Trong năm nay, giá dầu đi xuống khi Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, chứng kiến kinh tế tăng trưởng chậm chạp. Ngoài ra, việc Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất dầu trong 15 năm qua cũng đã giữ giá dầu ở mức thấp.
Do đó, hiện tại, Ả Rập Xê Út và Nga đều đang nỗ lực đa dạng hoá động lực tăng trưởng kinh tế, giảm phụ thuộc vào năng lượng - lĩnh vực vốn chiếm khoảng 40% và 20% GDP của 2 nước.
Theo Abishur Prakash, nhà sáng lập The Geopolitical Business, một công ty tư vấn chiến lược tại Toronto, sự với sự thay đổi này, Ả Rập Xê Út và Nga đang trong quá trình tạo ra những động lực kinh tế mới, có thể duy trì đà tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.
Prakash cho biết việc các nước này định hướng lại diễn ra trong bối cảnh ông nhận định là đang “mất cân bằng về địa chính trị”, ngay cả khi họ phải đối mặt với tình trạng tiềm ẩn về gián đoạn nguồn cung.
Ông nói thêm: “Thực tế là nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông đang đối diện với những rủi ro địa chính trị, cụ thể là giữa Israel và Iran.”
Tuy nhiên, thị trường nhìn chung đã bỏ qua những lo ngại về nguồn cung từ xung đột ở Trung Đông, khi giá dầu không tăng quá mạnh.
Đi tìm động lực mới
Ả Rập Xê Út và Nga cùng là nước sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Năm ngoái, mỗi nước chiếm 11% nguồn cung dầu mỏ thế giới.
Để đa dạng hoá động lực tăng trưởng, năm 2016, Ả Rập Xê Út đã công bố kế hoạch Tầm nhìn 2030, nhằm chuyển đổi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ thành nền kinh tế đa dạng hơn, thúc đẩy cả lĩnh vực du lịch và thể thao làm trụ cột chính.
Gần đây, “đại gia” dầu mỏ này cho biết họ thất vọng với tình trạng giá dầu thấp. Theo Financial Times, nước này đang từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD/thùng và sẵn sàng tăng sản lượng. Điều này có nghĩa là Ả Rập Xê Út muốn tăng thị phần thay vì chỉ nhắm tới việc tăng biên lợi nhuận.
Trong khi đó, Nga cũng muốn ngừng phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu.
Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga, trả lời phỏng vấn đài RT hồi đầu tháng này cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch giảm tỷ trọng thu nhập không ổn định và giảm sự phụ thuộc của Nga và dầu khí để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.”
Tuy nhiên, ông Siluanov không tiết lộ thêm chi tiết về kế hoạch của Nga.
Nga hiện đang chuyển hướng hoạt động thương mại sang châu Á để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, Ả Rập Xê Út cũng tìm cách bán nhiều dầu hơn cho các nước đang phát triển, nơi áp dụng xe điện vẫn đang chậm hơn Trung Quốc và phương Tây.
Điều gì khiến giá dầu không quá "nóng"?
Dù căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại, song giá dầu vẫn không tăng mạnh. Nhìn chung, giá dầu vẫn có khả năng tăng vọt nếu các vấn đề ở khu vực này tiếp tục leo thang.
Thị trường đã chứng kiến một số thời điểm giá dầu tăng đột biến, như hồi đầu tháng 10 do lo ngại rằng các cơ sở dầu mỏ của Iran có thể bị tấn công và vào tháng 8 do căng thẳng ở Trung Đông, nhưng không kéo dài. Giá dầu giảm khoảng 7% vào tuần trước sau khi những lo ngại lắng xuống.
Một yếu tố chính góp phần vào xu hướng giá này đến từ Mỹ, nơi đã chứng kiến sản lượng dầu tăng đáng kể trong 15 năm qua sau cơn sốt dầu đá phiến.
Nguyên nhân khác khiến giá dầu không tăng quá mạnh là xu hướng sử dung năng lượng tái tạo.
Matthew Huber, giáo sư Đại học Syracuse, chuyên ngành năng lượng, chính trị khí hậu và địa lý tài nguyên, cho biết: “Sự bùng nổ xe điện ở Trung Quốc, và có lẽ là ở Mỹ và cả châu Âu, sẽ khiến nhu cầu sớm đạt đỉnh.”
Tầm ảnh hưởng của OPEC đã sụt giảm?
Sự thay đổi động lực của thị trường dầu cũng làm nổi bật câu hỏi lâu nay về tầm ảnh hưởng và sự liên quan của OPEC. Nhóm các nước sản xuất dầu do Ả Rập Xê Út đứng đầu chiếm khoảng 30% sản lượng dầu thô toàn cầu.
Huber giải thích, điều này diễn ra theo chu kỳ, họ đã đóng góp động lực lớn vào những năm 1970, khi chỉ OPEC đều nắm trong tay quyền lực tăng giá. Nhưng vấn đề là khi giá dầu tăng đột biến, các công ty dầu mỏ sẽ rộ lên tìm kiếm lợi nhuận tạm thời.
Ngoài ra, OPEC cũng phải đối mặt với những rạn nứt trong nội bộ giữa các thành viên, khi họ có những mối ưu tiên cạnh tranh với nhau. Prakash cho hay: “Câu hỏi lớn hiện tại là liệu các thành viên OPEC có cùng quan điểm về mục tiêu dầu mỏ hay không.”
Ông nói thêm rằng, không phải toàn bộ các thành viên OPEC đều ủng hộ kế hoạch tăng sản lượng của Ả Rập Xê Út. Nếu OPEC không thể thống nhất và các thành viên đều có ý muốn riêng, tình trạng bất đồng sẽ căng thẳng hơn nữa ở Trung Đông.