3 mẫu sơ yếu lý lịch cho 3 trình độ khác nhau: Dù bạn là sinh viên mới ra trường, đi làm vài năm, hay chục năm thì đều nên tham khảo

Mộc Dương |

Với 20 năm kinh nghiệm tuyển dụng, tôi sẽ gợi ý cho bạn 3 mẫu sơ yếu lý lịch theo 3 trình độ khác nhau.

Không có một mẫu sơ yếu lý lịch nào phù hợp với tất cả mọi người. Và cũng không có một mẫu nào đảm bảo bạn sẽ vượt qua vòng sơ tuyển. Nhưng có một điểm mà tất cả các sơ yếu lý lịch cần phải có. Đó là cho nhà tuyển dụng biết bạn có thể đem lại lợi ích/ giá trị gì cho họ.

Vậy làm thế nào để thể hiện điều này trong sơ yếu lý lịch của bạn? Dưới đây là các mẫu sơ yếu lý lịch của 3 ứng viên với 3 trình độ chuyên môn: Trung cấp, sơ cấp và mới tốt nghiệp.

1. Sơ yếu lý lịch cho "trình độ trung cấp"

3 mẫu sơ yếu lý lịch cho 3 trình độ khác nhau: Dù bạn là sinh viên mới ra trường, đi làm vài năm, hay chục năm thì đều nên tham khảo - Ảnh 1.

Các ứng viên được xếp vào loại cấp trung thường là những người có kiến thức nền tảng vững chắc, đặc biệt là về quản lý nhóm hoặc bộ phận. Thông thường, họ có từ 7 đến 15 năm kinh nghiệm chính vì thế sơ yếu lý lịch của họ thường dài hơn một trang.

Một số mẹo cần biết:

● Viết tóm tắt về trình độ chuyên môn ở phần đầu. Đối với một ứng viên có nhiều kinh nghiệm như Jonathan, thêm một phần tóm tắt chuyên môn ở đầu sẽ giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng nắm bắt được những thông tin cơ bản về trình độ của anh ta.

● Làm nổi bật các kỹ năng có liên quan đến công việc. Bạn hãy để ý cách Jonathan sử dụng các từ và cụm từ như "lập kế hoạch chiến lược", "quản lý chi phí" và "lập kế hoạch và phân tích tài chính". Đây là điều khiến một bản sơ yếu lý lịch được chú ý cho dù là do người hay máy móc xét duyệt.

Cung cấp thông tin chi tiết về công việc gần nhất.

Thêm phần mô tả về công ty. Tôi nghĩ đây là một quy tắc mà ai cũng cần nhớ. Nếu bạn đã làm việc tại bất kỳ công ty nào (trừ công ty của gia đình) thì việc thêm các thông tin đáng chú ý về công ty đó (tức là tổ chức đó làm gì, số lượng nhân viên, doanh thu hàng năm) sẽ giúp người tuyển dụng tiết kiệm thời gian và không phải tìm kiếm nhiều.

Các con số. Nếu kế hoạch tiếp thị của bạn giúp tăng doanh số bán hàng lên 35%, hãy viết con số này thật "to" và rõ ràng trong sơ yếu lý lịch của bạn. Bạn không cần phải giải thích bạn đã làm như thế nào vì người tuyển dụng sẽ hỏi chi tiết trong buổi phỏng vấn.

Nhấn mạnh những thành tích mà bạn chọn viết vào hồ sơ. Thông thường ở phần mô tả công việc, bạn chỉ cần viết 2 hoặc 4 điểm quan trọng nhất. Thay vì viết dài mà không có gì ấn tượng, bạn nên nhấn vào những thành tích nổi bật nhất. Đây là một cách tốt nhất cho nhà tuyển dụng thấy những gì bạn có thể đóng góp cho họ nếu bạn trúng tuyển.

2. Sơ yếu lý lịch cho "trình độ sơ cấp"

3 mẫu sơ yếu lý lịch cho 3 trình độ khác nhau: Dù bạn là sinh viên mới ra trường, đi làm vài năm, hay chục năm thì đều nên tham khảo - Ảnh 2.

Các ứng viên thuộc trình độ sơ cấp thường có 2 năm kinh nghiệm làm việc trở xuống. Sơ yếu lý lịch của những ứng viên này thường dài tối đa là một trang.

