Trong việc giáo dục con cái, mỗi gia đình đều có cách dạy con riêng. Thế nhưng khi nhìn những đứa trẻ nếm trải vị ngọt của cuộc sống và gặt hái hạnh phúc khi lớn lên, bậc cha mẹ nào cũng nhận ra bản thân đều phải trải qua 3 lần thất vọng trong những năm trưởng thành của con cái. Nếu bạn nhận ra điều này càng sớm, tương lai những đứa trẻ sẽ càng tốt hơn.
Thất vọng đầu tiên: Con cái cuối cùng sẽ đi ngược lại sự mong đợi của cha mẹ
Cha mẹ nào cũng thường tưởng tượng về tương lai của con mình, thế nhưng ít có kỳ vọng nào của họ có thể trùng khớp với ước mơ của những đứa trẻ.
Trong buổi họp phụ huynh trước kỳ nghỉ, cô giáo yêu cầu phụ huynh làm một hoạt động tương tác nhỏ: Bố mẹ hãy viết ra giấy ước mơ của con mình và xem có trùng với đáp án mà con đã viết trước hay không.
Lúc đó có một phụ huynh tràn đầy tự tin, nghĩ rằng con trai có niềm đam mê lớn với du hành vũ trụ chắc hẳn đã mơ ước trở thành phi hành gia. Thật bất ngờ, khi đáp án được tiết lộ, điều mà cậu con trai viết ra lại là trở thành nhà thiết kế.
Một lớp học có đến 40 học sinh nhưng không một phụ huynh nào đoán đúng giấc mơ của con em mình. Điều này cũng đúng với một gia đình người Anh trong phim tài liệu “Up New Generation”.
Oliver sinh ra trong một gia đình giàu có với nền tảng phát triển tốt nhất. Cha của cậu là luật sư, mẹ là giám đốc Harrods (cửa hàng bách hóa nổi tiếng thế giới). Gia đình cậu sống trong một biệt thự ở trung tâm London, là một gia đình trí thức đúng nghĩa. Suy nghĩ của cha mẹ Oliver rất “tiên tiến”, họ kỳ vọng anh sẽ trở thành một “tinh hoa xã hội”, chẳng hạn như làm ông trùm Phố Wall hoặc một luật sư nổi tiếng. Tóm lại Oliver phải đạt đến đỉnh của kim tự tháp.
Tuy nhiên, Oliver không thuận theo sự sắp đặt của cha mẹ mình. Uớc mơ của anh là trở thành nhà phát minh hoặc một nghệ sĩ. Bởi vì theo quan điểm của anh, kiếm tiền là một điều quá nhàm chán.
Sanchez xuất thân từ một gia đình nghèo khó, cha mẹ ly hôn và cũng có những ý tưởng hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của cha mẹ. Cha anh là một giáo viên dạy khiêu vũ, để thực hiện nguyện vọng kế thừa sự nghiệp, từ khi còn nhỏ cha Sanchez đã dạy anh khiêu vũ. Dù có năng khiếu khiêu vũ thiên bẩm nhưng tình yêu của Sanchez lại dành cho bóng đá. Trong suy nghĩ của anh ấy, gia đình là trên hết và bóng đá xếp thứ hai. Đam mê bóng đá của Sanchez vượt xa cả khiêu vũ và ước mơ trong tương lai của anh ấy cũng liên quan đến bóng đá.
Là cha mẹ, ai cũng hy vọng con mình sẽ thành công. Vì vậy, cha mẹ thường sử dụng tư duy của mình theo thói quen để hoạch định một “đường tắt” trong cuộc đời cho con cái. Thật không may, không phải tất cả trẻ em đều mơ ước trở thành một "con rồng".
Nhà tâm lý học Winnicott từng đề xuất khái niệm “người mẹ đủ tốt”, trong đó hàm chứa ý nghĩa về sự tương xứng của cha mẹ: Cha mẹ có thể kỳ vọng vào con cái nhưng càng phải tôn trọng con cái, quyền quyết định và kiểm soát cuối cùng phải nằm trong tay con cái.
Phải thừa nhận rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là bao la, nhưng cha mẹ có tầm nhìn xa cần biết rằng: Tất cả tình yêu trên thế giới này đều có kỳ vọng, nhưng tình yêu đích thực sẽ học cách tiêu hóa sự thất vọng.
Trong cuộc đời của con, hậu quả chỉ có bản thân con gánh chịu. Chỉ bằng cách buông bỏ và trao cho con quyền được ước mơ và dũng khí để khám phá thế giới, đứa trẻ mới có thể yên tâm căng buồm ra khơi và dang đôi cánh để bay cao.
Thất vọng thứ hai: Quyền quyết định của cha mẹ sẽ bị hạn chế
Giáo sư Tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Lý Mai Cẩn từng nói: "Trước 6 tuổi, lời nói của cha mẹ là vàng bạc. Sau 12 tuổi, lời nói của cha mẹ thường bị bỏ ngoài tai".
