1. Lựa chọn chậu phù hợp
Rau gia vị có thể cho thu hoạch tốt ngay cả khi được trồng trong khoảng diện tích hạn hẹp với chậu trồng nhỏ, trong khi đó, cà chua, cà tím hoặc ớt lại đòi hỏi chậu trồng lớn với đầy đủ đất, nước và chất dinh dưỡng.
Tùy thuộc vào loại cây bạn muốn trồng để lựa chọn chậu thích hợp.
Tóm lại, tùy vào từng loại rau (kích thước và đặc tính quang hợp ánh sáng) và số lượng hạt giống, bạn có thể chọn các loại chậu và khay khác nhau. Bạn có thể chọn khay nhựa, chậu nhựa, chậu xốp hoặc chậu gốm.
Những loại cây có cùng tập tính có thể được trồng trong những chậu cây giống nhau.
Đặc biệt, được ưa chuộng nhất hiện nay phải kể đến chậu nhựa thông minh. Được thiết kế thông thoáng và thoát nước tốt, không làm bẩn sàn nhà, chậu nhựa thông minh được xem là "ứng viên" sáng giá cho việc trồng rau xanh trên ban công chật hẹp.
Những cây ưa bóng râm nên được trồng ở những chậu nhỏ, xếp xen kẽ giữa các chậu cây lớn để phù hợp với tập tính và tiết kiệm diện tích.
2. Lựa chọn đất trồng
Rau xanh sẽ sinh trưởng và cho sản lượng tốt nhất khi được trồng trong đất hữu cơ chất lượng cao. Tuyệt vời nhất là khi bạn có thể mang được đất phù sa về làm đất trồng rau. Nếu không, bạn vẫn có thể sử dụng đất vườn thông thường, sau đó tăng cường dinh dưỡng bằng phân hữu cơ.
Chất lượng đất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay có bán đất sạch đóng gói, thành phần gồm tro, xơ dừa, đất màu, than bùn, phân hữu cơ,... được trộn lẫn theo tỉ lệ của các nhà sản xuất. Nếu không tìm được đất tự nhiên, bạn có thể mua những bao đất sạch này. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ về thành phần phối trộn.
3. Tìm nơi thích hợp để đặt chậu cây
Trong vườn rau sạch của bạn, chắc chắn sẽ có những cây ưa sáng và những cây có tập tính ngược lại. Vì thế, hãy dành thời gian tìm hiểu thật kĩ để nắm được trong một ngày, ánh sáng mặt trời dịch chuyển qua các khu vực trong ban công như thế nào. Từ đó, tập hợp các chậu cây có cùng tập tính về nơi mà chúng sẽ phát triển tốt.
Tập hợp các chậu cây lại không chỉ thuận lợi cho sự quang hợp của cây mà còn giúp cho việc tưới nước được hiệu quả và dễ dàng hơn.
4. Một số loại rau củ dễ trồng và nên trồng
Rau ăn lá: Với các "lính mới" trong công cuộc trồng vườn, rau ăn lá (rau cải, rau muống, mồng tơi, rau diếp, ngải cứu,... và các loại rau gia vị: rau mùi, kinh giới, tía tô, húng, bạc hà,...) là loại dễ trồng, nhanh thu hoạch, ít bị sâu bệnh. Khi cây bị sâu bệnh ở mức vừa phải, bạn có thể phun dung dịch tỏi, ớt nhưng nếu nặng hơn có thể phải dùng đến các loại dầu khoáng, thuốc trừ sâu sinh học.
Rau ăn lá là những loại cây dễ trồng trong chậu nhất.
Rau gia vị không phải là món ăn nhưng sự kết hợp ăn ý giữa chúng và nhiều món ăn khác, khiến rau gia vị trở thành những giống cây nhỏ bé không thể thiếu trong vườn nhà.
Rau diếp/xà lách là lựa chọn của hầu hết các "tân binh" trong lĩnh vực làm vườn vì đặc tính lớn nhanh, dễ thu hoạch và kháng sâu bệnh tốt.
Ớt: Trong thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, bạn có thể dễ dàng trồng ớt trên ban công. Ớt anh đào, ớt chỉ thiên, ớt chuông,... đều là những loại cây rất dễ thích nghi. Ớt cần khá nhiều không gian nên bạn cần trồng chúng trong chậu có thể tích lớn (từ 3 lít trở lên).
Ớt chuông...
... hay ớt sừng, ớt chỉ thiên đều là những loại cây rất dễ trồng.
Cà chua: Đây là loại cây phổ biến và phù hợp nhất cho mọi khu vườn. Bạn có thể trồng cà chua (cà chua bi, cà chua chocolate, cà chua vàng, cà chua múi,...) trong giỏ treo, trong chậu, trong thùng xốp hay bất cứ đâu có đủ ánh nắng mặt trời và các điều kiện chống đỡ cho thân cây.
Cà chua không những cho quả ngon mà còn có công dụng thêm màu sắc cho khu vườn nữa.
Nếu lo sợ sâu bệnh, bạn hãy thử trồng cây cà chua xen lẫn những bụi húng quế, hiệu quả sẽ khiến bạn vô cùng ngạc nhiên đấy!
Cà tím: Nói đến cà tím chắc hẳn bạn đang nghĩ ngay đến các món như cà tím bung, cà tím nhồi thịt hay cà tím nướng,... Khi bất chợt nổi cơn thèm, thật tuyệt biết mấy khi bạn chỉ cần ra vườn, nhón tay hái là có ngay nguyên liệu nấu các món cà tím. Từ lúc gieo hạt đến lúc những trái cà tím "nằm im" trong nồi khoảng 2 tháng.
Chỉ cần bạn bỏ ra ít phút mỗi ngày để chăm bón, chẳng bao lâu khu vườn nhỏ trên ban công sẽ ngập tràn sắc tím.
Khoai tây: Nếu bạn vô tình để quên những củ khoai tây trong bếp quá lâu, đến nỗi chúng có dấu hiệu nảy mầm thì đừng vội vứt đi nhé. Khoai tây mọc mầm không thể ăn được nữa nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng chính những củ khoai tây tưởng-như-hỏng để trồng thành cây mới ngay tại khu vườn nhỏ trên ban công của mình.
Cảm giác được thưởng thức những món ăn khoái khẩu từ chính khoai tây mình tự tay chăm bón rất tuyệt.
Đậu: Tất cả các loại đậu (từ đậu bắp, đậu cô-ve, đến những loại đậu ăn hạt) đều là những loại cây phù hợp với khu vườn trên ban công của bạn.
Có hàng trăm loại đậu để bạn lựa chọn và hầu hết đều có thể phát triển dễ dàng, chỉ cần đủ ánh sáng và đất thoát nước tốt.
Bí ngồi: Bí ngồi có nhiều loại nhưng nhìn chung cách trồng đều tương tự nhau. Chúng có thể mọc thành bụi hoặc dây leo. Thời gian cho thu hoạch lứa bí ngồi đầu tiên là khoảng trên dưới 3 tháng. Nếu trồng bằng phương pháp gieo hạt thì khoảng thời gian này có thể lâu hơn 4 – 5 tuần nữa. Một khi cây đã kết quả thì sẽ rất nhanh đến ngày thu hoạch.
Trồng bí ngồi rất đơn giản, ngay cả với những người mới bắt đầu làm quen với vườn tược.