Một số mẹo cần nhớ:

Thể hiện kỹ năng làm việc nhóm. Đối với các ứng viên trình độ sơ cấp, các nhà tuyển dụng quan tâm nhiều đến kỹ năng làm việc nhóm. Vì thế khi viết sơ yếu lý lịch bạn nên sử dụng những từ như "chúng tôi" hoặc "nhóm của chúng tôi". Việc này sẽ giúp bạn thể hiện khả năng làm việc nhóm của bạn. Và nó hiệu quả hơn nhiều so với việc viết: "Tôi là một thành viên của nhóm".

Chỉ viết các công việc và kinh nghiệm thực tập có liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển. Liệt kê từng kỳ thực tập hoặc tất cả các công việc mà bạn từng làm sẽ giảm chất lượng bản sơ yếu lý lịch. Vì nó sẽ khiến các nhà tuyển dụng không thể tập trung đánh giá xem bạn có phù hợp với vị trí mà họ đang cần hay không.

Bỏ qua phần tóm tắt chuyên môn. Không giống như những người có 7 năm kinh nghiệm trở lên, các ứng viên trình độ sơ cấp không có đủ kinh nghiệm để đưa phần tóm tắt chuyên môn vào hồ sơ. Thay vào đó, hồ sơ của họ nên tập trung ngay vào công việc đầu tiên mà họ đã làm, trình độ học vấn và các hoạt động ngoại khóa.

Bỏ qua phần mục tiêu. Nếu để ý bạn sẽ thấy trong sơ yếu lý lịch của Grace không có phần mục tiêu. Các ứng viên thường sẽ viết những mục tiêu của họ vào sơ yếu lý lịch nhưng thực chất tất cả đều vô nghĩa. Vì kể cả bạn có nói bạn muốn đảm nhận một công việc khó nhằn thì nó cũng không cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ làm được gì cho họ.

3. Sơ yếu lý lịch cho "người mới ra trường"

3 mẫu sơ yếu lý lịch cho 3 trình độ khác nhau: Dù bạn là sinh viên mới ra trường, đi làm vài năm, hay chục năm thì đều nên tham khảo - Ảnh 3.

Những mẹo cần nhớ:

● Viết trình độ học vấn của bạn ở phần đầu tiên. Khi xét duyệt hồ sơ của những sinh viên mới tốt nghiệp hoặc những người mới đi làm, các nhà tuyển thường sẽ tập trung chủ yếu vào bằng cấp, điểm và các thành tích học tập khác. Chính vì thế các ứng viên nên viết những thông tin này ở phần đầu tiên của bản sơ yếu lý lịch.

● Viết ngắn gọn về quá trình thực tập. Thành thật mà nói, vì bạn là một sinh viên thực tập nên chắc chắn bạn sẽ không có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy nếu bạn viết dài dòng về những điều nhỏ nhặt mà bạn đã làm sẽ chỉ khiến người tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang phóng đại hoặc không trung thực. Nên nhớ bạn chỉ cần tập trung vào công việc liên quan đến ngành học hoặc vị trí bạn muốn ứng tuyển.

Sử dụng các hoạt động ngoại khóa để thể hiện con người bạn. Hãy suy nghĩ về những hoạt động ngoại khóa mà bạn đã tham gia. Ví dụ như bạn từng là chủ tịch một câu lạc bộ hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện vào cuối tuần. Bạn có thể viết về bất cứ động ngoại khóa nào cũng được, miễn là nó có thể cho nhà tuyển dụng thấy được sở thích, thành tích và con người của bạn.

Độ dài tối đa một trang. Các nhà tuyển dụng biết rằng bạn vừa mới tốt nghiệp, vì vậy đừng cố biến mình thành một người khác nếu không, bạn sẽ mất uy tín.

Trình bày sơ yếu lý lịch một cách rõ ràng và trang nhã. Các nhà tuyển dụng sẽ không kỳ vọng quá nhiều hồ sơ của một ứng viên mới tốt nghiệp đại học. Vì thế hãy cố gắng làm sao để hồ sơ của bạn thật rõ ràng và trang nhã. Bằng cách sử dụng gạch đầu dòng và các động từ gây ấn tượng mạnh sẽ giúp hồ sơ của bạn được chú ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại