Khi Zheng Yuanjie, một tác giả sách thiếu nhi nổi tiếng tại Trung Quốc, còn nhỏ, mẹ thường kể cho anh nghe một câu chuyện: "Một trận lũ lụt sắp xảy ra và tất cả các loài động vật phải chạy qua sông để sang đỉnh núi bên kia trú ẩn. Bắc qua sông là một cây cầu lớn và một cây cầu ván đơn. Tất cả các loài động vật đều chọn đi trên cây cầu lớn, ngoại trừ một con dê, nó chọn đi trên cầu độc mộc. Cuối cùng, cây cầu lớn vì bị quá tải nên đã sụp đổ, chỉ còn con dê đi trên cây cầu độc mộc sống sót…"
Mẹ của Zheng Yuanjie luôn kể câu chuyện này từ khi anh 2 tuổi đến khi anh 7 tuổi.
Mỗi khi kể xong, mẹ lại nói với Zheng Yuanjie: "Không cần phải đi theo đám đông, họ có con đường của họ, con cũng có cây cầu độc mộc của mình."
Cuộc đời mỗi người đều phải vượt qua nhiều "cây cầu độc mộc" khác nhau, trong số đó, có ba cây cầu độc mộc rất quan trọng và ảnh hưởng đến vận mệnh của chúng ta.
Mỗi bước vượt qua, là một lần trưởng thành.
Cây cầu độc mộc thứ nhất: Việc học
Trong một bộ phim nước ngoài có tên "Tuổi trẻ ai không bối rối", một giáo viên đã nói: "Kỳ thi tuyển sinh đại học đồng nghĩa với việc hàng ngàn người cùng vượt qua một cây cầu độc mộc! 1 điểm cách biệt thôi, cũng có thể loại bỏ hàng chục ngàn người."
Con đường học vấn là một cây cầu độc mộc có thể dễ dàng sàng lọc một lượng lớn người.
Nhưng nhiều người trẻ vội vã lại không muốn chịu khó trong học tập, chỉ muốn đi đường tắt. Theo quan điểm của họ, ba năm học tập không bằng một năm đi làm.
Cũng giống như Vỹ, một chàng trai giao hàng đã nhập học lại cách đây không lâu. Cậu thi đỗ vào ngôi trường Đại học Nông nghiệp với số điểm cao, nhưng lại chọn bỏ học giữa chừng và muốn ra ngoài kiếm tiền.
Trong những năm qua, cậu đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc, từ công việc gia sư tới làm công nhân và cả một nhân viên giao hàng. Nhắc tới một trải nghiệm nhớ đời của mình, cậu chia sẻ, "tôi thậm chí đã từng phải leo hơn 30 tầng cầu thang do thang máy bị mất điện để có thể kịp thời giao hàng."
Có người từng nói: "Nếu bạn coi tấm bằng đại học của mình là giấy vụn, xã hội cũng sẽ coi bạn như giấy rác".
Sau khi trải qua những trận đòn của cuộc đời, Vỹ quyết định một lần nữa thi lại đại học, nghiêm túc học hành. Cậu thi đỗ Đại học Tài chính Kinh tế với số điểm cao.
Chia sẻ về hành trình học tập của mình, Vỹ nói: "Học tập là một quá trình giúp chúng ta hiểu biết. Và quan trọng hơn, thông qua việc học, chúng ta có thể cho mình nhiều sự lựa chọn hơn".
Chúng ta ai cũng nghĩ việc học là vất vả. Nhưng sau khi bước vào xã hội, ta mới phát hiện ra rằng nỗi khổ do việc học hành không đến nơi đến chốn gây ra mới là nỗi khổ thực sự.
Việc học là một cây cầu độc mộc, nhưng một khi vượt qua nó, con đường phía sau nhất định sẽ rộng mở hơn. Bạn phải tin rằng những khó khăn bạn trải qua và những kiến thức mà bạn tiếp thu được, một ngày nào đó sẽ mở đường cho bạn.
