3 người mẹ trong 3 gia đình nhưng có 1 điểm chung: Khiến tâm lý con ảnh hưởng nặng nề

Hiểu Đan |

Mẹ khỏe thì con mới khỏe. Mẹ bình an thì gia đình mới bình an.

Nhà giáo dục người Ukraina Vasyl Oleksandrovych Sukhomlynsky từng nói: "Mỗi giây phút nhìn thấy con, bạn cũng nhìn thấy chính mình. Khi giáo dục con cái, bạn cũng đang giáo dục và kiểm tra lại nhân cách của mình".

3 bà mẹ trong ba gia đình dưới đây đều có sai lầm trong cách giáo dục con cái, gây ra nhiều tổn hại về mặt tinh thần cho trẻ.

3 người mẹ trong 3 gia đình nhưng có 1 điểm chung: Khiến tâm lý con ảnh hưởng nặng nề - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Người mẹ trong gia đình thứ nhất: Không kiểm soát được cảm xúc

Khi mẹ đi làm về, theo thói quen, cô bé Tiểu Liên (Trung Quốc) luôn nhìn vào biểu cảm của mẹ. Nếu có một nụ cười trên khuôn mặt, bé sẽ nhảy và chạy đến chơi với mẹ. Nhưng nếu mẹ trông trầm ngâm, bé sẽ chủ động trốn đi, bởi vì không lâu sau đó nhất định sẽ nghe thấy mẹ lớn tiếng khiển trách.

Khi Tiểu Liên lên 7 tuổi, cô bé phải đến phòng tư vấn sức khỏe tinh thần vì chứng khó ngủ. Bức tranh cô bé vẽ là một bầu trời bị chia đôi: Một nửa là cơn bão và nửa còn lại là ngày đầy nắng.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Vũ Chí Hồng từng nói: Con cái là nơi thu nhận cảm xúc của cha mẹ, khi cha mẹ bực bội, trẻ sẽ lập tức cảnh giác. Khi cha mẹ thư giãn, đứa trẻ cảm nhận được hạnh phúc. Những cảm xúc mà cha mẹ không bao giờ để ý đó giống như một hạt giống vô tình gieo mầm vào tâm hồn đứa trẻ rồi đâm chồi nảy lộc.

Người mẹ không tìm được cách cân bằng cảm xúc ảnh hưởng đến con cái

Trong xã hội ngày càng căng thẳng như hiện nay, nhiều phụ nữ trở thành mẹ khi chưa chuẩn bị đầy đủ. Là một người mẹ, ngoài tình yêu thương dành cho con cái, họ thực sự phải chịu rất nhiều áp lực. Nếu kiểm soát không tốt, khi con ồn ào không nghe lời hoặc khi tâm trạng tiêu cực, cha mẹ sẽ thường mất kiểm soát cảm xúc, thậm chí lấy trẻ là "thùng rác" hứng những cơn giận dữ.

Vì còn nhỏ nên khả năng điều chỉnh tâm lý của trẻ chưa tốt, hành động của mẹ khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề. Nhiều bà mẹ khi tâm trạng vui vẻ thì nói cười với con và rất quan tâm, nhưng khi tâm trạng không vui thì lập tức biến thành người khác, trở nên hung hãn. Nếu cứ tiếp tục như vậy, con cái sẽ vừa thương vừa sợ mẹ, không biết phải làm sao. Nó sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đến cuộc sống trong tương lai.

Người mẹ trong gia đình thứ hai: Thiếu giao tiếp với con

Khi Hiểu Hiểu (Trung Quốc) từ trường mẫu giáo trở về nhà mỗi ngày, có một quy trình cố định đang chờ cậu bé: Đó là rửa tay trước, sau đó thay quần áo và uống một cốc nước rồi mới được tới gần mẹ. Cứ lặp đi lặp lại, ngày nào cũng như vậy.

Mỗi lần cậu bé vào nhà và muốn nói chuyện, người mẹ là bác sĩ luôn dùng giọng điệu bình tĩnh trả lời: "Bên ngoài bẩn và đầy vi khuẩn, con đi tắm trước đi". Bất cứ khi nào tâm trạng em không tốt muốn tâm sự, người mẹ cũng dùng giọng điệu đó, đáp lại: "Có chuyện gì, không sao cả".

