Học sinh lớp 9 sáng tạo nhà thông minh cho người khuyết tật

Trúc Hân |

Mong muốn những người khuyết tật thuận lợi hơn trong hoạt động hàng ngày, hai HS lớp 9 đã sáng tạo Nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói.

Thức khuya thực hiện dự án

Trong cuộc sống hàng ngày, Võ Văn Đức và Đỗ Hoàng Minh Uyên, học sinh lớp 9I, Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến nhiều người khuyết tật gặp khó khăn trong sinh hoạt. Thấu hiểu sự vất vả của những hoàn cảnh bất hạnh, Đức và Uyên “nuôi” suy nghĩ sáng tạo một dự án hoặc thiết bị để hỗ trợ người khuyết tật. Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, đến tháng 9/2022 sau khi thầy, cô giáo phát động phong trào sáng tạo khoa học – kỹ thuật trong trường học, Uyên và Đức chính thức bắt tay vào thực hiện.

Những ngày đầu thực hiện dự án “Nhà thông minh dành cho người khuyết tật” việc tìm nguyên vật liệu khá khó khăn với hai em, bởi sản phẩm này được thiết kế thành mô hình căn nhà thu nhỏ. Đức phụ trách phần Tin học - tạo mã code, còn Uyên sáng tạo, thiết kế ngôi nhà. Ban đầu, Uyên và Đức sử dụng nhựa Alu để làm căn nhà thu nhỏ, thế nhưng vật liệu này không chắc chắn, dễ hư hỏng nên các em phải thay đổi chuyển sang nhựa Mica. Bên cạnh đó, Đức chạy chương trình cũng liên tiếp gặp phải sự cố và lỗi kỹ thuật. Sau 6 lần sửa chữa và thay đổi, dự án mới dần hoàn thiện và hoạt động trơn tru.

“Đây là năm học cuối cấp nên chúng em tập trung ôn luyện, nắm vững kiến thức trên trường lớp. Do đó, sau 8 giờ 30 phút tối, khi đã hoàn thành bài học em và Đức mới bắt tay vào trao đổi, thực hiện dự án. Trong quá trình làm, chúng em gặp khá nhiều sai sót và cũng nảy sinh một vài bất đồng. Tuy nhiên, cả hai luôn lắng nghe, cùng nhau thảo luận và tham khảo ý kiến của thầy, cô để chọn lựa phương án tốt nhất”, em Minh Uyên tâm sự.

Còn theo Võ Văn Đức, dự án hoạt động theo cách thức sử dụng điện thoại kết nối Bluetooth và phần mềm có tên “Arduino bluetooth controler”. Với phần mềm giọng nói, để điều khiển thiết bị phải kết nối với mạch bằng dây dẫn. Sau đó gắn micro đi kèm vào mạch, ghi âm giọng nói trước để chương trình có thể nhận diện, hoạt động theo yêu cầu.

Học sinh lớp 9 sáng tạo nhà thông minh cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Mô hình “Nhà thông minh dành cho người khuyết tật” được điều khiển bằng giọng nói của Uyên và Đức.

Hỗ trợ người khuyết tật

Sau 3 tháng tìm hiểu, nghiên cứu thông qua sách báo và mạng Internet, dự án “Nhà thông minh dành cho người khuyết tật” của Uyên và Đức đã hoàn thiện.

“Công đoạn khó nhất với chúng em là dựng mã code để chạy chương trình. Bởi kiến thức của chúng em còn hạn chế nên mất nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi. May mắn sau gần 3 tháng, trải qua nhiều lần thất bại, sản phẩm cũng đã ổn định và tương đối hoàn thiện”, em Đức tâm sự.

Cho rằng, dự án nếu sử dụng trong cuộc sống hàng ngày thì khá khả thi, Uyên viện dẫn: Những người khiếm khuyết vận động, di chuyển khó khăn có thể sử dụng giọng nói để điều khiển các thiết bị dù không ở gần. Bên cạnh đó là dùng điện thoại ngắt nguồn điện để bảo vệ an toàn cho ngôi nhà.

Dự án “Nhà thông minh dành cho người khuyết tật” của Đức và Uyên đã xuất sắc đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh THCS năm học 2022 - 2023. Thời gian tới, hai em tiếp tục đưa dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm học 2022 - 2023.

Cô Ninh Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, cho biết, Đức và Uyên luôn là học sinh giỏi toàn diện của trường. Vừa qua, trong cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, em Võ Văn Đức đã đoạt giải Nhì môn Sinh học, còn em Đỗ Hoàng Minh Uyên giành giải Khuyến khích môn Tiếng Anh. Bên cạnh đó, Uyên và Đức luôn tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp.

Theo cô Hằng, đây là lần đầu tiên hai học sinh thực hiện dự án và tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. Hai em đã cố gắng, nỗ lực và xuất sắc đoạt giải thưởng cao nhất.

“Những năm qua, học sinh của trường thường xuyên tham gia và đạt được giải thưởng cao trong các cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp thành phố và tỉnh. Đây là niềm vui và tự hào của nhà trường. Do đó, đơn vị luôn động viên, tạo điều kiện để các em sáng tạo”, cô Hằng nói.

“Đây là dự án đầu tiên và rất tâm huyết của chúng em. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những thiếu sót, do đó em và Đức tiếp tục học hỏi và tiếp thu những ý kiến góp ý của thầy, cô để sản phẩm ngày càng hoàn thiện”, Uyên nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại