Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: ở trọ 10m2, bán vé số mưu sinh, không chồng con
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân tên thật là Đào Thị Thanh Xuân, sinh năm 1952 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống làm về nghệ thuật. Cha của bà là nghệ sĩ Chín Thêm, mẹ là nghệ sĩ Ngọc Hai.
14 tuổi, bà theo nghề và từng hát cho các đoàn Thái Dương 1, Thái Dương 3, đoàn Thanh Minh rồi đoàn Việt Nam – Minh Vương. Cả thanh xuân bà đi hát khắp các tỉnh miền Tây cũng như Sài Gòn, đảm nhận không biết bao nhiêu vai diễn, từ đào thương tới đào lẳng, đào độc.
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân từng hát chung với nhiều ngôi sao cải lương như Minh Vương, Vũ Linh, Thanh Tuấn, Thanh Sang… trong các vở: Chung vô diệm, Nắng thu về ngõ trúc, Máu nhuộm sân chùa…
Mải đi hát và dành tình yêu cho cải lương nên nghệ sĩ Trang Thanh Xuân để lỡ thời con gái tươi đẹp nhất dù nhiều người theo đuổi. Tới khi giật mình nhìn lại thì đã quá lứa lỡ thì.
Năm 33 tuổi, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân giải nghệ khi phát hiện mắc bệnh hở van tim bẩm sinh và thiếu máu. Cuộc sống của bà cũng khó khăn từ đó khi đi bán bánh, ngô luộc để nuôi gia đình.
Sau gần 40 năm giải nghệ, nữ nghệ sĩ chưa từng trở lại sân khấu nhưng niềm đam mê với cải lương vẫn luôn chảy trong người bà, tự nhiên như máu, như hơi thở.
Hiện tại, nữ nghệ sĩ đã bước vào tuổi 72, sức khỏe yếu đi nhiều, cuộc sống vẫn phải mưu sinh từng ngày nhưng bà chấp nhận những gì mình đang có.
Ngày trước, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân sống cùng em gái. Hai chị em mưu sinh bằng nghề bán vé số và nhặt ve chai, mỗi ngày thu nhập chỉ vài chục nghìn đến trăm nghìn đồng nhưng chị em vẫn có thể nương tựa vào nhau.
Còn hiện tại, em gái của bà đã mất. Cô đào hát năm nào ở trọ một mình trong căn phòng 10m2 tại quận 8, TPHCM. Cuộc sống ấy – bà bảo, nó lủi thủi và cô quạnh lắm.
Ở tuổi gần đất xa trời, nữ nghệ sĩ không thể nhớ nổi đã thuê bao nhiêu căn phòng. Đa số đều là không gian nhỏ hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, đồ đạc bề bộn, gia tài chẳng có gì đáng giá. Chỗ ngủ cũng chỉ là 1 chiếc nệm vừa đủ 1 người nằm.
Hàng ngày, bà đi bán vé số ở chợ Rạch Ông, tiền kiếm được, phần lớn dùng để mua thuốc uống. Nữ nghệ sĩ bị chứng suy giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp, cao huyết áp, hở van tim…
Dù vất vả mưu sinh, có hôm tiền bán vé số chỉ đủ mua được 1 hộp cơm, lại mắc nhiều bệnh nhưng nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cho biết: "Tôi tự thấy hạnh phúc khi còn có thể mưu sinh bằng chính sức lao động của mình", bà nói trên báo Vnexpress.
Người thân duy nhất của nghệ sĩ Trang Thanh Xuân là nghệ sĩ Bá Lộc nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn nên không thể đỡ đần chị gái. Ngoài thu nhập từ bán vé số, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân phải sống nhờ số tiền trợ cấp 400.000 đồng ít ỏi từ Ban Ái hữu Hội Sân khấu TPHCM, trong khi tiền trọ mỗi tháng cũng hơn 2 triệu đồng.
Nghệ sĩ Hồng Sáp: U90 kiếm từng đồng lo con cháu
Nghệ sĩ Hồng Sáp sinh năm 1937. Bà bén duyên với sân khấu cải lương từ những vai diễn nhỏ rồi thành danh qua các vai đào lẳng, đào độc trong các tuồng: Tấm Cám, Tình sử A Nàng, Hai dòng sữa mẹ, Sấm dậy hận lòng thơ, Lưu Kim Đính… Sau này, bà còn đi đóng phim.
Ở tuổi 87, nữ nghệ sĩ vẫn sống cảnh tạm bợ không nhà cửa. Nhiều năm qua, bà thuê trọ ở gần cầu Kênh Tẻ (quận 7, TP.HCM), sống cùng con trai và người cháu nội. Chuyện cơm áo gạo tiền từ lâu trở thành gánh nặng của nữ nghệ sĩ. Mỗi cuối tháng, bà lại sợ cảnh thiếu trước hụt sau, lo chạy vạy khắp nơi đóng tiền trọ.
Nhờ là hội viên của Hội Sân khấu, mỗi tháng Hồng Sáp được trợ cấp hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để bà trang trải phí sinh hoạt hằng tháng.
Mỗi sáng, nữ nghệ sĩ đều sang đình Nhơn Hòa, chờ người tới thuê phục trang cải lương tuồng cổ thì làm phục trang cho người ta. Mỗi lần theo đoàn Huỳnh Long đi diễn tỉnh, bà được trả 400.000 đồng tiền lo phục trang.
Thỉnh thoảng, nữ nghệ sĩ cũng được gọi đi quay một vài phân đoạn nhỏ lẻ, quần chúng. Dù quay xa, thức khuya, dậy sớm hay thu nhập ít ỏi nhưng bà chưa từng nề hà.
Gần như nữ nghệ sĩ sống nhờ tình thương, sự giúp đỡ của các nghệ sĩ con cháu trong nghề và cả các mạnh thường quân.
Nghệ sĩ Hồng Sáp.
Nghệ sĩ Hồng Sáp hiện đang sống cùng con trai duy nhất đã hơn 60 tuổi, là nhạc công cho các đám tiệc, sân khấu nhỏ, thu nhập cũng bấp bênh. Vì mặc cảm hoàn cảnh gia đình bần hàn mà con trai bà cũng không chịu lập gia đình, sợ làm khổ người ta.
Thậm chí, có thời điểm, bà là người cáng đáng kinh tế của cả nhà, vừa lo cho con trai vừa lo cho đứa cháu sớm mồ côi cha mẹ.
Dẫu nghèo khổ, nghệ sĩ Hồng Sáp vẫn luôn biết ơn ông trời vì cho mình sức khỏe tốt. Nghệ sĩ tự thấy mình may phước hơn nhiều người vì tinh thần minh mẫn, không ốm đau.