Đại Thanh là vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa, tồn tại 276 năm với 11 đời Hoàng đế.
Nói về đời tư của các Thiên tử thuộc triều đại này, không khó để nhận thấy Hoàng hậu của họ cũng là những người được sử sách rất mực coi trọng với số lượng tư liệu ghi chép nhiều hơn hẳn so với các phi tần khác.
Tuy nhiên trên thực tế, Thanh triều vẫn có tới 4 vị Hoàng hậu sở hữu cái chết hết sức ly kỳ và bí ẩn. Việc sử liệu không ghi lại về nguyên nhân qua đời của họ đã để lại cho hậu thế nhiều câu hỏi cho tới ngày nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Phế hậu Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị (vua Thuận Trị)
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hoàng hậu Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị là chính thê đầu tiên của Thuận Trị đế. Theo sử liệu ghi lại, bà là người sở hữu dòng máu thuần khiết của quý tộc Mông Cổ và là cháu gái của Hiếu Trang Hoàng hậu (mẹ thân sinh ra vua Thuận Trị).
Vào thời bấy giờ, những cuộc hôn nhân giữa họ hàng vẫn thường diễn ra vì nhiều động cơ chính trị khác nhau. Tuy nhiên bản thân Thuận Trị đế hết sức bất mãn trước mối hôn sự với người chị họ này.
Ông hiểu rõ hơn ai hết, cuộc hôn nhân giữa mình và Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị vốn là do Thái hậu cùng Nhiếp chính vương an bài dựa trên việc cân nhắc các mục tiêu chính trị chứ không xét tới phương diện tình cảm.
Cứ như vậy, Thuận Trị đế và Hoàng hậu đầu tiên của mình tổ chức hôn sự vào năm ông mới 14 tuổi. Cuộc sống vợ chồng không mấy hạnh phúc của họ cũng vì thế mà chẳng được bền lâu.
Chỉ vẻn vẹn 2 năm sau khi thành thân, vua Thuận Trị đã công khai phế bỏ Hoàng hậu Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị, giáng bà xuống làm Tĩnh phi.
Có giai thoại truyền lại rằng, Thuận Trị bất mãn trước việc Hoàng hậu thường đố kỵ với các phi tần xinh đẹp, lại mang lòng dạ ác độc.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn cảm thấy Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị sống quá mức xa xỉ, phô trương lãng phí, ngay tới dụng cụ sinh hoạt hằng ngày đều phải làm bằng vàng bạc đá quý, căn bản không có phong thái của bậc mẫu nghi.
Chính những lý do này đã khiến cho vị Hoàng đế trẻ ấy bất chấp sự phản đối của triều thần và cương quyết muốn phế hậu.
Sau khi bị phế, cuộc sống của Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị chẳng còn được mấy ai ngó ngàng tới. Ngay tới việc bà qua đời bởi nguyên nhân gì cũng không hề được sử liệu ghi lại.
Điểm đáng chú ý nằm ở chỗ, tất cả các phi tần của Thuận Trị đế sau khi qua đời đều được chôn tại Thanh Đông Lăng, ngay tới tên tuổi cũng đều có ghi lại đầy đủ, duy chỉ riêng Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị là không có.
Về kết cục của vị phế hậu này, có giai thoại còn truyền lại rằng sau khi bị giáng làm Tĩnh Phi, Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị đã trở về nhà mẹ đẻ dù biết bản thân đã mang thai.
Sau đó, bà sinh hạ được một người con trai, thế nhưng kết cục của họ ra sao, qua đời trong hoàn cảnh thế nào và vì nguyên nhân gì thì vẫn còn là điều bí ẩn.
Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị (vua Đạo Quang)
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị (1808 – 1840) là vị Hoàng hậu thứ ba của Hoàng đế Đạo Quang và cũng là mẹ ruột của vua Hàm Phong.
Cũng bởi là vị Hoàng hậu được sắc phong về sau nên tuổi tác của bà với Đạo Quang có chênh lệch không nhỏ. Trên thực tế, vị Hoàng hậu này kém đức phu quân của mình tới… 26 tuổi.
Sử liệu ghi chép, Nữu Hỗ Lộc thị là con gái của Nhị đẳng thị vệ Càn Thanh môn. Bà sinh thời nổi tiếng là thông minh cơ trí, lại khéo léo, hiểu chuyện nên rất được sủng ái.
Tuy nhiên điểm kỳ lạ lại nằm ở chỗ, vị Hoàng hậu được người người yêu quý và ngưỡng mộ này lại đột nhiên qua đời khi chưa mới ngoài 30 tuổi, hơn nữa nguyên nhân cái chết còn rất mực bí ẩn.
Dã sử truyền lại rằng, năm xưa Nữu Hỗ Lộc thị vì muốn con trai kế vị nên đã tổ chức một buổi yến tiệc có tên là "độc ngư yến". Trong buổi cung yến hôm đó, bà đã sai người hạ độc vào tất cả các món cả để thanh trừng các Hoàng tử khác nhằm mục đích dọn đường cho con ruột của mình lên ngôi.
Thế nhưng người con do Nữu Hỗ Lộc thị thân sinh lại quá mức trung hậu, liền âm thầm báo cho các huynh đệ về âm mưu của mẹ mình. Sau khi sự việc bại lộ, Thái hậu đương triều đã giận dữ ép Hoàng hậu phải tự vẫn.
Mặc dù chỉ là giai thoại truyền miệng, thế nhưng đây cũng có thể xem là một giả thiết có phần hợp lý trong việc giải thích lý do vị Hoàng hậu này đột ngột qua đời một cách bí ẩn khi mới ngoài 30.
