1. Sợ hãi khi bị hỏi về sự nghiệp, thu nhập, lương thưởng mỗi năm
Kỳ thực, rất nhiều người xa xứ quanh năm suốt tháng chỉ muốn được hưởng một cái Tết êm ấm, quây quần bên những người thân yêu.
Khi đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức ngoài xã hội, nơi người người cạnh tranh bon chen không màng tình nghĩa, phải chịu rất nhiều vấp ngã và tổn thương, người ta đương nhiên sẽ muốn trở về với mái ấm luôn dành cho mình sự che chở an toàn nhất. Thế nhưng, khi đối mặt với áp lực kinh tế, người ta lại cảm thấy chùn chân ngại ngần.
Người trẻ nào cũng sẽ gặp phải giai đoạn này, kinh nghiệm đã có, nhưng năng lực chưa tích lũy đủ, sự nghiệp cũng chưa đạt tới giới hạn đột phá. Họ vẫn loanh quanh luẩn quẩn trong giai đoạn chuyển giao cuộc đời của mình. Rất hiếm người chỉ dùng vài ba năm đã tìm được phương hướng phát triển chính xác cho bản thân. Cũng có rất nhiều người phải đợi tới tuổi trung niên mới chính thức chạm tới một số thành tựu quan trọng.
Người xưa có câu “Áo gấm về làng, vinh quy bái tổ”, cho nên, khi bản thân vẫn chưa thể tự hào với những gì chính mình làm được trong một năm vừa qua, người ta bỗng sinh ra tâm lý trốn tránh việc trở về quê hương. Đó chính là giai đoạn tuổi trẻ, đại đa số đều thành tích chưa có, sự nghiệp dang dở nửa chừng, đồng lương thu nhập chỉ vừa đủ ăn đủ tiêu. Thay vì về quê, người trẻ lại càng thích tiếp tục ở lại thành phố, chọn một công việc làm thêm để tăng ca, gia tăng thu nhập cho dịp lễ Tết lần này.
2. Sợ hãi trước những lời hỏi thăm, thúc giục về chuyện riêng tư gia đình của họ hàng, người thân
Với sự thay đổi sâu trong quan niệm, nhiều người trẻ lấy sự nghiệp làm trọng, cũng không muốn kết hôn quá sớm, lãng phí tuổi thanh xuân vào chuyện tình cảm. Do đó, không ít người đã gần bước qua thanh xuân nhưng vẫn không có ý định lập gia đình. Điều này trở thành lo ngại cho cả cha mẹ và cả họ hàng thân thích xung quanh.
Mỗi khi gia đình đoàn tụ, vấn đề hôn nhân sẽ luôn đem tới vô số câu hỏi đau đầu như là “Có người yêu chưa?”, “Bao giờ lập gia đình?”, “Lấy chồng rồi thì tính bao giờ sinh con?”... Mỗi năm lại lần lượt đối mặt với những lời thăm hỏi khó xử như vậy, sao người trẻ có thể không tìm mọi cách trốn tránh?
3. Sợ hãi khi đối mặt với sự buồn chán và cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình
Nếu như ngày xưa quanh năm thiếu thốn, người ta để dành những gì đầm ấm và tươm tất nhất cho một cái Tết đủ đầy thì giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Những bữa ăn đầy ắp, quá nhiều calo lại khiến người ta phải chùn tay. Hàng quán đóng cửa ngày Tết, người ta quanh đi quẩn lại những món ăn truyền thống quen thuộc hết bữa này đến bữa khác. Thế là ăn uống cũng mất đi sức hút.
Bên cạnh đó, Tết cũng trở thành những ngày tháng buồn tẻ khi về quê rồi cũng chỉ có thể quanh quẩn trong nhà là chủ yếu. Những bạn bè khi xưa vui vẻ cùng nhau nay đều đã trưởng thành, người thì lấy chồng nơi khác, người thì có vợ có con phải chăm lo. Sau một thời gian dài không rảnh rỗi để liên lạc, cuộc sống chẳng có bất cứ điểm chung nào, bây giờ gặp lại cũng chẳng khác gì người lạ từng quen, chỉ xã giao đôi ba câu đã không còn gì để nói. Cho dù bỏ thời gian để ở bên nhau thì cũng không tìm lại được cảm giác ngày xưa. Chung quy lại, mọi người đều đã thay đổi.
Chưa kể rằng, Internet phát triển, các thiết bị điện tử thông minh lại càng vượt trội hơn nữa, cho nên mỗi người trong xã hội đều tự mình cắt giảm tối đa khoảng thời gian giao tiếp thực tế bên ngoài. Thay vì gặp gỡ trò chuyện, họ lại dùng những phần mềm điện thoại để gửi nhau một vài lời nhắn. Rồi các trò chơi điện tử, các chương trình truyền hình luôn dễ dàng hấp dẫn người ta hơn là việc ra ngoài. Dù có về quê ăn Tết, rất nhiều người cũng chỉ đang thay đổi địa điểm để nằm nhà lướt mạng, chơi di động và máy tính mà thôi.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng luôn có những lý do của riêng mình. Thế nhưng, vượt lên trên mọi nguyên nhân, khi nghĩ đến cha mẹ đang trông ngóng, nghĩ đến khoảng thời gian ấm áp mà chỉ ngôi nhà mới có thể đem tới, liệu có mấy ai chống chọi được.