3 lý do khiến Windows XP không còn đủ sức hấp dẫn trong thời đại 4.0

Tiến Thanh |

Là phiên bản hệ điều hành có thâm niên cao nhất nhì hiện nay của Microsoft nên không khó hiểu khi Windows XP đang dần trở nên lạc hậu và sẽ sớm bị "đào thải" trong thời đại 4.0, yêu cầu cao về tính hiện đại và sự tiện dụng.

Tháng 4/2014, Microsoft đã chính thức ngừng hỗ trợ Windows XP với hy vọng sẽ thúc đẩy tỷ lệ người dùng chuyển sang Windows 7 nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế, con số chuyển sang Windows 7 từ đó tới nay vẫn rất chậm, đó là chưa kể có thêm sự xâu xé thị phần từ Windows 10.

Điều này cũng đồng nghĩa, tỷ lệ người dùng Windows XP vẫn còn khá cao, trong khi tốc độ chuyển dịch vẫn rất chậm. Có nhiều lý do dẫn tới sự chậm trễ này, trong đó có chi phí chuyển đổi phần cứng và độ phức tạp của quá trình chuyển đổi.

Theo dữ liệu của NetMarketShare, Windows XP giữ thị phần lên tới 8,55% trong tháng 7/2017, trước khi giảm xuống chỉ còn 6,19% trong tháng 8 và phục hồi trở lại chỉ một tháng sau đó. Và theo thống kê mới nhất tính tới tháng 5/2018, Windows XP đang chiếm 5,04%.

3 lý do khiến Windows XP không còn đủ sức hấp dẫn trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Mặc dù đã từng là hệ điều hành được yêu thích bậc nhất thế giới nhưng đã đến lúc Windows XP nên có hướng "về hưu" và nhường chỗ cho những thế hệ nối tiếp. 

Trong rất nhiều lý do viện dẫn về sự lỗi thời của Windows XP, 3 lý do chính trong bài viết này sẽ lột tả những yếu tố mà Windows XP không còn thực sự phù hợp để tiếp tục tồn tại trong thời gian tới.

1. Bảo mật

Không còn nghi ngờ gì nữa, bảo mật chính là vấn đề hàng đầu mà Windows XP hiện đang phải đối mặt. Phiên bản hệ điều hành này đã không còn nhận được bản vá bảo mật kể từ vụ virus tống tiền WannyCry. Do đó nếu có những vụ tấn công mạng quy mô lớn và các hình thức tấn công mới, Windows XP chắc chắn sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên.

Hãy nhớ rằng, các phiên bản Windows đều sở hữu chung một bộ mã. Do đó nếu phát hiện có lỗ hổng trên Windows 7 hay Windows 8.1, điều này đồng nghĩa Windows XP cũng có nguy cơ tương tự.

Tuy nhiên trong khi hai phiên bản Windows kia vẫn còn được nhận hỗ trợ thì với Windows XP, người dùng có lẽ sẽ phải cam chịu số phận "sống chung với lũ" mà chẳng có cách nào khác ngoài việc cài bản Windows mới.

2. Hỗ trợ ứng dụng

Việc Microsoft khai tử Windows XP cũng là tín hiệu Microsoft muốn gửi gắm tới các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba. Microsoft mong muốn, họ nên sớm dừng hỗ trợ các ứng dụng trên Windows XP để bảo vệ ứng dụng và bảo vệ chính người dùng.

3 lý do khiến Windows XP không còn đủ sức hấp dẫn trong thời đại 4.0 - Ảnh 2.

Trong nhiều tháng qua, ngày càng có nhiều nhà phát triển phát đi thông báo khuyến khích, thậm chí cưỡng chế người dùng chuyển sang sử dụng ứng dụng trên Windows 7 trở lên để tự bảo vệ trước các mối đe dọa bảo mật.

Các công ty lớn như Google hay Mozilla cũng đã bắt đầu kế hoạch dừng hỗ trợ trình duyệt của họ trên Windows XP. Sau khi hết hỗ trợ, người dùng các trình duyệt web như Google Chrome hay Firefox trên Windows XP có nguy cơ gặp phải những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng mà không có sự hỗ trợ từ nhà phát hành.

3. Thiếu đi các tính năng mà người dùng đang cần

Windows XP trước nay vẫn luôn được ca ngợi về tính năng và độ ổn định của nó. Nhưng Windows vẫn đang phát triển liên tục qua từng thời kỳ. 

Ngay cả khi Windows XP là cả một bầu trời ký ức với bạn thì việc trải nghiệm các tính năng mới, tiện dụng hơn với đời sống hiện đại ngày nay cũng là điều vô cùng cần thiết.

Nếu dùng Windows XP, bạn sẽ chẳng có cơ hội trải nghiệm các tính năng mới như Cortana, Action Center, giao diện Fluent Design bóng bẩy,…trên Windows 10.

Tất nhiên vẫn có những điều khiến người dùng còn e ngại khi rời xa Windows XP đó là chi phí nâng cấp hoặc mua bản quyền các phiên bản Windows mới đắt đỏ hơn.

Nhưng sớm hay muộn, lên đời Windows 7 hay cao hơn là Windows 10 sẽ là việc đáng làm vì những lợi ích mà nó đem lại. Đó là chưa kể, biết đâu sau khi lên Windows 7, 8.1 hay Windows 10, bạn sẽ lại có cảm tình với phiên bản Windows mới cũng nên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại