Sáng 18/10, trực thăng EC-130T2 mang số hiệu 8632 do Trung úy phi công Đặng Đình Duy, Đại úy Dương Lê Minh và Trung úy Nguyễn Văn Tùng điều khiển được xác định mất tích tại khu vực núi Dinh (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Khu vực này có độ cao 500 m, cách TP. HCM khoảng 80 km và cách sân bay căn cứ Vũng Tàu chưa đầy 20 km theo đường chim bay.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng yêu cầu khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ - cứu nạn ba chiến sĩ phi công đang mất tích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công trong chiếc trực thăng bị nạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngay lập tức, hàng trăm chiến sĩ cứu hộ thuộc các lực lượng quân đội, cảnh sát cơ động, dân quân và cả người dân thông thuộc địa hình núi Dinh được huy động. Lực lượng được chia làm nhiều nhóm tiếp cận các khu vực nghi vấn máy bay rơi.
Do địa hình rất phức tạp và nguy hiểm, những người tham gia cứu hộ được trang bị thức ăn, nước uống, đèn pin, dao lớn để mở đường vào hiện trường tìm kiếm.
Tuy nhiên đến tối 18/10, công tác cứu hộ tạm ngưng vì lý do trời tối và đường tiếp cận nơi nghi ngờ máy bay rơi rất trơn trượt và nhiều nguy hiểm. Mọi người được nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục tìm kiếm cứu hộ vào hôm sau.
Đến sáng sớm 19/10, hàng trăm chiến sĩ được lệnh tập trung và tiến vào rừng núi Dinh triển khai công tác tìm kiếm phi công gặp nạn.
Hướng tìm kiếm được chia làm bốn mũi gồm chùa Kim Liên, chùa Vô Thiên, xã Châu Pha và núi Trọc.
Lực lượng cứu hộ phải trang bị thức ăn nhẹ, nước uống khi vào rừng sâu. Thượng tá Trần Văn Cư cho biết, để trèo qua lên đỉnh núi rất vất vả, đi gần mất 2 giờ cho đoạn đường chỉ vài trăm mét.
Trong hai ngày, khu vực núi Dinh thường có mưa khiến đường trơn trượt, gây khó khăn cho công tác cứu hộ các phi công lái trực thăng gặp nạn.
Nhiều nhóm liên tục thay nhau vào hiện trường tìm kiếm các nạn nhân.
Tính đến chiều 19/10, lực lượng được huy động khoảng 200 người. Lúc 11h30 cùng ngày, đội cứu hộ cho biết đã tìm thấy xác máy bay ở lưng núi phía sau Thiền viện Kim Liên. Xác máy bay rơi nằm dưới một thung lũng, cả 3 phi công đều đã tử nạn.
Ông Dũng - cậu của phi công Minh cho biết, cha anh Minh cũng là một phi công không quân nhưng đã hy sinh vì tai nạn máy bay cách đây 10 năm.
"Tôi và mẹ Minh biết thông tin từ sáng qua lập tức bay từ Nha Trang vào để ngóng tin. Dù bây giờ hy vọng rất mong manh nhưng gia đình vẫn cầu mong điều thần kỳ xuất hiện", ông Dũng chia sẻ.
Đến 15h cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa thi thể 3 chiến sĩ xuống núi. Tại đây, người nhà của các nạn nhân khóc ngất, đi không vững. Nhiều người liên tục nức nở gọi tên ba chiến sĩ phi công tử nạn.
Rất đông người dân tập trung tại hiện trường theo dõi công tác di chuyển thi thể ba phi công. Nhiều người khóc nức nở khi chứng kiến cảnh đau đớn của thân nhân các chiến sĩ vì con em mình ra đi quá bất ngờ.
Đến gần 16h, đoàn xe của Bộ Quốc phòng di dời thi thể ba phi công tử nạn về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở TP.HCM.
Xe chở thi thể lăn bánh trong tiếng khóc nghẹn ngào của thân nhân các ba phi công. Nhiều người đến chùa Kim Liên ngay sau khi nhận hung tin nhưng không thể tiếp cận nhìn mặt người thân lần cuối.
Nhiều chiến sĩ cơ động, dân quân tự vệ... không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh đau lòng chiều 19/10.
Họ đứng không vững, phải có người dìu đỡ chăm sóc khi thấy thi thể các phi công. Hy vọng cuối cùng của họ về điều thần kỳ sẽ xảy ra cũng không còn.
Hộp đen máy bay đã được lực lượng chức năng đưa ra khỏi hiện trường để điều tra, các đơn vị tham gia cứu hộ điểm danh quân số và rời hiện trường.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, chiều nay đã biểu dương lực lượng tìm kiếm cứu nạn và cám ơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cử lực lượng phối hợp, giúp đỡ trong việc cứu hộ trực thăng EC-130T2. Dù nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng các chiến sĩ khá buồn vì sự ra đi của ba phi công.