Từ An Hoàng hậu (vua Hàm Phong)
Từ An (bên phải) và Từ Hi là Lưỡng cung Thái hậu nổi danh trong lịch sử Thanh triều.
Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu Từ An (1837 – 1881) là vị Hoàng hậu thứ hai dưới thời Hàm Phong đế. Năm xưa, bà được xem là một trong những nhân vật truyền kỳ nơi hậu cung với con đường bước lên ngai vị mẫu nghi thuận lợi tới mức khó có thể tưởng tượng.
Tháng 2 năm Hàm Phong thứ hai, Từ An được phong làm Trinh Tần. Tháng 5 năm ấy, bà tiếp tục được tấn phong làm Quý phi và cuối cùng được sắc phong làm Hoàng hậu chỉ 5 tháng ngay sau đó ở tuổi 16.
Tới năm Hàm Phong thứ 11, Tiên đế đột ngột qua đời, Đồng Trị kế vị khi còn nhỏ tuổi. Bên cạnh Thái hậu danh chính ngôn thuận là Từ An, các đại thần còn tôn mẹ ruột của nhà vua là Ý Quý phi (tức Từ Hi) làm Thái hậu.
Cũng bởi vậy mà Thanh triều bấy giờ tồn tại cùng lúc hai vị Thái hậu, sử cũ gọi là Lưỡng cung Thái hậu, bao gồm Từ An Đông Thái hậu và Từ Hi Tây Thái hậu.
Không lâu sau, Lưỡng cung Thái hậu cấu kết với Cung Thân vương phát động chính biến, nắm giữ thực quyền, buông rèm nhiếp chính.
Tới năm 19 tuổi, Đồng Trị đột ngột qua đời, Từ Hi tiếp tục nâng đỡ con trai 3 tuổi của Thân vương Tải Điềm lên ngôi, sử cũ gọi là Quang Tự đế.
Ngày 11 tháng 3 năm Quang Tự thứ 7, Từ An Thái hậu đột ngột qua đời ở tuổi 44. Cái chết đột ngột của vị Thái hậu vốn đang khỏe mạnh ấy đã khiến cho nhiều người không khỏi nghi ngờ.
Vào thời bấy giờ, bách tính còn lưu truyền giai thoại về việc Từ An bị đối thủ Từ Hi hại chết.
Theo giả thiết này, năm xưa Hàm Phong trước khi qua đời đã để lại cho Từ An một đạo thánh chỉ, giao cho bà quyền lực áp chế Từ Hi.
Từ Hi sau khi phát hiện đã cố tình diễn một màn khổ nhục kế khiến cho Từ An tin tưởng và đốt đạo thánh chỉ kia đi.
Khi đã không còn thứ gì đe dọa, Từ Hi cuối cùng chẳng chút kiêng kỵ mà đầu độc chết đối thủ chính trị đáng gờm này.
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là giả thiết không đáng tin. Bởi lẽ Từ An Thái hậu trên thực tế cũng không thể áp chế một Từ Hi với bản lĩnh chính trị xuất chúng, do đó việc Từ Hi phải ra tay trừ khử đối thủ không xứng tầm này là điều không cần thiết.
Hoàng hậu A Lỗ Đặc thị ( vua Đồng Trị)
Tranh chân dung Hoàng hậu A Lỗ Đặc thị (bên phải) và Đồng Trị Hoàng đế.
Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu A Lỗ Đặc thị (1854 – 1875) là Hoàng hậu duy nhất của vua Đồng Trị, xuất thân trong một gia đình có cha là Trạng Nguyên Mãn Châu nổi tiếng.
Năm xưa khi Lưỡng cung Thái hậu tuyển tú cho nhà vua, nàng được Từ An Thái hậu nhìn trúng, trong khi đó Từ Hi lại vừa mắt Phú Sát thị.
Sau cùng, Đồng Trị đã chọn A Lỗ Đặc thị làm Hoàng hậu. Tình cảm vợ chồng giữa nàng và Hoàng đế cũng rất mực gắn bó, khăng khít.
Tuy nhiên do không phải là con dâu được đích thân Từ Hi chọn, A Lỗ Đặc thị đã không ít lần bị người mẹ chồng này gây khó dễ.
Trước mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu căng thẳng, Hoàng đế Đồng Trị ngày càng chán nản, bỏ bê hậu cung lẫn chính sự, ngày đêm sa vào tửu sắc, cuối cùng bị mắc phải bệnh hoa liễu vì thường trốn đi… kỹ viện.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, khi Đồng Trị bệnh nặng hấp hối, Từ Hi còn cố tình nắm tóc, bạt tai Hoàng hậu A Lỗ Đặc thị trước mặt nhà vua.
Sau khi Đồng Trị băng hà, A Lỗ Đặc thị cũng không được tôn làm Thái hậu theo đúng quy củ mà chỉ được sắc phong thành "Gia Thuận Hoàng hậu".
Bấy giờ, người nhà nhìn thấu được ác ý của Từ Hi nên đã khuyên nàng quyên sinh theo Hoàng đế. Thế nhưng Thanh cung vốn có quy định cấm phi tần tự tử, vì vậy A Lỗ Đặc Hoàng hậu chỉ còn nước tuyệt thực mà chết, cũng có giai thoại truyền lại rằng bà nuốt kim tự vẫn.
Cuối cùng, vị Hoàng hậu ấy qua đời chỉ sau khi Đồng Trị đế băng hà đúng 75 ngày. Nguyên nhân thực sự phía sau cái chết đầy ẩn tình ấy có lẽ chỉ có Lưỡng cung Thái hậu lúc bấy giờ là hiểu rõ hơn ai hết…
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)