Ngày 20/10, bác sĩ Lô Thanh Quý - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân là bố con bị ngộ độc do ăn phải trứng cóc.
Hiện tại, sau khi được điều trị hiện 2 người con đã dần ổn định, không còn nguy kịch. Riêng người bố là ông L.V.T (47 tuổi, trú xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) vẫn còn nôn nhiều, có dấu hiệu suy thận cấp nên được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, lọc máu.
Qua khai thác từ bệnh nhân, sáng 19/10, ông L.V.T vào nương rẫy làm việc. Khi đến bờ suối, bắt được một ít chạch, lươn để về nấu cơm trưa. Khi thấy một chùm trứng cóc ở bờ suối, ông T nhầm tưởng là trứng ếch nên mang về nấu chung với lươn để ăn cơm. Đây có thể là trứng trong bụng con cóc, người dân khi làm thịt cóc đã vứt ra ngoài.
Sau bữa cơm trưa, ông T cùng các con xuất hiện triệu chứng ngộ độc. Riêng ông T và 2 con út (6 tuổi và 4 tuổi) xuất hiện triệu chứng nôn mửa, đau bụng dữ dội nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hoàn cảnh gia đình ông T rất khó khăn, gia đình sống trong một túp lều tạm.
Được biết, hoàn cảnh gia đình ông T rất khó khăn. Cả gia đình sống trong túp lều tạm, 2 người con út hiện vẫn chưa làm khai sinh nên không có Bảo hiểm Y tế.
Cóc thuộc họ Bufonidae, phổ biến ở Việt Nam là loại Bufomelanosticus. Dưới da cóc xù xì có nhiều tuyến chứa nọc độc (bufotoxin) rất mạnh. Gan cóc, trứng cóc cũng chứa nhiều bufotoxin. Chất bufotoxin gây rối loạn nhịp tim, ức chế nhịp tim làm ngừng tim, ức chế hô hấp làm ngừng thở, ngoài ra còn gây tổn thương thận, suy thận cấp, viêm ống thận cấp, rối loạn thần kinh gây ảo giác.
Khi ăn phải chất độc của cóc, vài giờ sau nạn nhân thấy chóng mặt, đau ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim chậm lại, tụt huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục./.