Rò rỉ kế hoạch của EU nhằm vào Hungary
Ngày mai (1/2), quyết định về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro dành cho Ukraine sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU. Đây là thời khắc mà Kiev đang hồi hộp mong chờ, trong bối cảnh các nguồn viện trợ từ Mỹ bị đình trệ, khiến nước này lâm vào tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng.
Rào cản lớn nhất cho tới lúc này là sự phản đối đến từ phía Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Trước đó, vào tháng 12/2023, ông Orbán từng dùng quyền phủ quyết để chặn gói viện trợ cho Ukraine.
Khi "giờ G" ngày càng cận kề, các quốc gia thành viên còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) đang tính toán mọi phương sách để buộc ông Orbán phải nhượng bộ. Một kế hoạch hiểm hóc đã được vạch ra.
Tờ Financial Times (FT - Anh) cho hay, EU đã đe dọa hủy hoại nền kinh tế Hungary nếu Budapest chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro dành cho Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 1/2 tới.
Động thái này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến nội bộ giữa EU và quốc gia thành viên của khối, đồng thời làm nổi bật "mức độ giận dữ" của các quốc gia thành viên EU đối với việc Thủ tướng Orbán - người được phương Tây gọi là "đồng minh thân cận nhất của ông Putin trong các nhà lãnh đạo EU" - từ chối hỗ trợ Ukraine.
Theo FT, Hungary hiện được xem là nước EU thân Nga nhất hiện nay khi nhiều lần phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga.
Trước đó vài ngày, 26 quốc gia thành viên còn lại trong EU đã tính tới khả năng sử dụng "phương án hạt nhân" - chỉ Điều 7 trong luật EU - để tước quyền bỏ phiếu của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tại hội nghị ngày 1/2, nếu quyết định của ông Orbán tiếp tục gây nguy hiểm cho an ninh của Ukraine.
Theo tài liệu mà FT có được vào ngày 28/1, nhằm gia tăng thêm áp lực cho ông Orbán, các nước thành viên EU đã vạch ra một chiến lược nhắm mục tiêu rõ ràng vào các điểm yếu của nền kinh tế Hungary, gây nguy hiểm cho đồng tiền của nước này và khiến niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ.
Mục tiêu của chiến lược là gây tổn hại đến "việc làm và tăng trưởng" của kinh tế Hungary nếu Budapest vẫn giữ ý định phủ quyết gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine.
"Nếu ông Orbán không chịu nhượng bộ, các nhà lãnh đạo khác tại EU sẽ công khai cam kết cắt vĩnh viễn toàn bộ nguồn tài trợ cho Budapest. Mục đích là khiến cho các thị trường tài chính hoảng sợ, gây ra một làn sóng bán tháo đồng forint (đơn vị tiền tệ của Hungary) và làm tăng chi phí tín dụng.
Trong trường hợp không có thỏa thuận nào đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 1/2, nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước còn lại trong EU sẽ công khai điều đó dựa trên hành vi thiếu tính xây dựng của Thủ tướng Hungary" - Tài liệu cho hay.
Bình luận về kế hoạch của EU, ông Orban cho rằng Hungary đứng trước nguy cơ bị "phong tỏa tài chính quy mô lớn" .
"Khi đó Hungary sẽ phải hứng chịu trận Armageddon" - Ông Orbán nhận định.
Theo Đài VOA (Mỹ), "Armageddon" là một thuật ngữ trong Kinh Thánh và thường được hiểu là cuộc chiến tranh cuối cùng hủy diệt cả thế giới.
Budapest thề chống lại 'tối hậu thư' của EU
Về phần mình, Hungary ban đầu thề sẽ chống lại sức ép của EU nhằm buộc nước này thông qua gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine, đồng thời lên án đề xuất "cưỡng ép" nhằm làm suy yếu nền kinh tế Hungary nếu Budapest không chịu thượng bộ.
Ngay trong tối 28/1, thông qua mạng xã hội X, Bộ trưởng về EU của Hungary János Bóka tuyên bố: "Hungary không nhượng bộ trước sức ép. Tài liệu do các quan chức Brussels soạn thảo chỉ xác nhận những gì Chính phủ Hungary đã nói từ lâu: Quyền tiếp cận quỹ EU được sử dụng như một công cụ để ép buộc chính trị".
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm qua bài đăng trên X, ông Balázs Orbán - Giám đốc chính trị của Thủ tướng Hungary cho rằng: "Brussels đang sử dụng sức ép chống lại Hungary như thể không có ngày mai".
Ông Balázs Orbán cáo buộc thêm rằng, những lời phê phán của EU về cái mà họ gọi là "sự thụt lùi dân chủ ở Hungary" (dẫn tới việc đóng băng hàng chục tỷ euro quỹ tài trợ cho nước này) đang được sử dụng để gây áp lực chính trị, buộc Budapest phải tuân theo các chính sách của khối đối với Ukraine.
Bất ngờ "xuống nước" chỉ sau 1 ngày
Tuyên bố hùng hồn là vậy nhưng chỉ 1 ngày sau, tức ngày 29/1, hãng tin Reuters (Anh) cho biết, Hungary đã phát tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ để cho phép gói viện trợ do EU đề xuất cho Ukraine được lấy từ ngân sách của khối. Reuters gọi đây là "sự thay đổi lớn".
"Trong một sự thay đổi lớn, Giám đốc chính trị của Thủ tướng Orbán cho biết, Hungary sẵn sàng nhất trí với việc sử dụng ngân sách EU cho gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro được đề xuất cho Ukraine" - Hãng tin Anh viết.
Cũng trong ngày 29/1, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đến Ukraine để hội đàm với các quan chức cấp cao nước này, nhằm tạo tiền đề cho cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Viktor Orbán thời gian tới.
Đăng tải hình ảnh của Ngoại trưởng Hungary và các quan chức Ukraine lên kênh chính thức trên ứng dụng Telegram, Văn phòng Tổng thống Ukraine miêu tả cuộc hội đàm là một cuộc đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng dự kiến sẽ cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Bước sang ngày 30/1, Reuters tiếp tục dẫn thông tin từ tạp chí Le Point (Pháp) cho hay, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã xác nhận ông sẵn sàng đưa ra lập trường mềm mỏng hơn đối với gói viện trợ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, động thái "xuống nước" này vẫn đi kèm với điều kiện.
Theo đó, ông Orbán sẽ đồng ý để EU viện trợ cho Ukraine "nếu liên minh đảm bảo rằng quyết định tiếp tục gửi tiền cho Kiev sẽ được xem xét thường niên". Điều này sẽ cho Hungary cơ hội để chặn các gói viện trợ của EU cho Ukraine hàng năm.
Thủ tướng Hungary đồng thời lưu ý rằng, sự đồng thuận hàng năm này cần phải được tất cả các thành viên EU khác nhất trí.
"Hungary sẵn sàng tham gia vào giải pháp của 27 quốc gia thành viên EU nếu đảm bảo được rằng, hàng năm chúng tôi vẫn có quyền quyết định liệu có gửi số tiền này (cho Ukraine) hay không. Và quyết định thường niên này phải có cơ sở pháp lý giống như hiện nay: Được thực hiện trên cơ sở nhất trí" - Ông Orbán nói.
Trong cuộc phỏng vấn với Le Point, ông Orbán cho biết thêm rằng, ông chắn chắn kịch bản "làm suy yếu kinh tế Hungary" mà tờ Financial Times đề cập có tồn tại, bất chấp việc một số quan chức EU phủ nhận.
"Nếu Financial Times công bố một tài liệu nêu chi tiết kịch bản phong tỏa tài chính của Hungary và tối hậu thư nhằm vào chúng tôi, thì chúng tôi có cơ sở để tin rằng nó thực sự tồn tại" - Ông Orbán nói.