Vụ án bí ẩn nhất lịch sử tội phạm nước Mỹ
Trong một thế giới hàng tỷ người cùng sinh sống như thế này, có quá nhiều chuyện xảy ra mà không một ai biết hết được, khi ở đây những đứa trẻ đang nô đùa vui vẻ thì ở đâu đó trên thế giới, có đứa trẻ bị bắt cóc, bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, giết hại...
Không ai muốn nghe đến nhưng bi kịch vẫn cứ xảy ra. Chỉ trong 3 năm 1971, 1972 và 1973, ở nước Mỹ đã xảy ra vụ bắt cóc, hãm hiếp và giết hại trẻ em vô cùng bí ẩn mà cho đến tận ngày nay cảnh sát Mỹ vẫn bất lực trong hành trình tìm ra tên sát nhân.
Cảnh sát và truyền thông gọi đó là "vụ giết người theo bảng chữ cái" vì một đặc điểm trùng hợp kỳ lạ trong tên của các nạn nhân.
Cả 3 bé gái đều ở độ tuổi trên 10 tuổi. Kể từ khi vụ án được truyền thông đưa tin, người dân Mỹ đã coi đây là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử của họ.
Chỉ trong vòng 3 năm từ 1971 tới 1973, ba nạn nhân đã bị giết hại dã man theo cùng một kịch bản - bắt cóc, hãm hiếp rồi giết ngay sau đó. Điều khiến nhiều người rợn tóc gáy chính là bởi chữ cái đầu trong họ và tên của các bé gái đều giống nhau.
Hình ảnh 3 nạn nhân gồm: Carmen Colon, Wanda Walkowicz, Michelle Maenza.
Xâu chuỗi lại các chứng cứ và đặc điểm gây án, cảnh sát bắt đầu nhận ra sự tương đồng trong cách giết người của hung thủ. Hắn nhắm đến nạn nhân nhỏ tuổi, có chữ cái đầu tiên trong tên và họ giống nhau.
Hắn bắt cóc, hãm hiếp sau đó sẽ vứt thi thể nạn nhân ở địa danh có chữ cái đầu tương tự. Bên cạnh đó, 3 chữ cái khi ghép lại sẽ lần lượt là C, W, M, các nhà chức trách nghi ngờ đây có khả năng là viết tắt của cụm từ COME WITH ME (tạm dịch: Đến đây nào).
Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho những bí ẩn đó nhưng đến nay tên sát nhân "bảng chữ cái" vẫn chưa lộ diện.
3 bé gái xấu số
Carmen Colon ở Churchville
Đứa trẻ đầu tiên bị bắt cóc, hãm hiếp và giết hại bằng cách bóp cổ đến ngạt thở là Carmen Colon.
Cô bé làm mẹ khi mới 16 tuổi. Một bé gái tuổi vị thành niên "ăn chưa no, lo chưa tới" nên cũng chẳng thể lo được cho con một cuộc sống ổn định.
Dù đã 16 tuổi nhưng khả năng nhận thức của Carmen chỉ như đứa trẻ lên 7, cô thường xuyên gặp ác mộng.
Hôm đó, ngày 16/11/1971, Carmen đến hiệu thuốc để mua thuốc theo lời của ông bà. Khoảng 4h20 phút chiều hôm đó, cô bé bỗng nhiên nói một câu kỳ lạ "Tôi phải đi".
Cảnh sát giăng biển tìm kiếm kẻ giết hại cô bé Carmen Colon.
Ngay sau khi gia đình thông báo Carmen mất tích, cảnh sát nhanh chóng lập nhóm tìm kiếm nhưng không thấy dấu vết nào của Carmen. 2 ngày sau, thi thể của cô bé được 2 cậu bé nhìn thấy trên một cánh đồng thuộc thị trấn Churchville.
