3 bàn tiệc và 2 thế giới phân chia trong buổi họp lớp: Bề ngoài là tiếng cười thân thiết, bên trong là cuộc đụng độ so kè giữa người giàu và kẻ nghèo

Nguyễn Phượng |

Thời còn đi học, lớp tôi thường chia ra hai bè phái. Đó là cuộc so kè giữa bạn học giỏi và bạn học kém. Còn bây giờ, khái quát mà nói đó là cuộc đụng độ giữa những người giàu và kẻ nghèo.

Tết đến là dịp để mọi người gặp mặt nhau cùng ăn bữa tiệc tất niên, uống chén rượu nồng và hàn huyên tâm sự về một năm đã qua. Đây cũng là thời điểm thường được chọn để họp lớp, bên cạnh các ngày lễ 30/4 hay 20/11.

Tôi vốn trầm tính, không thích chỗ đông người nên đã rất nhiều lần tôi từ chối tham gia họp lớp. Tôi thấy đây là việc làm vô bổ, bởi trước đây tôi có đến dự một lần thì thấy mọi người không còn giống như hồi đi học. Họ khoe nhiều hơn là vui vẻ thật lòng, họ lấy một vài cá nhân ra làm mục tiêu nói xấu hơn là tâm sự chân thành.

Nhưng lần này là kỷ niệm 20 năm ngày ra trường, ngay từ đầu tháng 1 đã rất nhiều lần lớp trưởng nhắn tin kêu tôi có mặt nên thật sự không thể từ chối. Song, cũng nhờ vậy mà tôi có thêm động lực để tiếp tục từ chối những lần sau.

3 bàn tiệc và 2 thế giới phân chia trong buổi họp lớp: Bề ngoài là tiếng cười thân thiết, bên trong là cuộc đụng độ so kè giữa người giàu và kẻ nghèo- Ảnh 1.

Họp lớp là dịp để những người thích khoe được thoả sức phô trương

Phải nói rằng, những buổi họp lớp thường là cuộc đụng độ xã hội của nhiều tầng lớp giai cấp trong xã hội. Ở đó có giới tri thức, có doanh nhân, có người làm ông chủ và cũng có người thất nghiệp.

Thời còn đi học, lớp tôi thường chia ra hai bè phái. Đó là cuộc so kè giữa bạn học giỏi và bạn học kém. Lúc nào bạn học giỏi cũng gây được chú ý, có tiếng nói hơn trong lớp. Còn bây giờ, khái quát mà nói đó là cuộc đụng độ giữa những người giàu và kẻ nghèo.

Lúc đầu, ngày họp lớp được chọn vào cuối tuần để nhiều người tham gia được nhất có thể. Thế nhưng, vì 5-7 nhân vật được coi là "ngôi sao sáng giá" đã nằng nặc đòi dời lịch theo kế hoạch mà họ đã đưa ra. Thôi thì họ đã ngỏ ý tài trợ tiền ăn cho cả lớp rồi tiền xe khách cho những người dưới quê nên ai cũng đành phải chiều lòng họ.

Tới ngày họp, khoảng 30 người có mặt được chia ra 3 bàn tiệc. Theo lẽ dĩ nhiên, một nhóm người đã tỏ ra khác biệt so với nhóm còn lại: Họ đến bằng những chiếc xe hơi sang trọng, mặc quần áo thời thượng, những chiếc điện thoại đắt tiền hoạt động hết công suất vì chuyện làm ăn, chuyện tiền bạc. Ngồi trong bàn vài phút là phải nghe điện thoại, ra ra vào vào.

Hai bàn còn lại thuộc về những cá nhân bình dân. Đa số đều đi bằng xe máy, có người đi xe khách đường dài từ quê ra thành phố, ăn mặc giản dị.

Câu chuyện được đưa ra trên bàn tiệc cũng khác biệt. Tôi cảm nhận những người thuộc tầng lớp thượng lưu cố ý nói to hơn bình thường để mọi người dễ nghe thấy. Họ chia sẻ về những kỳ nghỉ mát ở nước ngoài, lô đất nào mới mua, cho con học trường gì, mỗi năm tốn học phí bao nhiêu, định cho cho du học nước nào...

Ở thế giới của những người nông dân sẽ xoay quanh chủ đề gia đình, than thân trách phận, nói xấu chồng con, kêu ca về một năm làm ăn thua lỗ. Hoặc một số người chỉ nói chuyện nhẹ nhàng, ăn uống lặng lẽ cho xong bữa.

