Tiểu học là "nấc thang" đầu tiên trên con đường học tập. Nếu ở cấp mầm non, trẻ còn có thể lười biếng, thiếu kỷ luật một chút thì cấp tiểu học sẽ cần nghiêm túc, nền nếp hơn rất nhiều. Những tâm tư, lo lắng của phụ huynh khi con bắt đầu vào lớp 1 vì thế cũng là điều dễ hiểu.
Thực ra, mục tiêu của nhiều cha mẹ không nhất thiết là con phải trở thành học sinh giỏi, mà là việc học tập sau này của con sẽ không quá áp lực hay nhàm chán. Con có thể đạt được thành tích nhất định mà vẫn yêu thích đến trường.
Vậy làm thế nào để giúp trẻ xây dựng nền tảng tốt trước khi vào trường tiểu học? 3 năm mẫu giáo, cha mẹ nên tập trung dạy con 3 việc sau đây:
Điều đầu tiên: Phát triển thói quen đọc tốt
Sau khi vào tiểu học, dù học môn nào trẻ cũng cần phải có một năng lực, đó là đọc. Ngay cả khi đó là Toán học, trẻ cũng cần có khả năng đọc hiểu trước khi có thể bắt đầu giải bài. Trẻ ở giai đoạn mẫu giáo rất ham hiểu biết, nếu cha mẹ rèn luyện thói quen đọc sách vào thời điểm này, trẻ sẽ được tiếp xúc với thế giới rộng lớn hơn từ sách, mở rộng tư duy và tầm nhìn.
Khi bắt đầu học ở trường tiểu học, việc đọc sách giáo khoa sẽ "dễ như ăn kẹo" đối với những đứa trẻ đã có bước chuẩn bị như vậy. Còn những đứa trẻ chưa hình thành thói quen đọc sách, sau khi vào tiểu học, lần đầu tiên tiếp xúc là đủ loại ký tự dày đặc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việc rèn luyện thói quen đọc sách tốt cho trẻ mẫu giáo thực sự không khó, cha mẹ có thể cùng con đọc một cuốn sách tranh mỗi ngày. Trẻ là người chủ động tham gia việc đọc sách chứ không phải bị động ngồi lắng nghe. Mặc dù chưa biết đọc nhưng trẻ hoàn toàn có thể tham gia đọc sách bằng cách chỉ và gọi tên các hình ảnh có trong sách. Hãy biến nó thành khoảng thời gian đặc biệt yêu thích của trẻ.
Điều thứ hai: Kích thích hứng thú học tập của trẻ
Đứa trẻ hỏi: "Mẹ ơi, sao mây không có màu như hoa?". Đối với con cái, câu trả lời thực ra không quan trọng lắm, quan trọng là thái độ của cha mẹ. Trẻ em luôn khao khát tìm hiểu những điều mới mẻ, và cha mẹ nên bảo vệ sự háo hức này thay vì phá hủy nó.
Điều này cũng tương tự như đứa trẻ tò mò hỏi tên được viết trên tòa nhà. Cha mẹ bỏ qua, tức là bỏ lỡ cơ hội kích thích hứng thú học tập của trẻ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chú ý, nói tên cho trẻ nghe, sau đó dẫn trẻ đi tìm hiểu tên các cửa hàng, tên đường khác… và khen trẻ nếu trẻ nhận biết đúng thì hứng thú học tập của trẻ sẽ rất tốt.
Một đứa trẻ có thể học một cách vui vẻ hay không phụ thuộc vào việc trẻ có hứng thú học tập hay không. Sự hứng thú này không tự nhiên có ở đứa trẻ mà cần được cha mẹ bảo vệ và kích thích.
Điều thứ ba: Rèn luyện sự tập trung và khả năng tư duy logic của trẻ
3-6 tuổi là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển trí não và tập trung của trẻ.
Ví dụ, trẻ em ở trường mẫu giáo cùng thực hiện một tác phẩm thủ công. Một số có thể tập trung và nghiêm túc hoàn thành, trong khi những đứa trẻ khác sau một thời gian không biết phải làm gì, cuối cùng giao cho giáo viên một mớ hỗn độn. Chỉ khi tập trung, vận động não bộ thì trẻ mới có thể tư duy rộng hơn trong học tập sau này.
Trẻ mẫu giáo muốn cùng nhau rèn luyện khả năng tập trung và tư duy logic, có một con đường tắt, đó là chơi trò chơi tư duy.
Ví dụ trò chơi vui tìm điểm khác biệt có thể trau dồi kỹ năng phân tích và quan sát của trẻ, vì trẻ cần tập trung cao độ khi chơi nên có thể cải thiện khả năng này. Trò chơi tìm đường ra khỏi mê cung có thể rèn luyện khả năng theo dõi trực quan và khả năng nhận thức không gian của trẻ, đồng thời rất hữu ích trong việc hình thành ý thức định hướng để học Toán và hình học trong tương lai.
Ngoài ra, khi trẻ gặp vấn đề, cha mẹ không nên trực tiếp trả lời mà nên dùng những câu hỏi hợp lý để hướng dẫn trẻ tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Đừng chú ý đến việc trẻ có thể đưa ra câu trả lời đúng hay không mà hãy giao tiếp với trẻ nhiều hơn, hiểu suy nghĩ của trẻ và hướng dẫn trẻ một cách có mục tiêu.
Ngoài ra, cha mẹ thường vì thương con mà làm mọi việc cho con, khiến trẻ không có khả năng sống tự lập, sau khi vào tiểu học sẽ gặp những vấn đề như không biết phải làm gì nếu dây giày bị tuột, quên mang sách vở đến trường,… Vì vậy, cần rèn luyện cho trẻ tính tự lập ngay từ nhỏ, càng để trẻ tự làm mọi việc càng tốt.
Cha mẹ cứ áp dụng cách này mà dạy con: Chẳng phải mệt mỏi, lắm lời mà con lại ngoan ngoãn, cả nhà đều vui!