèo hơn nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.

Khi ngân sách bị ảnh hưởng, mục tiêu tài chính khí hậu của các nước giàu sẽ khó đạt được. Các sáng kiến khí hậu phân chia các quốc gia thành các khối thương mại có thể gây ra căng thẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo nếu chúng không phù hợp với nguyên tắc chung.

Các nhà khoa học xã hội và chính trị cũng như các nhà kinh tế cần xác định cơ chế song phương, khu vực và đa phương nào phù hợp nhất để thúc đẩy tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực như đã cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris.

Sau sự hỗ trợ tại cuộc họp về khí hậu COP27, cần nghiên cứu xây dựng quỹ tổn thất và thiệt hại toàn cầu để bồi thường cho các quốc gia về tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Nếu không, căng thẳng giữa các quốc gia sẽ gia tăng và có nguy cơ làm đình trệ các cuộc đàm phán về khí hậu.

Khủng hoảng năng lượng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các quốc gia trên thế giới. Khi thế giới sắp bước sang năm 2023, giới chức và nhà nghiên cứu của các nước cần đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh diễn ra tốt đẹp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại