Năm nay, điều mà có lẽ nhiều người đặc biệt quan tâm chính là tiết kiệm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất để bớt đi những nỗi lo liên quan tới vấn đề tiền bạc trong cuộc sống.
Sharita M. Humphrey, Nhà tư vấn Tài chính và cũng là người sáng lập Sharita M. Humphrey Consulting có trụ sở tại Houston (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, đã đến lúc cần phải thay đổi thói quen mua sắm, nhất là khi giá cả hàng hóa ngày càng tăng cao, có nguy cơ ảnh hưởng và tác động tiêu cực tới các mục tiêu tài chính của cô.
Có thể chúng ta thường xem nhẹ việc mua sắm và luôn có suy nghĩ rằng tất cả những thứ mình mua đều cần thiết cả. Để rồi đến khi tổng kết lại đã có không ít người phải hoang mang vì số tiền đã chi.
Đặt mục tiêu
Là một người chuyên tư vấn các giải pháp tài chính, Humphrey đã dành cả cuộc đời mình để giúp những người phụ nữ và chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ đạt được mục tiêu của họ. Nhưng bên cạnh niềm đam mê giúp đỡ người khác vượt qua cảm giác căng thẳng trong vấn đề tài chính của họ, Humphrey cũng rất yêu gia đình nhỏ của mình và luôn nỗ lực vì điều đó.
Trong đó, mục tiêu táo bạo nhất của cô là nghỉ hưu sớm để có thể toàn tâm toàn ý lo cho gia đình của mình.
"Tự do về tài chính và thời gian rất quan trọng đối với tôi. Nguyên nhân là bởi, tôi có mục tiêu nghỉ hưu vào tháng 12 năm 2029." - Humphrey nói.
Theo đó, Humphrey đã thử rất nhiều cách khác nhau và 3 sự thay đổi trong thói quen mua sắm dưới đây đã giúp cô tiết kiệm được gần 10 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 100 triệu đồng/năm.
Humphrey cũng khuyên bạn nên sử dụng tiền mặt để tránh bội chi khi mua thực phẩm và lên kế hoạch rõ ràng cho các bữa ăn.
Cách tiết kiệm tiền khi mua sắm
#1: Mua sắm với số lượng lớn
- Số tiền tiết kiệm được hàng tháng là: khoảng 6 triệu đồng.
Có thể bạn không nghĩ tới nhưng mua đồ với số lượng lớn có thể giúp bạn tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc.
Humphrey quyết định thử nghiệm lý thuyết này và bắt đầu mua các mặt hàng thiết yếu, đồ ăn nhẹ, chất tẩy rửa... với số lượng lớn tại các cửa hàng bán đồ thiết yếu. Và kết quả nhận được là, việc điều chỉnh thói quen mua sắm đã không chỉ giúp cô ấy tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng và chi phí xăng xe để di chuyển mà việc mua với số lượng lớn một cách có chiến lược còn giúp Humphrey giảm nhu cầu đi tới các cửa hàng tạp hoá, siêu thị...
#2: Tận dụng tối đa ưu đãi từ công nghệ
- Số tiền tiết kiệm được hàng tháng là: hơn 1 triệu đồng.
Bằng cách sử dụng hai ứng dụng mua hàng tạp hóa, Humphrey đã có thể cải thiện được ngân sách trong việc mua sắm của mình. Cô cũng sử dụng các ứng dụng trực tuyến để kiểm soát chi tiêu hàng ngày và đưa ra điều chỉnh kịp thời, tránh chi tiêu lạm phát.
#3: "Xử lý" hết những đồ ăn còn dư thừa trong tủ lạnh, tủ lưu trữ
- Số tiền tiết kiệm được hàng tháng là: khoảng 2,5 triệu đồng.
"Tôi sẽ cố gắng ăn hết tất cả hoặc hầu hết các loại đồ ăn còn dư thừa trong tủ đựng thức ăn của mình trước khi đến cửa hàng tạp hóa." - Humphrey cho biết.
Humphrey đã xem rất nhiều video trên YouTube để tìm cảm hứng chế biến các món ăn mới từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà.
Humphrey khuyến khích mọi người nên xem lại bảng sao kê ngân hàng chi tiết trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 ngày gần nhất để điều chỉnh kịp thời.
Tận dụng tối đa khoản tiết kiệm
Những thay đổi này đã giúp Humphrey có những thay đổi tích cực trong vấn đề tài chính của mình. Thói quen mua sắm hàng tạp hóa mới hình thành cũng giúp cô tiết kiệm thêm được nhiều tiền. Đó là lý do thúc đẩy cô đưa ra nhiều phương án để "tiền đẻ ra tiền".
"Tôi đã cam kết chỉ chi tiêu một phần nhỏ trong số tiền tiết kiệm", Humphrey nói.
"Tôi cũng tự thưởng cho mình một buổi chăm sóc da mặt hàng tháng hay một món đồ trong danh sách mua sắm mong muốn của mình và một chuyến du lịch mỗi quý." - Humphrey cho biết, việc tự thưởng sẽ giúp thúc đẩy tinh thần của mọi người.