Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở quận Phú Nhuận, Tp.HCM trong đợt dịch thứ 4 (Ảnh: Sơn Phương)
Bản tin Bộ Y tế tính từ 18h ngày 19/8 đến 18h ngày 20/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 công bố tối 20/8 có 10.650 ca ở 43 tỉnh thành, tăng 11 ca so với ngày 19/8. Đây là số ca nhiễm trong nước cao nhất kể từ đầu dịch.
Trong đó, Bình Dương ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao nhất với 4.223 ca (tăng 968 ca so với hôm 19/8), tổng số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM ngày 20/8 là 3.375 đã giảm 1.050 ca so với ngày trước đó.
Số ca mắc mới trong cộng đồng tại TP. HCM ngày 20/8
Còn theo dữ liệu từ cổng thông tin Covid-19 TP.HCM lúc 22h ngày 20/8, trong ngày, TP ghi nhận ghi nhận 3.347 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2.789 ca cộng đồng, chiếm 83,3%. (Dữ liệu được ghi nhận đến 17h ngày 20/8).
Như vậy, đây là ngày thứ 5 số F0 trong cộng đồng ngày 20/8 tại TP.HCM liên tục tăng và "đạt đỉnh" ở mốc 83,3%, cụ thể:
Ngày 16/8: Số ca F0 trong cộng đồng chiếm 53% tổng số ca mắc.
Ngày 17/8: Số ca F0 trong cộng đồng là 2.568 ca, trên tổng số 3.540 ca, chiếm 72,5%.
Ngày 18/8: Số ca F0 trong cộng đồng là 2.848 ca, trên tổng số 3.694 ca, chiếm 77%.
Ngày 19/8: Số ca F0 trong cộng đồng là 3.603 ca, trên tổng số 4.371 ca, chiếm 82,4%.
Tín hiệu tốt hay tình trạng lây nhiễm mới trong cộng đồng?
Tính đến nay, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội đến lần thứ 4 nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao và đặc biệt F0 trong cộng đồng nhiều ngày gần đây liên tục tăng, lên đến mức hơn 83%.
Sáng nay, ngày 21/8, trên Zing.vn đã chia sẻ những trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương) về dịch Covid-19 ở TP.HCM dựa trên số liệu những ngày qua. Theo đó, ông Nhung cho rằng thực tế chưa được kiểm soát và các biện pháp can thiệp chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, việc giãn cách xã hội chưa thực sự chặt chẽ, thể hiện qua việc lượng người qua lại đông đúc trên đường TP.HCM gần đây.
Lý giải vấn đề vì sao số F0 trong cộng đồng liên tục tăng cao tại TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhìn nhận ở 2 góc độ khách quan gồm:
Góc độ thứ nhất, theo PGS.TS, nếu số F0 tăng do chiến lược bóc tách F0 khỏi cộng đồng thì đây là tín hiệu tốt thể hiện chiến lược đúng. Đây cũng là lý giải của ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh TP HCM (HCDC) tại buổi họp chiều ngày 19/8 vừa qua. Ông Tâm cũng cho rằng F0 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng "là tín hiệu tích cực vì đã xét nghiệm đúng chỗ, nắm chắc F0 tại địa phương để quản lý. Chúng ta không nên quá lo lắng", VnExpress dẫn lời ông Tâm tại buổi họp báo.
Tầm soát xét nghiệm Covid-19 ở quận Bình Thạnh, Tp.HCM trong đợt dịch thứ 4 (Ảnh: Sơn Phương)
Góc độ thứ hai, theo ông Nhung, nếu bóc tách mãi mà số ca nhiễm không giảm, không lên đến đỉnh thì lại cho thấy có vấn đề, đó chính là tình trạng lây nhiễm mới, lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
"Bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng không có nghĩa là đem người ta đến chỗ này, chỗ khác, mà cách ly ngay tại nhà cũng là bóc tách", Zing.vn dẫn lời PGS Nguyễn Viết Nhung phân tích.
Lý giải thêm về góc độ thứ hai này, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng TP.HCM thực hiện bóc tách F0 một cách bắt buộc khi không còn cách nào khác, mất đi tính chủ động nên hiệu quả có thể không được như mong muốn.
Quân nhân, CSGT từ Hà Nội hỗ trợ điều trị F0, cung cấp lương thực cho khoảng 10 triệu dân...
Trước bối cảnh dịch Covid-19, TP.HCM đã quyết định tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly với khu phố/ấp từ 0h ngày 23/8.
Để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, đến ngày 23/8, sẽ có khoảng 1.000 quân nhân từ Hà Nội được điều động vào TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Số quân nhân này là các y bác sĩ, giảng viên và học viên của Học viện Quân y.
Theo đó, lực lượng y tế của công an nhân dân và lực lượng quân y của quân đội có thể làm nhiệm vụ tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; chăm sóc F0 cách ly, điều trị tại gia đình.
Các lực lượng khác có thể tham gia bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân mà không để xảy ra tình trạng lộn xộn.
Về vấn đề lương thực thực phẩm trong những ngày siết chặt giãn cách, tại buổi họp trực tuyến chiều 20/8, VnExpress dẫn thông tin từ Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP HCM, cho biết quân đội sẽ lập đội công tác đặc biệt, với sự tham gia của nhiều nhóm hỗ trợ đưa lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị đến từng nhà dân.
Ngoài ra, các đội công tác đặc biệt cũng sẽ vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Lực lượng quân y cùng các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, cũng như trường hợp khẩn cấp khác.
Thượng tướng Lương cũng đề nghị các bộ, ngành bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân TP HCM trong 15 ngày.
Cũng thông tin tại buổi họp này, bà Phạm Thị Thắng Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, cơ quan chức năng sẽ siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo 2 hình thức: Người dân tự trả tiền và được hỗ trợ miễn phí.
Ngoài ra, sáng nay (21/8) Cục CSGT đã tăng cường gần 40 cán bộ chiến sỹ từ Hà Nội vào làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh, tại các cửa ngõ ra vào TP.HCM.
(Tổng hợp)