Có một chàng trai trong làng rất chăm chỉ, khỏe mạnh, thường giúp đỡ mọi người làm việc, nhưng anh ta có một khuyết điểm chết người: Nói năng thô lỗ. Bố mẹ và bạn bè luôn nhắc nhở anh ấy cần tìm cách thay đổi, nhưng thanh niên chỉ nghĩ: "Nói vài câu thôi mà, có chuyện gì to tát đâu!".
Một lần thiền sư đến làng, người thanh niên lỡ miệng nói những điều rất bất kính với thiền sư nên bị người khác chỉ trích. Anh ta vẫn không áy náy mà chỉ bảo: "Vậy tôi xin lỗi là được chứ gì?".
Thiền sư mỉm cười và nói với người thanh niên: "Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện!". Nhiều người, trong đó có người thanh niên này, vây quanh thiền sư, sẵn sàng lắng nghe câu chuyện mà thiền sư kể.
Có một người đàn ông đã nhặt một con gấu từ trong núi sâu về nuôi từ khi còn nhỏ. Cả hai rất gắn bó với nhau, nhưng một hôm con gấu làm hỏng một mẩu ngô của nhà hàng xóm, bị người ta trách mắng tận cửa.
Người đàn ông giận lắm, cầm gậy vừa đánh con gấu vừa mắng: Thú vật đúng là thú vật, tao nuôi mày vô ích.
Trong cơn nóng giận, anh ta đã đuổi con gấu ra khỏi nhà. Nhưng đến ngày hôm sau, anh bắt đầu hối hận và đi tìm lại, nhưng con gấu mất dạng giữa núi sâu. Người đàn ông từ đó đã phải sống trong cô đơn và buồn bã.
Trong một lần đi săn trên núi, anh ta đụng phải một con hổ dữ. Trong giây phút sinh tử, tưởng chừng chết chắc, anh ta bỗng thấy một bóng đen rất lớn lao tới và đánh đuổi hổ dữ. Hóa ra, đó chính là chú gấu năm xưa đã được anh nuôi.
Người đàn ông vui vẻ tiến lên vuốt ve gấu và nói: "Hay quá, lần trước anh đánh em có còn đau không? Về nhà với anh nhé!".
Gấu nói: "Đau vì đòn roi đã qua lâu rồi, nhưng nỗi đau từ lời nói vẫn còn nhiều lắm". Gấu nói xong thì trở về núi sâu, không quay đầu lại.
Sau câu chuyện của thiền sư, mọi người đều ngậm ngùi, nhưng người thanh niên này vẫn tỏ ra bình thản.
Thiền sư lại lấy trong túi ra một vài chiếc đinh và nói với người thanh niên: "Hãy đóng những chiếc đinh này vào gốc cây".
Người thanh niên làm theo lời thiền sư rồi nhanh chóng quay trở lại.
Thiền sư lại nói tiếp: "Giờ cậu hãy tháo đinh ra".
Người thanh niên quay lại dưới gốc cây để tháo đinh. Nhưng anh ta phải mất một thời gian dài để loay hoay tháo một chiếc đinh.
Vị thiền sư đến bên người thanh niên, chỉ vào vết đinh để lại và nói: "Chỉ cần rút ra thì làm được gì? Trên thân cây có thể hết sẹo hay không? Cũng giống như chú gấu trong câu chuyện đó, tuy nỗi đau do cây gậy để lại đã biến mất từ lâu, nhưng cái hại từ lời nói ra thì cả đời không thể nào quên được. Nói ra thì rất dễ, nhưng rút lại mới khó khăn".
Nghe đến đây, chàng thanh niên mới chợt nhận ra: "Hóa ra sự tổn thương sâu sắc nhất đối với người khác chính là ngôn ngữ".
3 câu nói "sắc như dao" dễ gây tổn thương nhất
01. Đừng nói với bố mẹ rằng: Bố mẹ không hiểu
Cha mẹ không sợ con mình đòi hỏi quá nhiều, mà chỉ sợ con trẻ bị thiếu thốn. Trong thế giới của bạn, cha mẹ chỉ là một phần. Nhưng trong thế giới của cha mẹ , con cái gần như là tất cả. Vì thế, đừng nên nói "Bố mẹ không hiểu!", điều này sẽ khiến họ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương vì nghĩ rằng, bản thân không thể chăm sóc con cái tốt nhất.
Không trưởng thành trong cùng một thời điểm mà cách biệt nhau hàng chục năm nên không phải cha mẹ không muốn hiểu, mà là họ chưa thể hiểu. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể nói với họ một cách kiên nhẫn.
Có thể khi bạn bối rối, sự hướng dẫn của cha mẹ sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều khó khăn, trở ngại trên đường đời. Đừng khinh thường họ vì không hiểu, cũng đừng đẩy cha mẹ xa khỏi mình.
02. Không nói với người thân yêu: Đừng làm phiền tôi
Cuộc sống không tránh khỏi những lúc bất đồng, đặc biệt là những người thân yêu thường xuyên dành thời gian bên nhau. Đôi khi cằn nhằn vì tức giận; đôi khi tranh chấp nảy sinh vì những hiểu lầm.
Yêu và quý luôn đến từ hai phía. Thay vì cùng nhau chia sẻ và vun đắp tình cảm, đừng chỉ biết tận hưởng một mình, rồi lại đối xử khó chịu với người hết lòng lo cho bạn.
Ba từ "đừng làm phiền" không chỉ làm mất đi ý nghĩa ban đầu, mà còn thể hiện thái độ coi thường sự quan tâm, chăm sóc của đối phương. Nếu cứ nói những điều này với mọi người xung quanh, sẽ có một ngày bạn hoàn toàn trở nên cô độc. Không người thăm hỏi, không người yêu thương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
03. Đừng nói với trẻ con: Con đúng là ngu ngốc
Đừng khinh thường con cái của bạn ngay cả trong suy nghĩ. Những đứa trẻ có tuổi đời ít hơn bạn, tiếp xúc với ít sự vật, sự việc hơn bạn nên không thể có được sự tinh tường mà bạn mong muốn. Tuy nhiên, chúng cũng sẽ dần trưởng thành và từng trải. Quá trình này cần có thời gian.
Những lời nói coi thường khi trẻ còn bé sẽ tạo thành những vết sẹo trong tâm trí thơ ngây. Dưới áp lực của cha mẹ, những đứa trẻ này sẽ trở nên thiếu tự tin, không quyết đoán, không dám làm việc lớn.
Con cái thiếu ở đâu, chúng ta nên bù đắp ở đó. Đừng chỉ hét vào mặt con là "Đồ ngu ngốc". Hãy kiên nhẫn hơn với con trẻ để các bé được phát triển trong sự yêu thương .
Theo NetEase