Cách đây không lâu, tôi có xem được một đoạn video, lời phát biểu của người cha trong đoạn video đã cho tôi một cái nhìn khác về vấn đề điểm số của con cái.
Trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên mời phụ huynh của học sinh có thành tích xếp cuối lớp lên sân khấu phát biểu, vị phụ huynh vừa lên đã ngay lập tức phản bác:
"Thứ nhất, con tôi có tên, tên của nó không phải là ‘học sinh có thành tích xếp cuối lớp’; thứ hai, nếu một giáo viên có khả năng nâng cao thành tích của tất cả học sinh, vậy thì dù có xếp cuối cùng của lớp, đó cũng không phải là học sinh yếu kém; thứ ba, con trai tôi chỉ là có thành tích không tốt, đó chẳng phải là tội ác tày trời gì, thứ mà nó cần là sự khích lệ động viên tới từ thầy cô và cha mẹ, chứ không phải bị nhắc tên như một điều gì đó tiêu cực trong giáo dục như vậy."
Vừa dứt lời, toàn phòng họp ồ lên vỗ tay.
Một tác gia từng nói: "Chúng ta không nên kì thị sự bình thường, ngược lại nên tận hưởng và bình thản chấp nhận nó."
So với thành tích, có 3 điều mà các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn ở con cái. Có như vậy thì dù thành tích học tập không được như ý, sau này ra ngoài xã hội, chúng cũng sẽ nhất định có tương lai.
1. Khích lệ nhiều hơn, bồi dưỡng sự tự tin ở con cái
Trong một bộ phim ngắn nước ngoài có tên "Nỗ lực thêm một chút nữa", nhân vật chính M là một cậu bé thích đá bóng, nhưng cậu không cao và khả năng phối hợp cũng chưa tốt.
Sau khi kết thúc lớp huấn luyện, huấn luyện viên nói với mẹ của M:
"Nền tảng của M không tốt, kỹ năng đánh đầu của cậu ấy gần như là con số 0."
Nhưng sau khi về nhà, đối mặt với đứa con đang buồn bã, người mẹ đã không nói lại lời của huấn luyện viên với con, thay vào đó, cô cười và nói:
"Mẹ và huấn luyện vừa nói chuyện, thầy nói con luôn rất nỗ lực. Trước đó con hoàn toàn không biết dùng đầu đánh bóng, nhưng giờ đôi lúc con đã làm được rồi, nỗ lực thêm một chút nữa, rèn luyện khả năng phối hợp thêm một chút nữa, con nhé."
Khi đứa con khóc nói với mẹ rằng "con không bằng các bạn", người mẹ kiên định nói với con:
"Không sao hết, con không cần phải vượt qua tất cả mọi người, chỉ cần nỗ lực để vượt qua con của trước đó là đủ rồi."
Cũng chính nhờ lời "nói dối" của mẹ mà từ một cậu bé tự ti, muốn bỏ bóng đá, cậu bé đã trở nên kiên định hơn: phối hợp nhiều hơn một chút, chạy nhanh hơn một chút, cố gắng hơn một chút nữa, vậy là đủ.
Sau cùng, trong một trận đấu quan trọng, M, người vốn không có kĩ năng đánh đầu đã vươn người lên đánh đầu, ghi một bàn thắng quan trọng giúp đội của cậu gỡ hòa với đối thủ.
Cuộc đời của con cái giống như đường chạy marathon, người xuất phát đầu tiên chưa chắc đã giành được cúp, người chiến thắng cuối cùng thường là người có năng lực thuộc tầm trung.
Nguyên nhân là bởi, thứ nhất, họ có mục tiêu; thứ hai, họ ít áp lực; thứ ba, họ có sự tự tin.
Con cái trên đường đời nhất định sẽ gặp phải khó khăn, thân là cha mẹ, chúng ta nên ít tạo áp lực cho con, thay vào đó khích lệ con nhiều hơn, khi con cái tự tin rồi, tâm lý chúng sẽ được thả lỏng, khi ấy, chúng tự nhiên sẽ phát huy tốt hơn.
2. Tạo cơ hội cho con tìm kiếm sở thích, đam mê của mình
Giáo sư Chen Xingshen, một nhà toán học nổi tiếng ở Trung Quốc, đã tặng cho một lớp học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc: Đừng cố gắng đạt vị trí thứ nhất.
Zhu Qingshi, một viện sĩ của Học viện Khoa học Trung Quốc, đã giải thích thêm về câu nói này:
"Một học sinh bình thường thông thường có thể thi được 70,80 điểm, muốn đạt được 100 điểm, các em phải nỗ lực gấp nhiều lần, phải học hành rất nhiều mới không có sai sót nào xảy ra. Muốn thi được 100 điểm cần phải lãng phí rất nhiều thời gian và tài nguyên, giống như đất phải bón thêm 10 lần phân bón, sau cùng, sức sáng tạo của các em sẽ bị mài mòn."
Chúng ta luôn cho rằng học tập là "công việc hàng ngày" của các con, nhưng con trẻ, ngoài giờ học ra, cũng nên có những sở thích và đam mê của mình.
