Người xưa có câu: “Sống là phải biết cần cù, mới mong có được thu hoạch,. Lưỡi kiếm sắc bén nhờ công mài giũa, hoa mai ngát hương nhờ đâm chồi từ giá lạnh mùa đông”.
Chúng ta luôn được dạy phải làm việc chăm chỉ, không nên đầu cơ trục lợi. Nhưng nếu cơ thể và tinh thần lúc nào cũng căng như dây đàn thì lại rước về mệt mỏi, phản tác dụng. Do đó, đôi khi phải “lười biếng” một chút, nhưng lười biếng ở đây không phải là nghĩa đen, mà lười ở 3 phương diện này trong cuộc sống, càng “lười” càng có phúc.
1. Lười tức giận
Sau nửa đời người, nổi nóng thật sự rất có hại cho thân thể. Nó giống như một quả bom, không làm tổn thương người khác, mà tự nổ tung, làm hại chính mình.
Người trưởng thành thật sự là phải nhận ra: Đừng nổi giận vì những chuyện vặt vãnh, thực sự không đáng!
Ở nước Thục thời Tam Quốc, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Tưởng Uyển được bổ nhiệm trở thành phụ chính đại thần cho Hoàng đế Lưu Thiện. Ông ta có một cấp dưới tên là Dương Hí, người thu mình và ít nói. Mỗi khi Tưởng Uyển nói chuyện, ông thường im lặng. Nhiều đại thần không thể hiểu được, đã phàn nàn trước mặt Tưởng Uyển: “Tên Dương Hí này rất cục mịch, thật kỳ quái khó hiểu!”.
Bất ngờ thay, Tưởng Uyển mỉm cười bình tĩnh và nói: "Mọi người đều có tính khí riêng. Khen ngợi ta hay bất cứ ai không phải là thói quen của hắn; nhưng nếu nói xấu ta thì hắn lại không muốn. Vì vậy, hắn chọn cách im lặng. Trên thực tế, đây chính là điểm đáng quý của hắn". Sau đó, mọi người đều công nhận điều này và tin tưởng Dương Hí hơn.
Đừng dùng trải nghiệm và cách nhìn của mình để áp đặt lên cuộc đời của người khác. Tưởng chừng như ngu ngốc nhưng thực ra lại thông minh, phải học cách làm “một kẻ khờ đại trí”.
2. Lười so đo
Học làm “một kẻ khờ đại trí” với năng lực nhìn thấu bản chất của mọi việc. Không can dự, không so đo tính toán, không tranh biện vô nghĩa. Đừng tập trung vào việc bản thân có kiếm được nhiều tiền hơn người khác hay không, cũng đừng lo lắng thành tích của mình hay con cái có hơn người khác hay không. Trải nghiệm nhiều rồi mới hiểu, hầu hết phiền muộn trong lòng đều đến từ sự so sánh mà ra.
Một người sống hạnh phúc sẽ không thèm so sánh với bất cứ ai, duy trì cảm giác tự do thoải mái, việc không liên quan đến mình thì không quan tâm, trên đời trừ chuyện sinh tử ra thì tất cả đều chẳng thành vấn đề.
Trong thời Khang Hi của triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc, Trương Anh từng là học giả của Văn Hoa điện kiêm Lễ bộ Thượng thư. Hàng xóm của ông là Diệp phủ, chủ nhà là Diệp thị lang cùng làm quan trong triều với Trương Anh. Sân của hai nhà có một con hẻm để người qua lại. Nhưng hàng xóm sửa nhà muốn chiếm con đường này nhưng nhà họ Trương không đồng ý. Trong cơn tức giận, Trương lão phu nhân viết thư gửi cho Trương Anh.
Trương Anh liền hồi âm: “Thư nhà gửi đi ngàn dặm chỉ vì một bức tường, sao không nhường người ta ba thước? Vạn Lý Trường Thành vẫn còn đó, nhưng Tần Thủy Hoàng năm xưa thì không thấy đâu”.
Vì vậy, Trương lão phu nhân ra lệnh cho người hầu xây một bức tường lùi lại 3 thước. Người nhà họ Diệp rất xúc động và cũng ra lệnh xây tường lùi lại trong sân 3 thước. Kể từ đó, hai nhà Trương và Diệp đã xóa bỏ hiềm khích và xây dựng quan hệ hàng xóm láng giềng hòa hảo.
Đến một độ tuổi nào đó, chúng ta không cần so đo, tính toán nhiều như vậy. Nước trong không có cá, người quá xét nét chẳng có ai chơi. Có một số chuyện, trong lòng tự hiểu là được!
Thời gian chẳng chừa một ai, vạn vật đều sẽ theo gió bay đi, cần gì phải bận tâm nhiều đến thế. Sống là phải mỉm cười đối mặt với hiện thực, không nên tự rước về thêm bực dọc, phiền não.
3. Lười lấy lòng
“Ta để lòng hướng về trăng sáng, nhưng trăng sáng lại soi mương”, trích từ “Tỳ bà ký” của Cao Minh thời nhà Nguyên (Trung Quốc).
Một mối quan hệ thực sự không cần phải lấy lòng hay tìm cách thỏa mãn đối phương. Quan hệ gần gũi chân chính là đôi bên đều có thể làm chính mình.
Có câu nói: "Quân tử kết giao, nhạt như nước". Thay vì lấy lòng người khác, chi bằng mua vui cho chính mình.
"Nghèo không nịnh, giàu không kiêu". Sống ở đời, nếu làm được "nghèo mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu căng; nghèo mà có chí, không đeo bám ỷ lại kẻ giàu", thì đến đâu cũng có tôn nghiêm.
Chân tình đổi lấy chân tình, núi cao sông rộng gặp tri âm tri kỷ. Vì hợp nhau nên mới thành bạn thành bè, không ai lấy lòng ai, mối quan hệ tự nhiên như vậy vẫn là thoải mái nhất.
Muốn sống dễ dàng hơn thì phải nhẹ bớt gánh nặng. Hãy "lười tức giận, lười tranh cãi với người khác", không nên gượng ép bản thân chỉ vì chăm chút cho cảm giác của đối phương, hãy cứ là chính mình, tự nhiên sẽ có người yêu thương, nửa đời về sau phúc đến ngập tràn.