Khi con lớn lên, nhiều bậc cha mẹ vẫn áp dụng cách giáo dục như hồi con còn nhỏ. Điều này khiến “trận chiến” giữa cha mẹ và con cái thường xuyên xảy ra nhưng các bậc phụ huynh không nhận ra rằng quyền lên tiếng của mình đã mất dần.
Trên thực tế, trẻ bước vào tuổi vị thành niên đã bắt đầu theo đuổi nhận thức riêng. Từ cách ăn mặc cho đến cách kết bạn, trẻ đều có những suy nghĩ và yêu cầu riêng. Mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ không còn là sự vâng lời, mà là "sự vâng lời có chọn lọc" chỉ khi cha mẹ đứng về phía chúng.
Những đứa trẻ vẫn giữ được mối quan hệ tốt với cha mẹ về cơ bản là vì cha mẹ sẵn sàng tôn trọng nguyện vọng, làm bạn và đồng ý với những lựa chọn của chúng. Một khi cha mẹ ở phía đối lập, lời nói của cha mẹ sẽ nhanh chóng "hết hạn sử dụng".
Stacey, sống ở New Mills, khẳng định cô và mẹ là "những người bạn tốt về mọi mặt". Vì dù cô có quyết định thế nào, mẹ cũng sẽ ủng hộ điều kiện. Bất cứ khi nào cô gặp khó khăn, thất bại, mẹ sẽ đều động viên, yêu thương và cho cô sức mạnh. Nhưng dù vậy, họ vẫn thường cãi nhau về những vấn đề nhỏ nhặt như "thời gian đi chơi" và "phong cách quần áo". Trước mỗi lần đi chơi, mẹ đều yêu cầu cô ấy về nhà trước một thời gian nhất định. Nhưng trong mắt những thiếu niên mới lớn, những hạn chế đó chẳng khác nào một “lời nguyền” phá hoại tình mẹ con.
"Mẹ đã đưa ra một mốc thời gian, nhưng tôi lại không về đúng giờ."
Thật trùng hợp, Taron đến từ Cornwall cũng cho biết, nếu cha mẹ có thể luôn ủng hộ và công nhận con cái thì mối quan hệ gia đình sẽ rất hòa thuận. Taron luôn có tổ chức và kỷ luật, hiểu tầm quan trọng của việc học đối với bản thân và thậm chí lấy các trường đại học danh tiếng làm mục tiêu phấn đấu. Nhưng Taron đã “nổi loạn” khi bị mẹ ép ăn một chiếc bánh sandwich mà cậu không muốn. Khi mẹ nói: "Nếu không ăn thì đổ đi”. Tarun lập tức đổ thức ăn trên đĩa vào thùng rác.
Khi đứa trẻ lớn lên, lời nói của cha mẹ bắt đầu mất dần hiệu lực. Đáng tiếc là ít cha mẹ chú ý đến điều này, họ sẽ có thói quen kiểm soát cuộc sống của con cái, và thứ mà họ nhận được chỉ là sự nổi loạn và phản kháng.
Theo nhà nhân chủng học người Mỹ Margaret Mead, trong xã hội truyền thống, cha mẹ được trao cho quyền lực tuyệt đối và thế hệ trẻ cần học hỏi từ những người lớn tuổi hơn. Vì vậy, trong giáo dục xưa, con cái không được phép làm trái lại mệnh lệnh của cha mẹ.
Nhưng trong xã hội ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển của thời đại, thông tin mà trẻ em có thể tiếp cận ngày càng trở nên toàn diện hơn.
Cách hiểu thế giới của trẻ đã thay đổi từ việc được cha mẹ dạy dỗ sang việc có thể tự mình khám phá, điều này khiến cha mẹ không còn uy quyền tuyệt đối trong lòng con nữa. Vì vậy, quyền năng mà cha mẹ dùng để giáo dục con cái thường chỉ có hiệu lực trong khoảng mười năm. Dù có được sử dụng hay không, quyền năng đó đều hết hạn như thực phẩm.
Lúc này, cha mẹ không cần quá thất vọng hay hoảng sợ, chỉ cần bình tĩnh đứng bên con và dành cho con sự ủng hộ mạnh mẽ nhất, những lời động viên ấm áp nhất. Đó chính là cách giáo dục tốt nhất.
Thất vọng thứ ba: Con cái của chúng ta chỉ có thể là những người bình thường
Cha mẹ nào cũng từng trải qua cảm giác vỡ mộng từ “con mình nhất định phải là thiên tài” khi con còn học mẫu giáo đến “miễn là lấy được vợ thuận lợi” khi con trưởng thành. Điều này cũng đúng với cha mẹ của Owen trong bộ phim tài liệu trên. Chỉ có điều, sự vỡ mộng của họ là họ sắp đạt đến đỉnh nhưng lại rơi xuống đáy.
Vốn sinh ra trong một gia đình thể thao, Owen đã bộc lộ năng khiếu thể thao phi thường từ khi còn nhỏ, anh thông thạo bơi lội, bóng đá, tennis, golf... hầu như mọi môn thể thao. Để đào tạo Owen trở thành một vận động viên, cha mẹ anh đã dốc hết tâm sức. Cậu bé Owen đã không phụ lòng kỳ vọng của gia đình, từ khi còn nhỏ cậu đã giành được rất nhiều giải thưởng, thậm chí còn trở thành nhà vô địch bơi lội trẻ của Anh khi mới 12 tuổi.
Nhưng số phận lại không như ý, chàng trai 21 tuổi Owen đã bị hạ gục bởi tiêu chuẩn ngày càng khắt khe trong đội tuyển bơi lội toàn những cao thủ. Dù luyện tập chăm chỉ mỗi ngày nhưng anh không thể đáp ứng những yêu cầu và chỉ biết bỏ cuộc trong tiếc nuối. Giấc mơ thể thao mà Owen ấp ủ hơn 10 năm buộc phải chấm dứt, dù không giấu được sự thất vọng nhưng bố mẹ Owen vẫn chọn cách động viên anh.
Sau khi kết thúc sự nghiệp thể thao, Owen chọn làm việc trong ngân hàng, trung bình mỗi ngày làm việc 12 tiếng. Tuy vất vả nhưng đây là cuộc sống.
Sự sa ngã của cậu bé thiên tài là trò đùa của số phận và là sự phản ánh hiện thực. Không có cặp cha mẹ nào có thể luôn đóng khung con cái của mình trong những kỳ vọng của riêng họ, ngay cả khi họ thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Cũng giống như Oliver là cậu ấm trong gia đình giàu có đáng ghen tị. Những gì cha mẹ lên kế hoạch cho anh ấy là "lộ trình ưu tú".
Địa vị "tinh hoa xã hội" mà cha mẹ Oliver mong đợi là một kiểu hạn chế đối với anh. Cuối cùng, Oliver khi 28 tuổi đã chọn từ chức tại công ty nổi tiếng, trở lại trường học và học tiến sĩ. Trong khoảng thời gian đi học này, cuộc sống của anh bắt đầu lại, Oliver cuối cùng đã tìm thấy con người thật của mình.
Thông qua những trang viết, anh cảm nhận được sự vui thích và hài lòng chưa từng có. Trong tương lai, ước mơ của Oliver là trở thành một nhà văn. Khác với giấc mơ năm 7 tuổi của anh ấy, lần này giấc mơ của Oliver là một sự tồn tại mà anh ấy dám theo đuổi và có thể đạt được nó. Anh ấy cũng gặp được cô gái mình thích, họ cùng nhau nấu ăn, đi dạo, đọc sách… So với những ngày chỉ biết kiếm tiền, làm những gì mình thích và ở bên những người mình yêu là cuộc sống anh thực sự muốn.
Bạn thấy đấy, không ai không khao khát thành công, nhưng thật không may, 90% con người cuối cùng sẽ rơi vào hoàn cảnh bình thường.
Là cha mẹ, điều chúng ta có thể làm không phải là huấn luyện con mình trở thành những “ông nọ bà kia” như chúng ta mong đợi. Thay vào đó, sau khi nhìn rõ thực tế và chấp nhận những điều bình thường, hãy tạo mọi điều kiện có thể cho bọn trẻ, hướng chúng sống một cuộc sống tuyệt vời trong thế giới của chính con.
Nhà thơ, nhà văn người Liban, Khalil Gibran từng viết:
"Con của bạn, thực ra không phải là con của bạn, chúng là những đứa trẻ được sinh ra từ khát vọng đối với cuộc đời. Con đến thế giới này thông qua bạn, nhưng không vì bạn mà đến, con ở bên cạnh bạn nhưng không thuộc về bạn."
Là cha mẹ, khi dẫn dắt một sinh linh bé nhỏ vào thế giới, chúng ta luôn có thói quen vun đầy ắp những kỳ vọng. Nhưng trong bộ phim tài liệu “Up New Generation”, sau khi theo dõi hành trình cuộc đời của 19 người từ 7 đến 28 tuổi, chúng ta có thể thoáng thấy một số sự thật: Cho dù khoảng cách gia đình và giai cấp lớn đến đâu, những đứa trẻ này cuối cùng cũng trở thành những người bình thường.
Nhưng điều đáng quý là, mặc dù bình thường, cuối cùng họ cũng lớn lên thành những người có khả năng hạnh phúc. Là cha mẹ, chúng ta không thể bảo bọc con cả đời. Nhưng trong giáo dục hàng ngày, chúng ta có thể biến sự thất vọng thành hy vọng, thay đổi những tổn thương thành khích lệ, sát cánh cùng trẻ và cùng nhau đối mặt với những rủi ro để trưởng thành.
Hy vọng mỗi đứa trẻ lớn lên đều có khả năng nắm lấy hạnh phúc. Ngay cả khi bạn là người bình thường, bạn cũng có thể dũng cảm tiến lên và đi đến những cảnh đẹp trên con đường cuộc sống của chính mình.
(Theo Aboluowang)