Đó là những câu chuyện mà tôi ví nó như những đốm lửa, và tôi tin rằng họ không phải là Don Quijote chiến đấu với cối xay gió.
Đến với farmstay thuận thiên
Hai tiếng trước khi đặt chân đến Việt Mekong Farmstay (Tam Nông, Đồng Tháp), tôi gọi điện cho ông chủ đăng ký ăn cơm tại farm. Thật ngỡ ngàng, chủ nhân bảo "chờ tôi một chút báo lại, không biết có gì ăn không".
Khoảng 20 phút sau, vị chủ nhân gọi lại nói: "Tôi tìm được cho anh một con cá lóc đồng khoảng 4 lạng, mình nướng và dùng lá sen non tự nhiên cuốn nhé. Rồi thêm một tô canh bầu nấu tôm nhé. Thế được chưa?".
"Ồ, mình làm du lịch mà không có tủ đông trữ thức ăn sao?". Anh cười khà khà: "Dạ ở đây hoàn toàn không có thức ăn trữ đông. Chuyện ăn uống phải báo trước để chuẩn bị".
Tôi đã được thưởng thức một con cá lóc đồng thơm ngon đúng nghĩa mà lâu lắm rồi mình chưa được nếm, khi mà bây giờ toàn phải xơi cá nuôi. Xong buổi trưa, anh mời tôi nếm thử một quả xoài và một quả chanh dây. Tất cả đều nhỏ nhắn, không bóng bẩy, nhưng mùi vị thơm tho, ngon ngọt khác thường.
Ăn xong, anh đưa cho tôi chìa khóa phòng và chỉ vào con đường - hay nói chính xác là một cây cầu gỗ thật nên thơ, ngoằn ngoèo trên đồng dẫn đến 10 căn bungalow đúng nghĩa là nhà lá.
Xem ra nó chỉ khác với căn nhà của những bậc tiền nhân đi khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười ở chiếc giường có trải nệm và drap trắng tinh, cùng một chiếc quạt máy.
Ngay đến hai cửa sổ cũng đúng chuẩn khi dùng một cành cây khô nho nhỏ chống lên, và hiện ra một cánh đồng trước mắt du khách là một màu xanh ngút ngàn của lúa ma và cỏ dại.
Viet Farmstay về đêm trong lành. Ảnh: H.T.
Sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, đã râm ran tiếng chim hót vang trời. Một giấc ngủ trong nhà tranh, giữa đồng thật sảng khoái khi da không khô, mũi không sụt sịt vì máy lạnh. Nhưng "đã" nhất là mở cửa ra đã thấy một chú chim trích cồ to như con gà dạo thơ thẩn trước cửa phòng.
Đã có rất nhiều bài viết về đôi vợ chồng chủ nhân của farmstay đi theo lối sống thuận với thiên nhiên: anh Nguyễn Trọng Minh - tiến sĩ, giảng viên đại học ở Đồng Tháp - và cô vợ vốn là học trò của anh - Hồ Ngọc Trâm.
Anh Minh kể cho nghe câu chuyện về farmstay của hai vợ chồng: "Đầu tiên là tụi này làm ở Hồng Ngự hồi năm 2015, gắn với một cánh đồng lúa sạch của một người bạn. Farmstay của bọn này ổn, nhưng người bạn thua trắng tay nên giải tán. Sau đó về Tràm Chim, Tam Nông này thuê 5ha gầy dựng cái farmstay này hồi năm 2018.
Vùng này phèn dữ lắm nên người ta xài thuốc để đẩy phèn mới trồng lúa được. Có điều chả con gì sống được. Mất hai năm cỏ mới mọc lại, và giờ lần đầu tiên thấy xuất hiện cả tu hú, vốn sống nhờ ăn côn trùng.
Cây cỏ trong farmstay này tuyệt đối không có một tí gì là hóa chất. Chúng tôi thực hiện theo đúng tinh thần "cuộc cách mạng một cọng rơm" của Masanobu Fukuoka".
Hai vợ chồng cho biết họ đã bỏ vào đây tầm 10 tỉ đồng. "Không nợ gì ngân hàng cả, nhưng nợ tình nợ nghĩa của các nhà đầu tư. Người ta tin tưởng, đồng cảm với mô hình nên đầu tư vào, phải làm thật tử tế để không phụ lòng mọi người", anh Minh tâm sự.
Việt Farmstay Mekong là một trong những "ngôi sao" khởi nghiệp xanh của Đồng bằng sông Cửu Long khi đoạt không biết bao nhiêu giải thưởng start-up từ cấp huyện đến toàn vùng. Nhiều người đã vào tận đây, mê lắm mô hình farmstay thuận thiên này, hiểu rằng con đường làm du lịch xanh quá nhiều thử thách, mà trong đó thử thách lớn nhất là không phải ai cũng cảm nhận hết được hai chữ "thuận thiên".
Những chuyện lạ ở Cô Tô
Cuối tháng 7-2022, nhiều báo đưa tin một nhóm du khách 20 người từ Hà Nội ra đảo Cô Tô chơi, sau đó để lại nhiều rác thải trên bãi biển Tình Yêu - một bãi tắm rất đẹp, rất sạch ở Cô Tô. Người dân địa phương nhắc nhở, khách không hợp tác, họ bèn báo cho chính quyền. Kết quả nhóm du khách đã phải quay lại chỉ để dọn sạch!
