31 cán bộ hải quan đã tiếp tay cho buôn lậu như thế nào?

Khắc Thành |

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, 31 cán bộ hải quan tại TP HCM và An Giang đã ký vào các hồ sơ xuất khẩu khống, tạo điều kiện cho nhóm tội phạm chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng của nhà nước.

Ngày 8/6, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn. 46 bị cáo, trong đó có 31 cán bộ hải quan bị truy tố về các tội danh: Buôn lậu, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Đưa hối lộ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do vụ án có tính chất phức tạp nên phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 20 ngày.

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn (TPCN Sài Gòn) có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM) do Lê Dũng làm giám đốc, vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó có 51% của nhà nước. Doanh nghiệp này chuyên kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mua bán nông lâm sản nguyên liệu,...

31 cán bộ hải quan đã tiếp tay cho buôn lậu như thế nào? - Ảnh 1.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Trần Thị Bích Tuyền là Giám đốc Công ty TNHH Đại Đắc Tài và Lâm Tuấn Phát là Giám đốc Công ty cổ phần Cảnh Phong. Lợi dụng chính sách của nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Tuyền và Phát đã tìm cách quan hệ với Công ty TPCN Sài Gòn.

Vào thời điểm này, Tuyền có quan hệ làm ăn với Công ty Dang Toung Mine (trụ sở tại PhnomPenh, Campuchia). Khoảng tháng 4/2011, Tuyền bàn với Phát lập hồ sơ xuất khẩu khống (không có hàng xuất khẩu) sang Campuchia, sau đó xin hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Do công ty của Phát là doanh nghiệp tư nhân, sẽ bị kiểm tra gắt gao khi làm thủ tục xin hoàn thuế nên ông ta và Tuyền đã bàn nhau lợi dụng mối quan hệ với Công ty TPCN Sài Gòn, là doanh nghiệp có vốn nhà nước để thỏa thuận lập, ký các hợp đồng mua bán hàng hóa chưa có thuế GTGT (tiền hàng trước thuế).

Cộng 25% thuế, số còn lại là 75% tiền GTGT sẽ do Tuyền và Hứa Châu (Giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc, là đơn vị cung cấp hóa đơn đầu vào) thụ hưởng. Phía Công ty TPCN Sài Gòn có trách nhiệm xin hoàn thuế GTGT.

Với thủ đoạn này, Dũng, Tuyền, Châu, Phát cùng Lê Tiến Cường, Huỳnh Dũng Tấn và Nguyễn Ngọc Mẫn đã lừa đảo tổng số tiền 132 tỷ đồng. Trong đó, Cục thuế TP HCM đã giải ngân 80,3 tỷ đồng, số tiền này các bị cáo chia nhau tiêu xài.

31 cán bộ hải quan đã tiếp tay cho buôn lậu như thế nào? - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Dũng, nguyên Giám đốc Công ty TPCN Sài Gòn.

Để thuận lợi cho việc làm ăn phi pháp, Tuyền và các đồng phạm đã móc nối, chi tiền cho các cán bộ Hải quan thuộc cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV và cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) để ký thủ tục thông quan khống cho các tờ khai xuất khẩu hàng hóa.

Với nhiệm vụ là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, Nguyễn Văn Biên đã nhận tiền của nhóm Tuyền, sau đó chỉ đạo cho cấp dướí xác nhận khống vào các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của Công ty TPCN Sài Gòn qua Campuchia.

Tổng cộng, Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã xác nhận 92 tờ khai hải quan khống trị giá hàng hóa thuốc lá hơn 372 tỷ đồng, Biên được nhóm Tuyền "trả công" 1,1 tỷ đồng. Vị Chi cục trưởng này chiếm hưởng 254 triệu đồng, còn lại chia cho cấp dưới.

Còn Đinh Văn Trí công tác trong ngành Hải quan từ năm 1989. Năm 2009 – 2013, ông ta được điều về làm nhiệm vụ kiểm hóa hàng xuất khẩu tại Hải quan cảng Sài Gòn – khu vực IV. Trí cùng Nguyễn Tiến Lộc đã ký vào 2 tờ khai của Công ty TPCN Sài Gòn với tổng giá trị hàng hóa thuốc lá 159 tỷ đồng. Hai bộ tờ khai này đã được Cục thuế TP HCM hoàn thuế 15,5 tỷ đồng.

Trí khai đã không mở container và từng kiện hàng để kiểm tra hàng hóa xuất khẩu theo quy định. Sau khi ký xác nhận vào 2 tờ khai, Trí được nhóm Tuyền mời đi ăn uống và "bồi dưỡng" 1 triệu đồng.

Vụ trọng án bị phanh phui vài ngày 24/9/2013, khi Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra 2 container của Công ty TPCN Sài Gòn tại cảng Cát Lái (quận 2).

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện hồ sơ ghi mặt hàng xuất khẩu là 3.000 thùng thuốc lá hiệu Carave "A", trị giá 23,6 tỷ đồng, nhưng trong container là 20 tấn gạo trắng, trị giá 190 triệu đồng. Trong lúc cơ quan chức năng đang kiểm tra thì Hứa Châu đưa cho Tô Trung Hiếu hơn 2.000 thùng thuốc lá đến nhằm "đánh tráo" số gạo bị phát hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại