Tất cả bậc làm cha mẹ ai cũng đều mong muốn con mình trưởng thành sẽ nên người tài giỏi, có ích cho xã hội và quan trọng nhất là chúng sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc.
Trong quá trình nuôi dưỡng, có thể phụ huynh sẽ cảm thấy rất tự hào khi con sớm bộc lộ trí thông minh của chúng, từ đó cũng nuôi hy vọng rất lớn rằng tương lai con sẽ trở thành người xuất sắc. Tuy nhiên, đây lại là một sự lầm tưởng nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả tai hại khi đứa bé lớn lên.
Giáo sư tâm lý học tội phạm Lý Mai Cẩn cho biết, trong quá trình nghiên cứu của mình, bà phát hiện ra rằng một số trẻ lúc nhỏ tưởng rằng rất thông minh nhưng càng lớn thì biểu hiện của trẻ càng kém đi và khi trưởng thành lại là người rất tầm thường, thậm chí được xem là kém cỏi và bất tài.
Nếu thấy con mình có thông minh theo kiểu này, bố mẹ khoan hãy mừng mà phải cố gắng giúp con sửa đổi sớm để không làm ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ.
Chỉ biết nói là giỏi nhưng khi làm thì chẳng ra hồn
Có nhiều đứa trẻ đặc biệt giỏi trong khoản giao tiếp và dỗ dành người khác, luôn khiến cho người lớn cảm thấy vui lòng. Những đứa trẻ này rất thường nói những điều tốt đẹp trước mặt bố mẹ vì chúng biết chính xác những gì mình nói ra sẽ khiến phụ huynh thích thú. Khi đi ra ngoài, đứa trẻ này cũng nhận được sự yêu mến, đặc biệt khi chúng bày tỏ về những mục tiêu lớn mà chúng đang hướng đến.
Phụ huynh cần phải nhận ra rằng những đứa trẻ này chỉ biết nói nhưng lại trì hoãn trong hành động hoặc chẳng có một động thái nào để thực hiện điều chúng nói. Đó là biểu hiện của giả thông minh.
Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên sẽ khó đạt được thành công trong cuộc sống. Sự thành công của chúng chỉ đều dựa trên trí tưởng tượng bởi mỗi lần bắt tay vào hành động trẻ sẽ tỏ ra lười biếng, không cởi mở để học hỏi kinh nghiệm từ người xung quanh.
Thích lợi dụng người khác
Không khó để nhận ra một đứa trẻ "khôn lỏi" trong một nhóm bạn. Chúng sẽ là đứa có vẻ hòa đồng, chơi rất vui cùng bạn bè nhưng khi nhìn kỹ lại, chúng thực chất chỉ đang lợi dụng mọi người. Chúng có thể ăn đồ của người khác, chơi đồ chơi của người khác nhưng bản thân chúng lại không hề bỏ ra một chút đóng góp nào.
Bố mẹ tủm tỉm cười, cho rằng việc chơi khôn này là thông minh có thể giúp con không bị bạn bè bắt nạt hay lợi dụng. Tuy nhiên, thói ích kỷ như vậy trong tương lại sẽ gây cản trở nghiêm trọng đến quá trình trẻ hòa nhập vào xã hội.
Lợi dụng người khác không bao giờ là cách sống khôn ngoan, thực chất người bị thiệt hại nhiều nhất lại chính là bản thân của trẻ. Những kẻ thích lợi dụng trong xã hội, sớm hay muộn cũng sẽ bị xa lánh và đào thải.
Lươn lẹo để đổ tội cho người khác
Trẻ con luôn mắc nhiều sai lầm trong quá trình phát triển và cũng từ đó chúng có thể học hỏi kinh nghiệm và trưởng thành. Những đứa trẻ lươn lẹo thì không nghĩ như vậy, chúng luôn tìm mọi cách để thoái thác trách nhiệm khi mắc sai lầm, thậm chí tìm cách để đổ tội cho người khác.
Bố mẹ có thể thấy rằng con thật thông minh và dễ thương khi cố gắng chối tội một cách vụng về nhưng lại không nghĩ xa hơn được rằng trong tương lai từ lời nói dối cỏn con có thể sẽ dẫn đến những lời dối trá lớn hơn và gây ra hậu quả nặng nề hơn.
Tinh thần trách nhiệm và thái độ chân thành, biết sửa sai khi mắc sai lầm là một việc vô cùng quan trọng mà phụ huynh cần phải dạy cho trẻ hiểu ngay từ khi còn nhỏ. Một khi hình thành thói quen đổ lỗi, tương lai trẻ sẽ khó làm nên việc lớn, trẻ cũng sẽ trở thành một kẻ hèn nhát, khó có thể tìm được chỗ đứng trong xã hội.