Chỉ trong khoảng một tháng, hai trận động đất mạnh đã xảy ra ở miền Tây Trung Quốc, trong đó trận động đất mới nhất có cường độ 7,1 độ Richter tấn công một vùng xa xôi của Tân Cương hôm thứ Ba 23/1, SCMP đưa tin ngày 24/1.
Trận động đất ngày 23/1 xảy ra vài ngày sau khi Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy hoạt động địa chấn toàn cầu đã chuyển từ yếu sang mạnh vào năm 2023 do số lượng trận động đất có cường độ trên 7,0 độ Richter gia tăng.
Trận động đất xảy ra ở Tân Cương, Trung Quốc được cảm nhận xuyên qua biên giới giữa Kazakhstan và Kyrgyzstan và kéo theo khoảng 40 cơn dư chấn nhưng chưa có báo cáo ngay lập tức về thương vong.
Trận này diễn ra sau trận động đất mạnh 6,2 độ Richter tấn công tỉnh lân cận Cam Túc vào tháng trước khiến hơn 150 người thiệt mạng – đây là trận động đất nguy hiểm nhất xảy ra ở Trung Quốc trong gần một thập kỷ.
Một số nhà khoa học tin rằng hoạt động động đất tại Trung Quốc có khả năng sẽ gia tăng trong tương lai, thậm chí với cường độ mạnh hơn.
ĐỘNG ĐẤT ĐANG TÀN PHÁ TRUNG QUỐC THƯỜNG XUYÊN HƠN?
Trước đó, Trung Quốc đã phải hứng chịu một số trận động đất có sức tàn phá khủng khiếp nhất từng được ghi nhận và cũng đã trải qua nhiều giai đoạn hoạt động địa chấn gia tăng.
Một trong những năm tồi tệ nhất là năm 1976, khi 4 trận động đất trên 6 độ Richter tấn công nước này, trong đó có một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Năm 2008, khi trận động đất mạnh 8 độ Richter ở Tứ Xuyên khiến 69.000 người thiệt mạng diễn ra vào tháng 5, thì đến cuối năm lại xảy ra thêm hai trận động đất mạnh từ 6 độ Richter trở lên, cả hai đều xảy ra cách nhau vài tuần ở miền Tây Trung Quốc.
Gần đây hơn, đã có hai trận động đất có cường độ từ 6 độ Richter trở lên xảy ra vào năm 2021 và 2022 tại khu vực này.
Trận động đất hôm 23/1 xảy ra ở Tân Cương (khu vực có hoạt động địa chấn thường xuyên) nhưng cường độ lại mạnh hơn bình thường. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết “các trận động đất ở quy mô này hiếm khi xảy ra”.
Han Yanyan, một kỹ sư cao cấp của Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc, cho biết trong vùng địa chấn Thiên Sơn, một trận động đất có cường độ từ 7 độ Richter trở lên xảy ra trung bình 7 năm một lần.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết các đỉnh và đáy trong hoạt động địa chấn là “một phần của sự biến động bình thường của tốc độ động đất”, một khẳng định được nhiều nhà khoa học khác ủng hộ.
Nhưng một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc tin rằng trong tương lai có thể sẽ xảy ra nhiều trận động đất thường xuyên hơn ở phía tây Trung Quốc do sự chuyển động của mảng kiến tạo Ấn Độ, nơi tiếp giáp với mảng Á-Âu ở cao nguyên Tây Tạng.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu có thể làm tăng thêm nguy cơ gây động đất. Họ cho rằng lượng mưa tăng trên cao nguyên Tây Tạng và các khu vực lân cận đã khiến thảm thực vật phát triển dễ dàng hơn ở các vùng đứt gãy địa chất.
Điều này có nghĩa là nước, oxy và carbon dioxide (CO2) đã xâm nhập vào bên trong các khu vực này thông qua rễ cây, gây ra nhiều hoạt động địa chất hơn.
USGS cũng cho biết họ ghi nhận nhiều trận động đất hơn trên toàn cầu, nhưng điều này là do “có nhiều thiết bị đo địa chấn hơn và chúng có thể ghi lại nhiều trận động đất hơn”.
Tham khảo: SCMP