Khi đó, một nhân viên cảnh sát đã phát hiện ra điểm đặc biệt trong tên của cô bé và tên địa phương nơi thi thể của Carmen được phát hiện, tất cả đều bắt đầu bằng chữ cái C. Nhưng chẳng ai buồn quan tâm đến điều này. Vụ án nhanh chóng đi vào bế tắc.
Wanda Walkowicz ở Webster
Vào tháng 4 năm 1972, 17 tháng sau vụ án của Carmen, cô bé 10 tuổi tên là Wanda Walkowicz được báo cáo mất tích. Cha của Wanda mất sớm, cô bé sống với người mẹ thất nghiệp và bạn trai bị bệnh tâm thần của mẹ, tên này từng có tiền án tiền sự.
Vì hoàn cảnh nên Wanda trở nên già dặn hơn các bạn cùng trang lứa và tỏ ra khá thông minh. Wanda thường "thấy bất bình chẳng tha", hay ra tay giúp đỡ các bạn yếu thế hơn. Vào ngày Wanda mất tích, cô bé được nhìn thấy lần cuối cùng khi trên đường từ chợ về.
Người ta thấy Wanda dừng lại trò chuyện với một người đàn ông ngồi trong một chiếc xe, cô bé do dự một lát rồi bước vào xe của hắn.
Đến lúc này, cảnh sát mới nhớ đến vụ án của Carmen và nhanh chóng hành động để tìm ra tung tích của Wanda. Với những đặc điểm có sẵn, họ dự đoán hung thủ sẽ đưa xác của Wanda đến thành phố Webster.
Thật không may, họ đã đúng. Chỉ một ngày sau thông báo mất tích, thi thể của Wanda được tìm thấy trên cánh đồng. Điểm khác biệt là quần áo của Wanda vẫn khá nguyên vẹn, dính một ít lông mèo.
Khám nghiệm tử thi cho thấy cô bé đã được cho ăn trước khi bị giết, nhưng cô bé cũng bị tên sát nhân hãm hiếp.
Đến thời điểm này, các nhà điều tra lo ngại rằng có một kẻ giết người hàng loạt vẫn đang âm mưu gì đó mà họ chưa thể đoán được. Họ gọi đó là "kẻ giết người theo bảng chữ cái" nhưng không tìm được manh mối nào hơn.
Michelle Maenza ở Macedon
Mọi chuyện lắng xuống được một thời gian thì vào ngày 26 tháng 11 năm 1973, một đứa trẻ khác cũng được báo cáo là mất tích. Tên của cô bé là Michelle Maenza.
Cô bé có khả năng nhận thức kém nên thường bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Michelle rất nhút nhát và hay sợ hãi, vì vậy cảnh sát nhận định rằng kẻ sát nhân phải rất khéo léo tiếp cận mới chiếm được lòng tin của cô bé.
Vào thời điểm bị bắt cóc, Michelle đang đi chợ với mẹ. Một nhân chứng cho biết cô đã nhìn thấy Michelle trong một chiếc xe hơi đậu trước cửa một tiệm đồ ăn nhanh và một người đàn ông mang theo một túi thức ăn ngồi vào ghế lái.
48 giờ sau đó, một người lái xe tải tên Jean Vandewald đã thấy vật thể lạ bên đường nên dừng xe lại xem xét.
Không ngờ đó là thi thể của cô bé Michelle. Cô bé cũng bị hãm hiếp và giết hại trên một cánh đồng thuộc thành phố Macedon.
Điều tra rơi vào ngõ cụt
Sau khi cả 3 vụ án tương tự xảy ra, cảnh sát tìm ra được những điểm tương đồng: Tên và họ của các bé gái đều bắt đầu bằng 1 chữ cái giống nhau, các bé gái được phát hiện ở thành phố bắt đầu bằng cùng một chữ cái với tên của chúng, chúng sống ở gần nhau, đều bị bạn bè xa lánh, đều là con nhà nghèo, đều bị bóp cổ tay.
