Năm ngoái, Leonardo Urbano đã kiếm được tới 100.000 đô la Úc (66.306 USD, tương đương khoảng 1,68 tỷ VNĐ) từ việc nhặt rác và bán lại những món đồ có thể sử dụng được. Chiến lợi phẩm của anh đôi khi là túi xách Fendi, máy pha cà phê, trang sức bằng vàng, tiền mặt cùng nhiều vật dụng khác.
Chia sẻ với CNBC, Urbano cho biết mỗi sáng, anh sẽ đạp xe hoặc chạy ô tô khắp đường phố Sydney để đào bới rác. Có những ngày, anh chàng còn tìm thấy tủ lạnh, tủ quần áo và băng ghế dài.
Tại Australia, cơ quan địa phương sẽ cung cấp dịch vụ thu gom rác miễn phí ít nhất 2 lần/năm cho người dân. Đó là lúc mọi người gom những món đồ không dùng đến ra bãi rác và tại đây, rất nhiều món đồ vẫn còn sử dụng được, Urbano cho biết anh hay tìm thấy máy tính, máy hút bụi Dyson và tivi.
Sau khi chọn một số món đồ giữ lại, Urbano sẽ bán phần còn lại trên các nền tảng như Facebook Marketplacem, cố gắng gói gọn trong 1-2 tuần. Nếu không có người mua, anh sẽ mang đi cho để nhường chỗ cho những món đồ mới.
Bạn bè của Urbano từng rất sốc khi thấy những bộ quần áo đẹp bị vứt vào thùng rác. Nhiều túi xách vẫn còn nguyên xấp tiền mặt bị bỏ quên.
Urbano cho biết năm ngoái anh đã tìm thấy được hơn 50 chiếc tivi, 30 chiếc tủ lạnh, hơn 20 máy giặt, 50 máy tính/laptop, 50 máy hút bụi, hơn 150 chậu cây, hơn 100 loại đèn trang trí và số tiền mặt trị giá 849 USD (hơn 20 triệu đồng).
Theo báo cáo rác thải quốc gia gần đây nhất của Australia, trong năm tài khóa 2020 đến 2021, nước này tạo ra khoảng 75,8 triệu tấn rác thải, tức cao hơn gần 3% so với năm tài khóa 2018 đến 2019.
Suốt 4 năm lặn lội nhặt rác, Urbano đã có thể trả tiền thuê nhà. Anh cũng trang bị nội thất miễn phí cho căn hộ của mình từ món đồ kiếm được, trong đó có bức tranh của Dapeng Liu, người từng hai lần lọt vào chung kết Giải Archibald.
Không chỉ ở Australia, nhặt rác kiếm sống đang dần được coi là một nghề ở New York. Thông thường với mỗi túi rác chứa khoảng 200 vỏ lon, chai nhựa vứt đi sẽ đổi được 5 cent (0,05 USD) cho môi vỏ lon/chai ở Trung tâm tái chế Elmsford-New York.
Theo giám đốc Ryan Castalia của tổ chức phi lợi nhuận “Sure We Can”, New York có khoảng 8.000-10.000 người nhặt rác mưu sinh. Khoảng 100 người trong số này thậm chí giàu lên nhờ nghề nhặt rác. Chẳng hạn vào năm 2022, triệu phú Lisa Fiekowsky nổi tiếng nhờ việc chuyên đi thu thập ve chai tại Brooklyn-New York và bán lại.
Tất nhiên không phải ngày nào cũng như ngày nào. Những đợt nghỉ lễ, ăn mừng thường là cơ hội lớn với những người nhặt rác kiếm sống bởi các đám đông sẽ tiêu thụ một lượng lớn đồ uống, rượu bia. Được biết, phần lớn những người nhặt rác ở New York là người nhập cư, không có tiền bạc hoặc tay nghề nhưng cần kiếm sống để có thu nhập.
"Công việc này có thu nhập tốt hơn nghề cũ làm công nhân nhà máy nến của tôi. Công việc cũ trả lương quá thấp nhưng lại ngốn rất nhiều thời gian", một người phụ nữ làm nghề nhặt ve chai nói.