Ba năm trước, Cô Tô cũng nổi đình đám trên các trang báo với tour dọn rác, thu hút được đông đảo du khách (đặc biệt là khách Tây). Mới nhất, vào đầu tháng 8-2022, báo chí cũng đồng loạt đưa tin rằng chính quyền huyện đảo Cô Tô khuyến cáo du khách không mang túi nhựa, chai nhựa ra đảo.
Những câu chuyện hay ấy của Cô Tô kích thích tôi phải ra đảo. Tận mắt thấy những bãi tắm như bãi Tình Yêu, Hồng Vàn… hay bãi tắm của những hòn đảo nhỏ gần Cô Tô như đảo Cá Chép, đảo Cô Tô Con… sạch tinh, cát trắng mịn màng thì mới tin những gì đã nghe là sự thật.
Thậm chí còn hơn cả sự thật khi trò chuyện cả đêm với Nguyễn Hải Linh, phó Phòng văn hóa - thông tin - du lịch huyện đảo Cô Tô, vốn sinh ra và lớn lên ở hòn đảo này. Đó là gì? Là câu chuyện Cô Tô mỗi ngày chỉ đón 5.000 khách, bởi khả năng của đảo chỉ đến thế. Trong cái thời mà khắp nơi đón khách vô tội vạ để tận thu thì chuyện của Cô Tô đáng để suy ngẫm, dù so với thế giới nó không phải là mới.
Một phần điểm tâm sáng cho du khách ở Việt Farmstay. Tất cả đều sạch theo kiểu "thuận thiên". Ảnh: H.T.
Linh kể lãnh đạo huyện thống nhất rằng nhân lực, vật lực của Cô Tô chỉ đủ sức phục vụ tốt ngần ấy khách, nếu tham lam đón nhiều hơn thì dễ làm "buồn lòng khách đi". Nên các công ty tàu khách du lịch phải đăng ký trước, để có kế hoạch kiểm soát.
Tất cả quán ăn, nhà hàng, khách sạn ở đảo này cũng được yêu cầu phải gắn camera để xem doanh nghiệp cho đến du khách hướng đến mục tiêu duy nhất: môi trường xanh cho Cô Tô. Xanh từ môi trường cho đến văn hóa, dịch vụ.
Và độc đáo nhất là "cuộc chiến" cấm đốt lửa trại trên huyện đảo Cô Tô. Hải Linh cho biết: "Khi chúng tôi đưa ra đề xuất cấm đốt lửa trại đã vấp phải sự phản ứng dữ dội. Lý do đây là tiết mục hấp dẫn trong sinh hoạt tập thể.
Nhưng thử nghĩ cứ mỗi cuộc lửa trại là đốt mất vài cây; ban đầu thì cây khô, củi mục, nhưng dần dà là đến chặt cây để phục vụ dịch vụ này. Cô Tô tuy rừng còn nhiều nhưng chắc chắn sẽ bị phá cho thú vui.
Để thuyết phục thông qua đề xuất cấm đốt lửa trại, chúng tôi đã trưng cho thấy nhiều hình ảnh, clip đi chặt cây rừng về đốt lửa trại. Đề xuất đã được thông qua".
Nhìn những bãi tắm sạch sẽ ở Cô Tô, không khỏi chạnh lòng nhớ đến những bãi rác dập dềnh theo sóng biển ở nhiều nơi khác.
Tour ngắm… ảnh thú
Với quan điểm tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối, Nguyễn Châu Á - giám đốc Công ty Oxalis - đã tổ chức tour Thám hiểm rừng sâu Hang Ba. Tinh thần của tour là tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối, đến việc ngắm thú hoang dã cũng chỉ là xem qua các bẫy ảnh, dấu chân...
Jake Brunner - trưởng đại diện Liên minh Quốc tế bảo tồn nhiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên tại VN - sau khi đi tour này đã hết lời khen ngợi và mong ước tinh thần này phát triển nhiều hơn nữa tại VN. Tuy nhiên, điều đáng buồn là tour này chỉ mới thuyết phục được du khách nước ngoài, còn du khách trong nước đa phần than thở "đi cực mà chẳng tận mắt thấy thú"!
Tour ngắm… ảnh thú
Với quan điểm tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối, Nguyễn Châu Á - giám đốc Công ty Oxalis - đã tổ chức tour Thám hiểm rừng sâu Hang Ba. Tinh thần của tour là tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối, đến việc ngắm thú hoang dã cũng chỉ là xem qua các bẫy ảnh, dấu chân...
Jake Brunner - trưởng đại diện Liên minh Quốc tế bảo tồn nhiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên tại VN - sau khi đi tour này đã hết lời khen ngợi và mong ước tinh thần này phát triển nhiều hơn nữa tại VN. Tuy nhiên, điều đáng buồn là tour này chỉ mới thuyết phục được du khách nước ngoài, còn du khách trong nước đa phần than thở "đi cực mà chẳng tận mắt thấy thú"!