Cây cầu độc mộc thứ hai: Công việc
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người như vậy: Đi làm được hai, ba năm, công việc dần ổn định và mức lương cũng ưng ý, họ bắt đầu chuyển sang chế độ "cá ươn". Ban ngày, làm việc, sau khi tan làm, chỉ nằm trên ghế sofa, lướt điện thoại và chơi game. Cuộc sống như vậy, trông có vẻ ổn định và hạnh phúc, nhưng trên thực tế, theo thời gian, cuộc sống sẽ trở thành một vũng nước tù đọng.
Tác gia Tiền Trọng Thư từng nói: "Có một đống nho. Người lạc quan phải bắt đầu ăn từ những quả nho tệ nhất và tiếp tục ăn cho đến khi ăn được những quả nho ngon nhất, luôn giữ hy vọng ở trước mặt. Người bi quan thì ngược lại, họ càng ăn càng gặp những quả tệ và ăn cho đến khi tuyệt vọng."
Công việc cũng vậy. Nếu bạn muốn ngày càng tốt hơn trong tương lai, bạn phải làm điều khó khăn nhất ngay từ đầu.
Xu Xiaoping từng nói: "Khi có hai việc trước mắt, một việc dễ dàng để bắt đầu, việc còn lại đòi hỏi bạn phải tìm hiểu và khám phá từ đầu, đừng ngần ngại chọn việc khó hơn".
Nếu muốn phát triển trong công việc, bạn phải kiên trì làm những việc đúng nhưng khó. Những điều khiến bạn tốt hơn, ban đầu có thể không dễ dàng, nhưng chỉ cần bạn kiên trì, bạn sẽ trưởng thành. Khi bạn cảm thấy cay đắng, mệt mỏi cũng là lúc bạn trưởng thành nhanh nhất.
Cây cầu độc mộc thứ ba: Hôn nhân
Không có con đường tắt nào cho hôn nhân. Lựa chọn bạn đời là một việc phức tạp và tế nhị. Nếu bạn nghĩ đến việc "nhanh chóng" hoặc "làm theo", bạn sẽ dễ mắc phải sai lầm. Cũng giống như việc nếu nồi và nắp không khớp nhau thì sẽ khó nấu được một bữa ăn ngon.
Như Shakespeare đã nói: "Một cuộc hôn nhân vội vàng hiếm khi hạnh phúc".
Có người nói: "Đừng chạy theo đám đông, hãy lắng nghe trái tim mình."
Có lẽ sẽ có người khuyên bạn đừng quá kén chọn, kết hôn để còn có người chăm sóc khi về già. Nhưng hôn nhân là một nút thắt rất quan trọng trong cuộc đời bạn. Trong cuộc đời này, con người sẽ trải qua hai lần tái sinh, một lần sinh ra đời và một lần tái sinh trong hôn nhân. Chọn hôn nhân cũng là chọn gia đình, chọn bạn đời cũng là chọn phần còn lại của cuộc đời.
Một cuộc hôn nhân tốt đẹp có thể xoa dịu một nửa đau khổ trên đời, một cuộc hôn nhân sai lầm sẽ chỉ mang lại tổn thương và khiến con người ta đánh mất đi niềm hy vọng. Vậy cho nên, đừng lo lắng, đừng nhượng bộ, cũng đừng bỏ cuộc, đừng từ bỏ quyền được hạnh phúc của bản thân.
Bởi lẽ cuộc đời quá dài, và chỉ khi ở bên đúng người, bạn mới có thể hạnh phúc hết quãng đời còn lại. Đây là trách nhiệm với cuộc sống và cũng là sự bảo vệ cho chính mình.
***
Trong "Hương đàn bà", Trung tá Frank cuối cùng cũng thở dài: "Hiện tại tôi đang ở ngã tư đường của cuộc đời. Tôi biết con đường nào là đúng, nhưng tôi không bao giờ đi theo nó.
Tại sao? Vì nó khó quá."
Cuộc đời có hai loại hành trình: chọn cây cầu lớn và đi con đường nguy hiểm, băng qua cây cầu hẹp và bước vào con đường rộng lớn phía sau. Những người thực sự thông minh có bản năng từ bỏ những điều dễ dàng, đương đầu với khó khăn để sau hái quả ngọt. Khi bạn quyết định chọn con đường khó khăn nhất vào thời điểm trẻ nhất của cuộc đời, bạn đã vượt qua hầu hết những người không đủ can đảm để chọn con đường này.