3 chữ cái đó khi ghép lại sẽ lần lượt là C, W, M, các nhà chức tránh nghi ngờ đây có khả năng là cụm viết tắt của câu COME WITH ME.
Trong những năm sau đó, đã có một vài nghi phạm bị bắt giữ nhưng sau đó lại được thả ra vì không có chứng cứ rõ ràng. Cảnh sát tin rằng kẻ thủ ác rất có thể làm việc trong các dịch vụ xã hội.
Người ta còn nghi ngờ kẻ sát nhân có thể làm việc ngay trong trường nơi các bé theo học, mới biết rõ về gia đình cũng như đường đi quen thuộc của các bé.
Nghi phạm đáng chú ý nhất tự tử 6 tuần sau khi thi thể của cô bé Maenza được tìm thấy nhưng năm 2007 cảnh sát đã tuyên bố hắn trong sạch nhờ kết quả kiểm tra ADN. Cậu của cô bé Carmen cũng bị tình nghi cho đến khi ông này tự treo cổ vào năm 1991.
Một kẻ tình nghi khác có tên Kenneth Bianchi cũng bị đưa vào tầm ngắm. Hắn bị cáo buộc có liên quan đến vụ mất tích của hai thiếu nữ ở thành phố Bellingham, Washington.
Qua hồ sơ lưu giữ, cảnh sát biết được Kenneth Bianchi từng hành nghề tú ông. Hắn giết một cô gái mại dâm vì không chịu nghe lời.
Sau khi bị bắt, tên Bianchi cố ý giả vờ mắc chứng rối loạn nhân cách để thoát tội. Đến cuối cùng hắn vẫn phải trả giá cho những tội ác mà hắn gây ra.
Thế nhưng, cảnh sát vẫn không thể tìm được bằng chứng buộc tội gã là "kẻ giết người theo bảng chữ cái" liên quan đến 3 vụ án chấn động xảy ra từ năm 1971 đến 1973.
Nghi phạm tiếp theo bị bắt năm 2010 là Joseph Naso, sinh năm 1934 tại thành phố Rochester, New York. Hắn là một nhiếp ảnh gia và từng phục vụ trong không quân Mỹ vào thập niên 50 của thế kỷ trước.
Tên Joseph Naso bị kết án tử hình năm 2013.
Tên Naso kết hôn với một phụ nữ tên là Judith và có một cậu con trai. Nhưng sau 18 năm, vợ chồng hắn ly hôn.
Tên Naso sống nay đây mai đó và làm thợ ảnh chuyên nghiệp. Sau khi lục soát nhà ở của hắn ở Reno, bang Nevada, cảnh sát đã phát hiện hàng nghìn bức ảnh chụp phụ nữ mặc đồ lót.
Ngày 13/4/2010, tên Joseph Naso bị truy tố về tội sát hại 4 phụ nữ ở California tên Roxene Roggasch, Carmen Colon, Pamela Parsons và Tracy Tafoya. 4 người phụ nữ này cũng có chung đặc điểm ở họ và tên, thậm chí có 1 người còn trùng tên với cô bé Carmen.
Họ bị bóp cổ đến ngạt thở và bị vứt xác ở các vùng nông thôn của bang California. Chính vì vậy, cảnh sát cũng nghi ngờ y liên quan đến cái chết của 3 bé gái trong "vụ án giết người theo tên".
Tháng 11 năm 2013, tên Naso bị kết án tử hình nhưng cảnh sát vẫn không có bằng chứng đủ để kết tội hắn liên quan đến vụ giết 3 bé gái từ những năm 1970.
Luật sư quận hạt Marin Ed Berberian nói với Reuters rằng ông tin tên Naso đã giết chết ít nhất 10 phụ nữ trong nhiều thập kỷ nhưng chính quyền "không thể tìm ra đủ bằng chứng" để cáo buộc hắn liên quan đến tất cả 10 trường hợp đó.
(Nguồn: The Guardian, Telegraph)