Trong một bộ phim tài liệu về thanh thiếu niên, cậu bé N. có một "sở thích" độc đáo là thích đắm mình trong thế giới côn trùng và nghiên cứu về côn trùng mà không hề bị phân tâm.
Thậm chí, có lúc anh chàng còn bò trên mặt đất để nghiên cứu các "bạn nhỏ" của mình mà không biết mệt mỏi trong nhiều giờ liền.
Đối với nhiều bậc cha mẹ, sở thích này có thể bị gọi là "quái gở", nhưng cha mẹ của N. rất ủng hộ con trai, họ tôn trọng sở thích và lựa chọn của con, thậm chí còn chủ động đề nghị tham gia nghiên cứu với con.
Tất nhiên, nghiên cứu côn trùng cũng được, nhưng bài tập vẫn cần làm đầy đủ, đây là giao ước giữa cậu và cha mẹ.
Ngay cả khi đi cắm trại, N. cũng vẫn sẽ được yêu cầu thực hiện các hoạt động "kiểm tra" hàng ngày, chẳng hạn như đọc thuộc một bài thơ.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều có năng khiếu và sở thích riêng, việc cho phép trẻ tỏa sáng trong lĩnh vực mà chúng yêu thích có thể đánh thức động lực bên trong chúng và khiến tinh thần nhiệt huyết sục sôi bên trong.
Thành tích và thứ hạng không đại diện cho tất cả mọi thứ về một đứa trẻ. Việc học và sở thích cần được phát triển một cách cân bằng để trẻ có thể thưởng thức nhiều "phong cảnh" hơn.
3. Thành tích không phải là duy nhất, đạo đức quan trọng hơn
"Bà không mua điện thoại cho tôi, tôi đánh c.h.ế.t bà!"
Một cậu bé còn nhỏ tuổi, chỉ vì mẹ không mua điện thoại cho mà vừa đánh vừa lớn tiếng với mẹ ở giữa nơi đông người.
Trong video, cậu bé giựt tóc mẹ và dùng tay đập vào đầu mẹ một cách điên cuồng.
Người mẹ không đánh lại con, chỉ khóc lóc van xin con trai đừng đánh nữa.
So với điểm số, năng khiếu, thì đạo đức mới là thứ quan trọng nhất và không thể thiếu đối với trẻ.
Một đứa trẻ có lòng hiếu thảo, tích cực, lạc quan và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, tin rằng trong tương lai, chúng sẽ không quá tệ trong bất cứ việc gì.
Nhân vật Hạ Đông Hải trong bộ phim sitcom của Trung Quốc có tên "Home with kids" là một người cha rất biết cách giáo dục con cái.
Một lần, cha mẹ hứa nếu Lưu Tinh (cậu con trai) được hạng nhất sẽ tặng con một chiếc MP3.
Lưu Tinh vui mừng bèn lấy trộm bài văn của Tiểu Tuyết giả vờ đó là của mình rồi nộp cho thầy, kết quả lại được hạng nhất.
Khoảnh khắc cầm chiếc mp3 trong tay, Lưu Tinh vừa vui vừa thấy xấu hổ.
Sau khi suy nghĩ, Lưu Tinh chủ động khai ra sự thật với giáo viên, thừa nhận sai lầm của mình, đồng thời cũng trả lại món quà cho cha mẹ.
Hạ Đông Hải sau khi biết chuyện này không hề phê bình con trai, thay vào đó, anh nói:
"Ba rất khâm phục tinh thần dũng cảm dám đối mặt với sai lầm, dám nhận sai này của con, không hổ danh là hảo hán thứ 2 của gia đình mình!Vì con dũng cảm nhận lỗi nên ba mẹ quyết định vẫn tặng con chiếc MP3 này."
Hạ Đông Hải không mắng con vì những hành vi xấu như những bậc cha mẹ khác, thay vào đó, anh thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với con cái bằng sự bao dung và thấu hiểu.
Con người ta khi trưởng thành, thứ quyết định họ đi được bao xa thường không phải là điểm số, mà là nhân phẩm, là đạo đức.
Bacon từng nói:
"Việc đánh giá một người không nên dựa trên sự giàu có hay xuất thân, càng không phải trình độ hiểu biết của anh ta, mà phải dựa trên nhân phẩm của anh ta."
Nhân phẩm tốt có thể giúp bạn thành công trong lúc thuận lợi và cứu bạn trong lúc nguy nan. Việc hình thành nhân cách tốt cần được bồi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ.
Trong giai đoạn này, sự giáo dục và hướng dẫn của cha mẹ là rất cần thiết.
Ai đó đã từng nói rằng có 3 điều khó khăn nhất trong cuộc đời, đó là: chấp nhận sự bình thường của cha mẹ, chấp nhận sự bình thường của chính mình và chấp nhận sự bình thường của con cái.
Mong rằng con mình sẽ có được thành tích cao trong mọi phương diện là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta phải biết rằng những thiên tài là hiếm có và hơn 90% chúng ta, đều sống một cuộc sống bình thường.
Làm sao để điều chỉnh tâm lý và tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và sự ổn định trong cuộc sống đời thường và công việc mới là quan trọng nhất.
Có quá nhiều người bình thường trên thế giới này, nhưng có thể sống một cuộc sống bình thường là điều phi thường lớn nhất của cuộc đời.