35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh

Thu Hằng |

35 năm sau thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, người Ukraine đang hướng về Vùng Cấm Chernobyl để tìm niềm cảm hứng, sự an ủi và cả nguồn thu nhập.

Mái vòng bít kín toà nhà đặt lò phản ứng hạt nhân đã phát nổ trong thảm hoạ 35 năm về trước. Ảnh: AP

Mái vòng bít kín toà nhà đặt lò phản ứng hạt nhân đã phát nổ trong thảm hoạ 35 năm về trước. Ảnh: AP

Vùng Cấm Chernobyl rộng lớn và trống trải xung quanh địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới là một lời cảnh tỉnh cho những sai lầm của con người. Tuy nhiên, 35 năm sau thảm hoạ, giới chức Ukraine đang đặt hy vọng nơi này có thể mang đến một nguồn cảm hứng mới và cả nguồn lợi nhuận cho đất nước.

Lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân nằm cách thủ đô Kiev 110km về phía bắc đã phát nổ và bốc cháy trong đêm 26/4/1986, xé tung tòa nhà và phụt cao chất phóng xạ lên bầu trời.

Phản ứng của cơ quan chức năng đã khiến cho thảm họa tồi tệ hơn khi không thông báo lập tức cho công chúng biết chuyện gì đã xảy ra, dù thị trấn Pripyat dành cho công nhân nhà máy ở gần đó được sơ tán vào ngày hôm sau. 2 triệu cư dân ở Kiev đã không được thông báo ngay bất chấp nguy cơ bụi phóng xạ. Thế giới chỉ biết đến thảm họa sau khi phát hiện thấy bức xạ cao ở Thụy Điển.

Cuối cùng, hơn 100.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực lân cận và một vùng cấm rộng 2.600km vuông được thiết lập, nơi chỉ còn hoạt động duy nhất là xử lý chất thải và bảo trì một “cỗ quan tài” bao phủ lò phản ứng.

Tuy nhiên, bức xạ vẫn tiếp tục rò rỉ từ tòa nhà đặt lò phản ứng cho đến tận năm 2019, khi toàn bộ tòa nhà được bao phủ bởi một mái che khổng lồ hình vòm. Khi các robot đặt bên trong mái che đó bắt đầu tháo dỡ lò phản ứng, các quan chức Ukraine đã bắt đầu cảm thấy một niềm lạc quan mới về khu vực này.

35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh - Ảnh 2.

Biểu tượng Liên Xô vẫn còn lại trên nóc một tòa chung cư ở "thị trấn ma" Pripyat, gần nhà máy điện Chernobyl, ngày 15/4/2021. Ảnh: AP

35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh - Ảnh 3.

Một ngôi làng bỏ hoang ở Vùng Cấm Chernobyl, Ukraine. Ảnh: AP

“Đây là một nơi của những ký ức và thảm kịch, nhưng cũng là nơi bạn có thể chứng kiến làm thế nào con người có thể vượt qua hậu quả của một thảm kịch toàn cầu”, ông Bohdan Borukhovskyi, Thứ trưởng Môi trường Ukraine phát biểu. “Chúng tôi muốn một câu chuyện mới hiện lên – đó không phải là một khu vực cấm, mà là một khu vực phát triển và hồi sinh”.

Đối với ông Borukhovskyi, câu chuyện đó bao gồm cả khuyến khích du lịch. “Du lịch của chúng tôi là độc nhất, nó không phải là một khái niệm truyền thống về du lịch. Đó là một khái niệm của thiền định và suy ngẫm, nơi bạn có thể nhìn thấy tác động của những sai lầm do con người, nhưng cũng được chứng kiến chủ nghĩa anh hùng của những người đã sửa chữa sai lầm đó”.

Khu vực Chernobyl đã chứng kiến hoạt động du lịch tăng gấp hai lần sau khi các chương trình truyền hình được phát sóng vào năm 2019 ca ngợi tiềm năng của nơi này. Giới chức địa phương hy vọng mức độ quan tâm của du khách sẽ tiếp tục tăng lên khi đại dịch COVID-19 bị đẩy lùi.

Một trong những địa điểm thu hút du khách là tàn tích của Pripyat, thị trấn hiện đại một thời với 50.000 dân, nay trở thành nơi mục nát, bị thảm thực vật xâm chiếm. Nhiều hoạt động xây dựng đang được tiến hành nhằm mở những lối đi giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn.

Nhà máy điện Chernobyl đã ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm tại nơi này. Thứ trưởng Borukhovskyi cho biết, phải đến năm 2064, toàn bộ 4 lò phản ứng mới được tháo dỡ hoàn toàn.

35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh - Ảnh 4.