Trong ấn tượng của Hiểu Hiểu, mẹ chưa bao giờ mất kiểm soát cảm xúc và chăm sóc em rất tốt, nhưng biểu cảm trên khuôn mặt bà dường như luôn ở trạng thái rất bình tĩnh, điều này khiến cậu bé không vui. Ngạc nhiên thay, khi lớn lên, cậu từng được cha mẹ đưa đến phòng tư vấn vì khuynh hướng hung hăng đối với bạn gái của mình.

Trong nhiều năm, cậu vẫn cố gắng nói chuyện với mẹ nhưng cũng chẳng thể nào hòa hợp được. Không có sự tin tưởng, không có sự cảm thông, tất nhiên là chẳng có cảm giác gì giữa mẹ và con.

Thiếu giao tiếp cảm xúc khiến trẻ trầm cảm

Đứa trẻ giàu cảm xúc hay nghèo nàn cảm xúc phần lớn do sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Ở giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, các em biết thể hiện cảm xúc và tỏ thái độ rõ rệt với những người xung quanh. Trong trường hợp mẹ ít quan tâm, ít tạo cho các em biết thể hiện cảm xúc như yêu, thương, chán, ghét… thì đương nhiên làm cho các em trở nên thiếu cảm xúc, không biết bày tỏ, thậm chí là vô cảm.

Trên thực tế, mẹ và con phải có sự giao tiếp về mặt tình cảm thì mới tạo được mối quan hệ tốt đẹp. Nếu vì nhiều lý do mà mẹ khó thể hiện cảm xúc và không thể để trẻ cảm nhận được hơi ấm yêu thương từ tận đáy lòng, trẻ cũng có xu hướng kìm nén nhu cầu tình cảm của bản thân, về lâu dài chắc chắn sẽ gây ra nhiều bóng đen tâm lý khác nhau.

Người mẹ trong gia đình thứ ba: Quá kỳ vọng và đòi hỏi

Mẫn Ý (Trung Quốc) sống trong một gia đình giàu có, có một căn phòng đầy đồ chơi, không thiếu bất cứ thứ gì. Nhưng em không vui, suốt ngày buồn bã và khóc một mình khiến cha mẹ bối rối: "Chúng tôi đều tốt với con mình như vậy, tại sao con vẫn không hài lòng?".

Một cuộc kiểm tra gần đây cho thấy, Mẫn Ý dù mới mười tuổi nhưng đã rất suy sụp và thậm chí có xu hướng trầm cảm. Cô bé than vãn: "Cha mẹ chưa bao giờ quan tâm đến con, suốt ngày chỉ muốn con học, đứng nhất lớp, tâm trạng con sao có thể vui vẻ được?".

Đòi hỏi quá mức sẽ khiến trẻ có những đánh giá tiêu cực về bản thân

Các bà mẹ đòi hỏi khắt khe để con cái họ đi đúng mục tiêu đề ra nhưng kết quả cuối cùng thường không như ý muốn. Trong thâm tâm, trẻ được đặt quá nhiều kỳ vọng sẽ có nhiều đánh giá tiêu cực và không chính xác về bản thân, dễ mắc các vấn đề tâm lý như lòng tự trọng thấp.

Ngoài ra, đòi hỏi liên tục cũng sẽ khiến trẻ nghi ngờ ý nghĩa tồn tại của bản thân, cho rằng mục tiêu do mẹ đặt ra (thường là thành tích học tập) mới là giá trị quan trọng nhất của mình. Tức là chỉ khi đạt được mục tiêu thì mình mới có được tình yêu thương. Điều này sẽ đặc biệt bất lợi cho sự phát triển trong tâm lý của trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ có xu hướng nghĩ rằng khi tôi cung cấp đủ cơm ăn áo mặc cho con cái là tôi đã hoàn thành bổn phận của mình. Điều này không đúng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu vật chất cho con, vai trò của người mẹ thực ra rất quan trọng, đó là người chăm sóc, định hướng cho con phát triển khỏe mạnh.

Vì con cái, vì gia đình, hãy là một người mẹ vững vàng về tình cảm. Hãy từ từ bớt nóng nảy, xem lại cách giáo dục, có thể những thay đổi của con sẽ khiến bạn bất ngờ. Mẹ khỏe thì con mới khỏe. Mẹ bình an thì gia đình mới bình an.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại