Trong nhiều năm gần đây, không chỉ mùa hè mới có các thiết bị làm mát, mà vào mùa đông, các thiết bị sưởi ấm cũng đã xuất hiện và được bán rộng rãi, phục vụ nhu cầu làm ấm của các gia đình. Một số cái tên nổi bật có thể kể tới là các loại máy sưởi, quạt sưởi, điều hoà 2 chiều với chế độ sưởi hay đèn sưởi - thường được lắp đặt trong nhà tắm.
Trong các thiết bị trên, đèn sưởi là thiết bị được đánh giá có giá thành phải chăng, dễ dàng lắp đặt và sử dụng hơn cả. Đặc biệt với những gia đình có người già và trẻ nhỏ, vào những ngày thời tiết rét đậm, nhiệt độ có lúc giảm xuống dưới 10 độ C như khu vực miền Bắc những ngày qua, việc trang bị thêm đèn sưởi giúp không gian phòng tắm trở nên ấm áp hơn, giúp bảo vệ sức khoẻ người dùng tốt hơn.
Dù được đánh giá là sử dụng đơn giản, dễ lắp đặt, song cũng có những lưu ý đặc biệt được các chuyên gia đưa ra, giúp người dùng đảm bảo đèn sưởi nhà mình hoạt động được hiệu quả, an toàn. Cụ thể, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, khi sử dụng đèn sưởi vào những ngày rét đậm nói riêng hay cả mùa đông nói chung, các gia đình nên ghi nhớ 3 lưu ý, được gọi là những "lưu ý vàng".
3 lưu ý vàng khi dùng đèn sưởi vào những ngày rét đậm
1. Không bật đèn sưởi quá lâu
EVN nhấn mạnh, việc bật đèn sưởi quá lâu, trong thời gian quá dài là vô cùng không nên. Việc làm này luôn tiềm tàng nguy cơ gây cháy rất cao bởi nhiệt độ của thiết bị có thể đạt tới mức rất nóng.
Lúc này, đèn sưởi bị hoạt động quá tải, có thể chập, cháy, hoặc nguy hiểm hơn khi đặt cạnh các vật dụng dễ cháy như quần áo, cũng có thể gây ra hoả hoạn. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội phân tích với An Ninh Thủ Đô: “Đèn sưởi là vật phát nóng sinh nhiệt độ cao, có thể làm cháy các vật dụng để sát nó". Nhiều vụ việc đã xảy ra, khi đèn sưởi bị chập cháy, cũng chỉ vì thói quen bật đèn sưởi quá lâu này.
Bên cạnh đó, việc bật đèn sưởi quá lâu còn khiến thiết bị bị hao mòn nhanh chóng. Chính bởi vậy, thời gian lý tưởng là chỉ bật đèn sưởi tối đa khoảng 30 phút. Để thiết bị đạt hiệu quả sưởi ấm tối ưu, hãy bật 3 phút trước khi sử dụng.
2. Đèn sưởi cần tránh nước
Lưu ý thứ 2 đó là dù đã được thiết kế cấu tạo trong và ngoài sao cho phù hợp với môi trường ẩm ướt như phòng tắm, phòng vệ sinh, nhưng đèn sưởi tốt nhất vẫn cần tránh nước tối đa có thể. Điều này cần đặc biệt áp dụng với những bộ phận như ổ điện, dây cắm điện và bóng đèn của thiết bị.
Để tránh nước tốt nhất, các chuyên gia khuyên rằng vị trí lý tưởng để lắp đặt đèn sưởi là cao 1,8 - 2m tính từ vị trí nền nhà. Ngoài ra, vị trí đèn sưởi cũng nên cao hơn vòi hoa sen để hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với nước. Nhằm nâng cao sự an toàn, các gia đình có thể lắp thêm tấp bảo vệ đen và thường xuyên kiểm tra dây điện, ổ điện để phòng tránh hiện tượng rò rỉ, chập mạch, gây nguy hiểm.
3. Cần vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ đèn sưởi
Lưu ý vàng thứ 3 là điều mà rất nhiều gia đình đang chủ quan khi dùng đèn sưởi. Đó là vấn đề vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ thiết bị. Đèn sưởi sau một thời gian sử dụng sẽ bị đóng bởi lớp bụi bẩn, từ đó khiến thiết bị suy giảm hiệu quả hoạt động.
Định kỳ hàng tháng người dùng có thể dùng khăn mềm khô và sạch để lau đi các lớp bụi bẩn đó. Còn với công việc bảo dưỡng, để đảm bảo an toàn nhất, hãy nhờ tới sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên nghiệp. Quá trình bảo dưỡng cũng sẽ góp phần giúp gia chủ phát hiện kịp thời các lỗi, hỏng hóc mà đèn sưởi đang gặp phải, từ đó khắc phục và sửa chữa kịp thời. Tốt nhất trước mỗi mùa cao điểm cần sử dụng đèn sưởi, gia chủ hãy bảo dưỡng thiết bị 1 lần.
EVN cũng tư vấn thêm, khi kết thúc mùa đông, tức là khi gia đình không có nhu cầu sử dụng nữa, cũng có thể bảo dưỡng thêm 1 lần nữa. Tức là tổng 2 lần/năm.
Một số lưu ý khác được EVN bổ sung đối với các gia đình khi sử dụng đèn sưởi có thể kể tới như: Khi lắp đặt cần thợ có tay nghề, kinh nghiệm về điện; Có thể lắp đặt thêm rơ le ngắt điện tự động để phòng cháy nổ; Khi mua đèn cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ; Đối với gia đình có trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, nên dùng đèn sưởi không chói mắt...
Tổng hợp