Đáng buồn hơn, ngay cả các thầy cô được mời đến bữa tiệc cũng dành thời gian cho nhóm nhà giàu hơn. Khi thầy cô vừa bước vào cửa, Lâm- một "nhà tài trợ" nhanh chân ra chào đón dẫn vào bên trong. Sau đó, cậu ta nói thay mặt tất cả lớp phát biểu lý do họp mặt, rồi tặng mỗi thầy cô một bó hoa kèm theo một hộp quà là chai rượu vang đắt tiền.

Dĩ nhiên, tiền mua quà là họ tự bỏ ra nên tôi và những người còn lại chỉ biết đứng vỗ tay góp vui.

3 bàn tiệc và 2 thế giới phân chia trong buổi họp lớp: Bề ngoài là tiếng cười thân thiết, bên trong là cuộc đụng độ so kè giữa người giàu và kẻ nghèo- Ảnh 2.

Sau đó thầy cô tới bàn tôi nâng ly chúc rượu một lượt, rồi nhanh chóng quay trở về bàn của những người đứng đầu. Họ càng ngày càng cười nói rôm rả hơn, có người còn liên tục nhấn mạnh, khoe học trò của mình, là những người đang có địa vị.

Tôi thoáng thấy nhiều nét buồn, chỉ cố ở lại cho xong và chờ đợi giờ tàn tiệc. Một bạn nói với tôi đây là lần đầu cũng là lần cuối dự họp lớp. Bởi họ chẳng tìm thấy niềm vui mà chỉ thấy thêm xấu hổ về mình. Trước kia đi học đã không vẻ vang, đến bây giờ gặp gỡ lại càng thấy tủi nhục.

Bỗng nhiên tôi nhớ về một câu chuyện từng đọc được trên báo. 20 năm đã trôi qua, người lớn tuổi nhất trong lớp vì nhớ tới thời còn đi học nên đã gửi tin nhắn trong lớp đề nghị lớp tổ chức một buổi liên hoan gặp mặt nhau sau 20 năm, kết quả là mọi người không bận thì cũng im lặng, cuối cùng chỉ còn khoảng 6,7 người đăng kí tham gia. 

Tới ngày hôm đó, anh ấy bị kẹt xe, và là người tới muộn nhất, anh vốn nghĩ rằng vì khi đó mình là lớn tuổi nhất trong lớp, các bạn khác sẽ giống như hồi còn đi học, để cho anh chỗ ghế trang trọng nhất, gọi anh một tiếng "đại ca" như ngày xưa. 

Nhưng đến nơi rồi mới phát hiện ra câu chuyện không hề như vậy, người có tiền nhất trong lớp chính là người được ngồi vào chiếc ghế trang trọng nhất, còn anh, lại chỉ được ngồi ở chiếc ghế xa nhất. Lúc anh tới, mọi người đang nói chuyện rất vui vẻ, thấy anh vào, mọi người cũng chỉ chào một câu rồi tiếp tục nói chuyện, những người có mặt đều có cuộc sống rất tốt, họ đều muốn nhân cơ hội này xem có thêm được mối quan hệ nào cho mình hay không.

Mọi người đã đến đông đủ, món ăn được dọn lên, tuy không nhiều người nhưng không khí rất tốt, mọi người ăn uống rất vui vẻ. Bữa tiệc kết thúc, mọi người vẫn nói chuyện rất nhiệt tình, chỉ có mình anh là không thể chen được vào câu chuyện, ngồi một lúc lâu sau vẫn chưa thấy ai có ý định đứng lên thanh toán, anh đã chủ động trả tiền rồi lặng lẽ rời đi. 

Có lẽ, thế giới của người trưởng thành tự có quy tắc của nó, có thể bạn vẫn muốn câu chuyện thanh xuân được tiếp tục, nhưng, bữa tiệc nào rồi cũng phải tàn. 

Trong bộ phim có tên "Nhân thế gian", có một câu nói như này: "Đi càng xa, chứng kiến càng nhiều, quen biết càng nhiều, bạn sẽ càng nhận ra được rằng, sống ở đời, người bạn thực sự quan tâm và thực sự quan tâm bạn, cũng chỉ có vài người mà thôi. Vài người đó, vừa hay, lại chính là thế giới của bạn." 

Đúng vậy, cuộc sống này là vô số những lần gặp gỡ rồi chia ly. Ai cũng có những mục tiêu của riêng mình, ai cũng có những con đường phải đi. Năm dài tháng rộng, cuộc đời, có lẽ cũng chỉ cần vài ba tri kỉ, họp lớp nếu không còn thoải mái thì đừng đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại