Lương hưu là cách gọi khác của chế độ hưu trí trong chính sách BHXH, giúp người lao động đảm bảo khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc sức khoẻ, góp phần vượt qua khó khăn, ốm đau.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh lương hưu để đảm bảo cuộc sống cho người hưởng. Tuy nhiên nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được Quốc hội thông qua nêu rõ chủ trương chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp năm 2025 đã khiến không ít người sắp đến tuổi nghỉ hưu và đang hưởng lương hưu lo lắng. Bởi với mức lương hưu hiện tại khó đảm bảo cuộc sống cho người hưởng dưới tác động từ nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đang trong độ tuổi lao động, sắp về hưu đã lựa chọn phương án rút BHXH 1 lần để đảm bảo cuộc sống. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Như trong trường hợp của bà A. sẽ nghỉ hưu vào tháng 3/2025. Đến thời điểm hiện tại, bà A. đã đóng bảo hiểm xã hội được 29 năm. Theo quy định tỷ lệ hưởng 75% lương hưu là 30 năm, như vậy đến khi nghỉ hưu, bà A. vẫn còn thiếu 9 tháng mới đủ 30 năm để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa (75%).
Dù đã có thời gian tham gia BHXH rất lâu và đủ điều kiện để hưởng lương hưu, nhưng bà vẫn phân vân giữa việc rút BHXH 1 lần hay tiếp tục tham gia BHXH để có tỷ lệ lương hưu tối đa. Bởi với mức lương hưu hiện tại, chỉ đủ để đảm bảo những nhu cầu cơ bản, không có dư giả trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.
Vậy trường hợp của bà A. sẽ được tính tỷ lệ lương hưu như thế nào? Bà A. có thể đóng thêm 1 lần cho 1 năm còn thiếu để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa không?
Căn cứ Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đã được sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Lao động năm 2019) thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu.
Về tỷ lệ hưởng lương hưu tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
Đối với lao động nữ, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng, sau đó mỗi năm đóng thêm sẽ cộng thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng, sau đó mỗi năm đóng thêm sẽ cộng thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trong trường hợp của bà A., đã đáp ứng đủ điều kiện nghỉ hưu, tỷ lệ lương hưu của bà A. được tính như sau:
15 năm đầu được tính bằng 45%;
Từ năm thứ 16 đến năm thứ 29 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;
Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 26% = 71%
Như vậy, tỷ lệ lương hưu mà bà A. sẽ được hưởng là 71% tiền lương tháng đóng BHXH.
(Còn mức tiền lương nhận được cụ thể sẽ tuỳ vào mức mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bà A.).
Ngoài ra, bà A. có thắc mắc về việc mong muốn được hưởng lương hưu tối đa.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 6 tháng mới đủ 20 năm đóng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Như vậy, luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không có quy định đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được đóng bắt buộc một lần cho đủ 30 năm để hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa.
Trong trường hợp của bà A. đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì không thuộc đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định trên.
Tuy nhiên, người lao động có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đủ 30 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, để hưởng lương hưu tối đa, bà A. có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đủ 30 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng không thể đóng một lần mà đóng theo thời gian còn thiếu cụ thể theo quy định.