3 thói quen của con bị cho là 'không ngoan' nhưng lại chứng tỏ trí não bé phát triển tốt

Thảo Hương |

Không ít phụ huynh cảm thấy phiền phức khi con cứ lặp đi lặp lại một vài hành động nhất định. Tuy nhiên, đó có thể là biểu hiện trí não bé đang phát triển rất tốt.

Mỗi em bé đều có những sở thích riêng biệt, chúng cũng có thể nghĩ ra những trò kì lạ chỉ để thỏa mãn trí tò mò và khám phá thế giới của mình. Nhiều bố mẹ chia sẻ con mình rất thích làm những điều chẳng giống ai, thậm chí là trái lời bố mẹ. Thực ra, trong một số trường hợp, trẻ chỉ đang tò mò về những hiện tượng, sự vật trong cuộc sống.

Có bé có sở thích là vẽ nguệch ngoạc trên tường, có bé thích xé giấy vệ sinh, những đồ vật đặt trong ngăn kéo cũng được bé xáo trộn và bới móc mọi ngóc ngách trong nhà nên khiến các mẹ vô cùng mệt mỏi.

Thực tế, đối với những đứa trẻ dưới 3 tuổi, 4 thói quen xấu của bé dưới đây chính là dấu hiệu chứng tỏ bộ não của bé đang phát triển. Mẹ nên nắm bắt giai đoạn quan trọng để bồi dưỡng và giúp bé phát triển hoàn thiện. Nếu bé có 3 thói quen này, mẹ đừng vội trách mắng mà hãy tạo điều kiện phát triển thêm cho con nhé.

1. Xé rách mọi thứ trong tầm tay

Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ được 1 tuổi, bé sẽ cảm thấy phấn khích đối với những loại giấy trong gia đình, đặc biệt là giấy dễ xé rách như giấy vệ sinh. Khi thấy bé xé vụn giấy vệ sinh và vất mọi nơi trong nhà, mẹ không nên nóng giận đánh mắng bé.

Không cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà. Nhưng thực tế, đây là việc giúp trẻ cử động tốt đôi tay. Bé thường rất ngạc nhiên khi thấy tay cử động theo các hướng khác nhau thì tờ giấy sẽ bị xé thành những hình thù khác biệt.

Các nhà tâm lý học tin rằng bàn tay là bộ não thứ hai của trẻ, tức là trẻ vận động đôi tay cũng đồng nghĩa với tư duy. Ngăn con hoạt động cũng đồng nghĩa với việc ngăn con suy nghĩ. Đôi tay non nớt của bé sẽ phát triển thông qua những động tác tinh vi, chẳng hạn như vặn xoắn hay xé rách giấy. Hành động này giúp bé kiểm soát, phối hợp các ngón tay nhuần nhuyễn, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển trí não. Các mẹ có thể chuẩn bị một số loại giấy và hướng dẫn bé xé rách để rèn luyện đôi tay khéo léo.

Thay vì mắng con, bố mẹ nên để những món đồ quan trọng dễ xé rách ở xa tầm với của trẻ. Nên cho con được thử xé những loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì (như giấy báo)... để xé các hình thù khác nhau, giúp phát triển tư duy sáng tạo.

2. Vẽ ở bất cứ nơi đâu có thể

Những đứa trẻ rất thích vẽ, dù hình thù có phần hài hước. Việc các con chịu cầm bút, phấn và vẽ nên những điều mình thích quả thực rất đáng yêu. Tuy nhiên, đôi khi bố mẹ cũng khá phiền lòng khi con vẽ lên tường, lên bàn ghế, thậm chí là ở khắp nhà. Chính vì sự phiền phức này mà không ít phụ huynh cấm đoán con vẽ. Thế nhưng, việc này sẽ khiến bé giảm đi tính sáng tạo.

Bố mẹ nên hiểu rằng, trong quá trình vẽ nguệch ngoạc, bộ não của bé đang ở trạng thái nhận thức, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo đang phát huy ở mức tối đa. Bé 2 tuổi chủ yếu phát triển bán cầu não phải, vẽ nguệch ngoạc sẽ giúp thúc đẩy tế bào não phải phân chia và gia tăng trí tuệ. Các mẹ có thể chuẩn bị những loại giấy chuyên dụng để bé thỏa sức tô vẽ và phát huy trí tưởng tượng của mình.

Thay vì đánh mắng, bố mẹ nên mua cho con giấy, bảng để bé được thỏa sức vẽ. Nếu con bạn hay vẽ lên tường, hãy "ưu tiên" con bằng cách đặt một tấm bảng đủ lớn để con được vẽ theo cách chúng thích. Dần dần, con sẽ có ý thức về việc vẽ đúng nơi quy định.

3 thói quen của con bị cho là không ngoan nhưng lại chứng tỏ trí não bé phát triển tốt - Ảnh 1.

3. Bắt chước thói quen xấu của người lớn

Có thể là một câu nói tục, một hành động xấu... nhưng bố mẹ nên hiểu là trẻ chưa đủ khả năng để phân tích đúng sai. Những đứa trẻ dưới 3 tuổi đơn giản là học theo và cảm thấy thích thú khi bắt chước giọng điệu của người lớn. Khả năng bắt chước của trẻ trong giai đoạn này cực kì nhanh, thế nên bố mẹ hãy trở thành tấm gượng để con học hỏi.

Khi trí tuệ của bé phát huy đến mức cao nhất, bé sẽ bắt đầu mô phỏng hành động của những người xung quanh. Cho dù là ngôn ngữ hay giọng nói, bé sẽ bắt chước mọi thứ giống nhau như đúc. Quá trình bắt chước người lớn không những giúp bé thỏa mãn tâm lý, tăng cường khả năng quan sát, mà còn rèn luyện trí nhớ, tăng khả năng phối hợp. Mỗi hành vi bắt chước sẽ được đảm nhận bởi một khu vực trên vỏ não và điều này sẽ giúp ích trong việc phát triển trí tuệ của bé.

Các mẹ cần lưu ý, nhằm tránh tạo thói quen xấu cho bé, mẹ cần nắm bắt giai đoạn quan trọng từ 1 - 3 tuổi là thời khắc bé phát triển trí tuệ, mẹ nên chọn một số trò chơi bổ ích và sách tranh để bé tô vẽ thỏa mãn khả năng sáng tạo.

Trẻ qua từng giai đoạn phát triển thường có những hành vi khiến cha mẹ khó chịu. Thế nhưng thay vì trừng phạt hay đánh mắng, bố mẹ nên thấu hiểu và xử lý sao cho phù hợp với độ tuổi của con. Những hành động này đôi khi chỉ là biểu hiện tự nhiên của sự phát triển mà thôi, cho thấy trí não của con đang phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại