Đường phố TP.HCM vắng vẻ khi siết chặt giãn cách. Ảnh: Báo Người lao động
Tại họp báo định kỳ để cung cấp thông tin đến báo chí chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM đã trả lời rất nhiều vấn đề xã hội được quan tâm khi TP siết chặt giãn cách như: vấn đề an sinh, việc cung ứng hàng hóa, tình hình giao thông, việc cấp giấy đi đường...
Về vấn đề giao thông, báo Thanh Niên dẫn lời ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, lượng phương tiện lưu thông trên đường theo thống kê tại 100 điểm trên 48 tuyến đường chính ngày 25/8 đã giảm 89,3% so với trước đây.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, đúng là chúng ta cần giảm càng nhiều người ra đường càng tốt nhưng không có nghĩa sẽ giảm 100% bởi khi đó TP sẽ không khác gì "thành phố chết".
Hơn nữa, TP cũng không thể giảm tới 100% vì vẫn phải cho lực lượng phòng chống dịch, nhân viên y tế, xe chở hàng hóa, lương thực, thuốc men… di chuyển phục vụ phòng chống dịch. “Lượng xe lưu thông giảm đến mức này đã là một sự cố gắng”, nguồn trên trích lời ông Hải.
Số liệu từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho thấy trong ngày đầu TP siết chặt giãn cách, tính đến trưa 23/8, lực lượng đã tổng kiểm soát 19.129 phương tiện ra đường. Trong khi đó, con số này vào ngày 16/8 là 1,2 triệu lượt người và phương tiện.
Về vấn đề cấp giấy đi đường, báo chí đã đặt câu hỏi về phản ánh của các Sở, ngành và doanh nghiệp cho rằng Công an TP cấp ít giấy đi đường hơn so với đề nghị, báo Người lao động ghi nhận phát biểu của Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho hay:
"Công an TP được giao cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông, nhưng vì tăng cường giãn cách xã hội nên khi cấp giấy đi đường sẽ phải hết sức cân nhắc trên tinh thần là phải làm nghiêm ngặt".
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các đơn vị, doanh nghiệp đã làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" nên số người đề nghị cấp phép phải là những người đi ra đường làm công vụ, chứ không cấp phép để cho người đi từ nhà tới cơ quan.
Nguồn trên còn dẫn lời ông Hà nói thêm rằng, hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp đề nghị cấp giấy đi đường cho 50-60 người nhưng thực chất chỉ cần cho 2-3 người hoặc 1 người. Vì vậy, Công an TP.HCM phải xem xét, nếu thực sự bức thiết đối với doanh nghiệp thì sẽ báo cáo UBND TP.
Về cung ứng hàng hóa, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin từ họp báo cho biết, mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức "đi chợ hộ" với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, cho khoảng 20% hộ dân, mức giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn.
Trong các ngày 23 và 24/8, số liệu được Ban Chỉ đạo TP ghi nhận trên địa bàn đã có 138.638 hộ dân đăng ký "đi chợ hộ (chiếm 6,35% số hộ dân toàn TP).
Liên quan đến vấn đề người dân phản ánh giá combo khi đi chợ thay cao, nguồn trên trích lời ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết: Sở đã đề nghị siêu thị tổ chức đa dạng combo với giá từ 100-300 nghìn đồng.
Sở Công thương sẽ tiếp tục theo dõi, nếu nhân dân có khó khăn, kiến nghị, Sở sẽ nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Còn yêu cầu thống nhất giá combo rất khó, vì mỗi hệ thống trên mỗi địa bàn lại có nhà cung ứng và nguồn hàng khác nhau.
Liên quan đến vấn đề an sinh, Trung tâm an sinh TP.HCM đã vận động trên 1,8 triệu túi quà an sinh và đã chuyển hơn 492.000 túi quà hỗ trợ cho người đang khó khăn. Mỗi túi quà an sinh gồm các loại thực phẩm thiết yếu có giá khoảng 300.000 đồng, giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
Báo Tin tức thông tin, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP thống kê từ ngày 15/8 đến nay, TP đã tiếp nhận và phân phối số tiền 53,212 tỷ đồng; trong đó đã tiếp nhận hàng hóa nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế bảo hộ… trị giá hơn 15,138 tỷ đồng.
Tổng hợp