Công nhân tại khu vực lò phản ứng đã nổ tại nhà máy Chernobyl, ngày 15/4/2021. Ảnh: AP

Ukraine đã quyết định sử dụng khu vực hoang vắng này làm địa điểm lưu trữ tập trung các nhiên liệu đã qua sử dụng từ 4 nhà máy điện hạt nhân còn lại của đất nước và khu lưu trữ sẽ mở cửa trong năm nay. Cho đến gần đây, nhiên liệu từ các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine vẫn được xử lý tại Nga.

Việc dự trữ nhiên liệu đã qua sử dụng ở trong nước sẽ giúp Ukraine tiết kiệm được khoảng 200 triệu USD/năm.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để vùng đất này, nơi con người không thể sinh sống, vẫn có thể có lợi ích, mang lại lợi nhuận cho đất nước”, ông Serhiy Kostyuk, Giám đốc cơ quan quản lý vùng thảm họa Chernobyl cho biết.

Mặc dù hàm lượng phóng xạ trong khu vực đã đủ thấp để đảm bảo an toàn cho du khách tham quan và các công nhân làm việc, hoạt động sinh sống lâu dài ở nơi này vẫn bị cấm.

35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh - Ảnh 5.

Quang cảnh thị trấn Pripyat hoang phế sau thảm họa hạt nhân. Ảnh: AP

Nhưng bất chấp chấp lệnh cấm, khoảng trên 100 người vẫn sống trong khu vực trải dài 30km quanh nhà máy điện hạt nhân. Trong số họ có cựu giáo viên 85 tuổi Yevgeny Markevich. “Thật hạnh phúc lớn khi được sống ở nhà, nhưng đáng buồn là nó không còn được như trước nữa”, ông Markevich chia sẻ. Hiện tại, ông trồng khoai tây và dưa chuột trong khoảnh vườn của mình để thử nghiệm “nhằm bảo vệ bản thân mình”.

35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh - Ảnh 6.

Ông Yevgeny Markevich, 85 tuổi, sống trong Vùng Cấm Chernobyl, ảnh chụp ngày 14/4/2021. Ảnh: AP

Trong khi đó, những tác động lâu dài lên sức khỏe con người vẫn là chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong giới khoa học.

Ngay sau thảm hoạ, 30 công nhân và lính cứu hỏa đã thiệt mạng vì nhiễm xạ cấp tính. Sau đó, thêm hàng ngàn người qua đời vì các bệnh liên quan đến phóng xạ như ung thư.

Tuy vậy, trước sự ngạc nhiên của nhiều người cho rằng đây có thể là vùng chết trong nhiều thế kỷ, các loài động vật hoang dã lại phát triển mạnh: Gấu, bò rừng, sói, linh miêu, ngựa hoang và hàng chục loài chim đang sinh sống tự do trong vùng đất không có người ở này.

Theo các nhà khoa học, các loài động vật có sức chống chịu tốt hơn nhiều trước phóng xạ so với những gì ta suy đoán, và có thể nhanh chóng thích nghi với phóng xạ mạnh. Các nhà khoa học Ukraine đang nghiên cứu hiện tượng này cùng với các đồng nghiệp từ Nhật Bản và Đức.

35 năm sau thảm họa hạt nhân, Chernobyl mang khát vọng hồi sinh - Ảnh 7.

Nhiều loài động vật như cáo, sói, gấu... vẫn sinh sống thoải mái trong khu vực. Ảnh: AP

“Đây là một vùng lãnh thổ khổng lồ, trong đó chúng ta lưu giữ một biên niên sử của tự nhiên”, nhà sinh vật học Denis Vishnevskiy, từng quan sát thiên nhiên trong khu bảo tồn suốt 20 năm qua, cho biết. “Vùng Cấm không phải là một lời nguyền, mà là tài nguyên của chúng tôi”.

Giới chức Ukraine còn đang kêu gọi đưa Vùng Cấm Chernobyl vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Bộ trưởng Văn hóa Ukraine đã tiến hành những bước đi đầu tiên nhằm công nhận khu vực này như một chứng tích, nhằm thu hút thêm ngân sách và khách du lịch.

Với tinh thần lưu giữ ký ức, một số người đam mê còn tạo ra Ứng dụng Chornobyl, bao gồm các tài liệu đã được giải mật về thảm họa và cho phép người dùng khám phá với chế độ xem thực tế ảo về khu vực và các cấu trúc tại đây.

Valeriy Korshunov, một trong những nhà phát triển ứng dụng miễn phí này, cho biết: “60% người Ukraine không biết ngày xảy ra thảm họa và chúng tôi quyết định rằng cần có một nền tảng, nơi thu thập nhiều thông tin đã được xác minh cho họ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại