Đoan Trường là cái tên quen thuộc với nhiều khán giả. Từ năm 1991 đến 1995, khi còn là du học sinh ở Nga, Đoan Trường đã đạt khá nhiều thành tựu về ca hát.
Anh từng đạt giải Nhất "Tiếng hát sinh viên" tại Nga , giải Ba liên hoan ca nhạc "Trại hè thanh niên thế giới" tại Latvia. Buổi tối anh tranh thủ đi hát tại các nhà hàng để có thêm thu nhập.
Dần dần, nam ca sĩ phát triển thành bầu show có tiếng ở xứ sở bạch dương. Đoan Trường là người đầu tiên tổ chức cuộc thi Hoa hậu người Việt tại Nga. Anh cũng làm nhiều đêm nhạc mời các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và mời các nghệ sĩ ở hải ngoại qua Nga biểu diễn.
Thời điểm đó, anh hoạt động với nghệ danh Phước Trường – cũng là tên thật của anh. Đang là một "hiện tượng" tại Nga nhưng Đoan Trường quyết định quay trở về Việt Nam vào giữa năm 1995 sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Hóa để chăm sóc gia đình và đi làm cho các tập đoàn nước ngoài.
Về nước, anh cũng bắt đầu từ con số 0. Khi bước chân vào làng giải trí Việt cũng với nghệ danh "Phước Trường" nhưng nam ca sĩ lại không tạo được ấn tượng và thành công như thời hoàng kim tại Nga.
Anh ứa nước mắt khi nhắc lại khoảng thời gian từ năm 1996 đến 1998 phải chấp nhận đi hát lót, hát đám cưới, đám tiệc tại các nhà hàng, quán ăn với mức cát-xê chỉ có 30 ngàn đồng, vừa đủ ăn 3 tô phở theo thời giá lúc đó.
Tuy nhiên, thời điểm này, Đoan Trường xác định đi hát cho thỏa niềm đam mê nghệ thuật bởi ban ngày, anh vẫn đi làm văn phòng và giữ vị trí Tổ Trưởng giám định chất lượng giày cho tập đoàn danh tiếng với mức lương cao ngất ngưởng.
Trong một dịp tình cờ được đứng chung sân khấu với ca sĩ Lê Tuấn, một ngôi sao ca nhạc đương thời khi đó vào đầu năm 1999, Đoan Trường đã chủ động dến chào "tiền bối", tự giới thiệu bản thân và xin được nhường cho đàn anh lên hát trước mình.
Nhớ lại kỷ niệm này, Đoan Trường xúc động: "Lúc đó, tôi tưởng anh Lê Tuấn chỉ gật đầu xã giao nhưng không ngờ anh hỏi nghệ danh, hỏi tên thật của tôi rồi gợi ý đổi nghệ danh mới cho tôi là Đoan Trường.
Chữ Đoan được lấy từ họ của tôi là Đoàn nhưng bỏ dấu huyền để nghe có vẻ êm tai hơn. Anh Lê Tuấn nói cứ thử đổi nghệ danh biết đâu vận may sẽ đến.
Và ngay lập tức, nghệ danh mới này đã được MC Thanh Bạch ủng hộ nhiệt liệt và giới thiệu luôn trong chương trình ca nhạc hôm đó. Có lần ca sĩ Quang Linh đến nhà tôi chơi, nghe kể chuyện cũng gật gù tán thưởng với nghệ danh mới này".
Không biết có phải xin được "vía" đàn anh hay không mà kể từ cuối năm 1999, Đoan Trường đã được nhiều khán giả yêu mến hơn và đạt được nhiều thành công hơn trong sự nghiệp ca hát.
Anh được ưu ái phong tặng danh xưng "Tứ đại thiên vương Việt Nam" cùng với các ca sĩ tên Trường khác: Lam Trường, Đan Trường và Vân Trường.
Điều kỳ lạ là, những năm sau đó, dù đứng chung trong nhiều chương trình ca nhạc nhưng Đoan Trường lại không có dịp gặp lại thần tượng của mình trong suốt 25 năm, có lẻ, phần vì giờ hát trái nhau, phần vì cả hai thời điểm đó đang hot nên bận rộn chạy show.
Nói về giai đoạn hoàng kim của sự nghiệp tại Việt Nam những năm 2000, Đoan Trường cho biết: "Thu nhập của tôi từ đi hát trong 1 tháng khoảng 18 triệu đồng hay 6 cây vàng vào những năm 2000, trong khi một bát phở chỉ có giá 10.000 đồng.
Bên cạnh đó, nguồn thu còn đến từ tiền nhạc chuông, nhạc chờ trong điện thoại, MC song ngữ sự kiện cho các tập đoàn nước ngoài, tiền chơi hơn 100 game show, làm người mẫu ảnh, quảng cáo cho các nhãn hàng cũng được thêm 4 cây vàng.
Do đó, thu nhập một tháng của tôi từ nghệ thuật trung bình là 10 cây vàng khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp".