Nathan Leopold và Richard Loeb là một cặp bạn thân từ nhỏ vì cả hai có quá nhiều điểm chung: đều có cha là tỷ phú, đều đẹp trai hào hoa, thông minh và được định sẵn sẽ tiếp tục trở thành những con người dẫn đầu trong xã hội. Thế nhưng, họ còn có một điểm chung nữa là tàn ác như nhau và đã gây ra một trong những vụ bắt cóc, tống tiền đỉnh cao nhất trong lịch sử hình sự nước Mỹ.
Cặp đôi cậu ấm nổi tiếng Nathan Leopold và Richard Loeb
Vụ bắt cóc kỳ lạ
Ngày 21/5/1924, cậu bé 14 tuổi Bobby Franks đang đi bộ từ trường về nhà thì một chiếc ô tô bỗng đỗ trước mặt chặn đường em. Sau đó, Bobby lên xe và từ đó không còn ai nhìn thấy cậu bé. Đến tối hôm đó, cả gia đình Bobby bắt đầu náo loạn đi tìm con khắp nơi. 10 giờ tối, mẹ của thiếu niên là bà Flora nhận được một cú điện thoại. Kẻ ở đầu dây bên kia xưng là Johnson và thông báo con trai bà đã bị bắt cóc.
Sáng hôm sau, gia đình Bobby nhận được thư yêu cầu tiền chuộc 10.000 USD với thời hạn nộp là ngay buổi chiều. Bố mẹ cậu bé vừa lo chuẩn bị tiền, vừa báo cảnh sát. Đến giờ hẹn, bố Bobby nhận được cuộc gọi nặc danh tiếp theo yêu cầu mang tiền đến điểm hẹn là một hiệu thuốc. Tuy nhiên vì quá hoảng loạn, ông không nhớ nổi tên địa chỉ và không đến được điểm hẹn. Chỉ một tiếng sau, ông đã nhận được tin dữ là thi thể con trai mình được tìm thấy ở bờ hồ Wolf.
Bobby được phát hiện mắc kẹt trong một ống cống với tình trạng rất thảm thương: trên người không có mảnh vải che thân, người đầy vết thương lớn nhỏ, có một số hóa chất lạ được tưới lên mặt và bộ phận sinh dục. Nguyên nhân cái chết của em là do ngạt thở.
Gia đình Bobby cho biết không thể đoán được kẻ bắt cóc tống tiền là ai vì không gây thù chuốc oán với ai bao giờ, gia đình cũng không quá giàu có hay có vấn đề gì đáng ngờ. Trong khi đó, khu vực họ sống có rất nhiều hàng xóm thuộc tầng lớp thượng lưu - mục tiêu hợp lý hơn với những kẻ muốn tống tiền.
Cậu bé Bobby xấu số
Bại lộ vì dấu vết nhỏ nhất
Ở xung quanh Bobby không tìm thấy quần áo của cậu bé, chỉ có đúng một vật dụng duy nhất là một cặp mắt kính của người lớn. Hung thủ hoàn toàn không để lại bất kỳ dấu hiệu hay manh mối nào khác, khiến việc điều tra vô cùng bế tắc.
Những bức thư nặc danh gửi đến tống tiền gia đình Bobby đều được viết với lời lẽ đầy học thức, chỉn chu và hoa mỹ. Điều này khiến cảnh sát nghi ngờ các thầy cô của nạn nhân ở trường học. Tuy nhiên sau một hồi điều tra cục bộ vẫn không có nghi phạm nào.
Mãi đến khi chiếc kính ở gần hiện trường được nghiên cứu, manh mối mới xuất hiện. Đây không phải một đôi kính bình thường mà là hàng xa xỉ, phiên bản giới hạn chỉ có đúng 3 chiếc trên đời. Nathan Leopold - một sinh viên 19 tuổi sống trong khu vực là một trong số đó.
Trước cơ quan điều tra, Nathan cho biết anh có lẽ đã làm đánh rơi chiếc kính của mình ở bờ hồ trong một chuyến đi ngắm chim gần đây. Nathan khai anh đã bị vấp ngã nên có thể lúc đó chiếc kính đã rơi ra khỏi túi ngực. Tuy nhiên, khi cảnh sát đặt kính vào túi áo ngực Nathan và đề nghị thực hiện lại cú ngã thì dù có thử rất nhiều lần với nhiều tư thế, chiếc kính vẫn không rơi ra ngoài.
Khi được hỏi rằng đã làm gì trong ngày xảy ra án mạng, sau một hồi vòng vo, Nathan phải khai thật là đã dành phần lớn thời gian lang thang cùng người bạn thân Richard Loeb cũng là sinh viên Đại học Chicago và ở gần nhà cậu bé Bobby. Khi đến nhà Richard điều tra, cảnh sát còn phát hiện một chiếc máy đánh chữ có font chữ tương tự như trong bức thư tống tiền. Các sự trùng hợp đều ngắm vào bộ đôi bạn thân này.
Ban đầu cảnh sát vô cùng khó hiểu vì sao những kẻ tống tiền lại là con nhà tỷ phú
Phiên tòa thế kỷ
Sau rất nhiều ngày thẩm vấn, hai công tử mới đành phải cúi đầu nhận tội. Kế hoạch bắt cóc và giết hại cậu bé 14 tuổi đã được chúng lên kế hoạch suốt nhiều tháng trời. Thế nhưng điều khiến dư luận rúng động nhất là động cơ gây án. Là con nhà tài phiệt, họ rõ ràng không cần số tiền 10.000 USD đó mà chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm cảm giác hồi hộp và phấn khích khi phạm tội, đồng thời muốn "thử tài" cảnh sát và chứng minh rằng họ thông minh như thế nào. Cả hai đều có tư tưởng vặn vẹo và khao khát trở thành hình mẫu "tội phạm hoàn hảo", tạo ra tội ác không có sơ hở. Bobby Franks chỉ đơn giản là "nạn nhân bị chọn ngẫu nhiên" vì sống ở gần nhà mà thôi.
2 rich kid đình đám coi việc bắt cóc và giết người như một trò chơi để thử cảm giác mạnh
Phiên tòa xét xử bộ đôi đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận nước Mỹ thời bấy giờ. Không ai có thể ngờ 2 người thừa kế bề ngoài sáng giá, học thức lại tự hủy hoại tương lai của mình một cách kỳ dị như vậy. Richard Loeb được nhận vào Đại học Michigan năm 17 tuổi, dự định theo học Harvard trong vài năm tới. Còn Nathan thì có chỉ số IQ 220 và được gọi là thiên tài từ bé. Cách ra tay tàn độc và tâm lý lệch lạc bệnh hoạn của Nathan và Richard đã kích động sự phẫn nộ của dư luận và hầu hết đều lên tiếng đòi tử hình chúng.
Phiên tòa diễn ra sau đó đã được coi là "phiên tòa thế kỷ". Gia đình Richard đã thuê Clarence Darrow - luật sư giỏi nhất nước Mỹ lúc bấy giờ đến bào chữa cho con trai. Trong phiên tòa, luật sư Darrow đã đưa ra những lập luận chặt chẽ, đanh thép, kéo dài 12 giờ đồng hồ. Những lời bào chữa sau đó được ca ngợi là hay nhất trong sự nghiệp của ông. Kết quả là Nathan Leopold và Richard Loeb đã thoát án tử hình và đều nhận án tù chung thân.
2 bị cáo cùng luật sư Darrow trong phiên tòa
12 năm sau, Richard bị bạn tù dùng dao cạo râu giết chết. Còn Nathan thì được ân xá và ra tù vào năm 1958 vì có công lớn trong việc giáo dục, dạy học cho các tù nhân khác, giúp cải cách hệ thống giáo dục. Hắn đã chuyển đến Puerto Rico định cư như một cách từ bỏ quá khứ không hề vui vẻ ở quê nhà. Tội phạm nổi tiếng năm nào còn viết một cuốn tự truyện và sử dụng số tiền kiếm được để xây dựng quỹ giúp thanh thiếu niên bị rối loạn cảm xúc. Nathan qua đời vì lên cơn đau tim vào năm 1971 và hiến tặng toàn bộ nội tạng mình cho y học.
Nguồn: Medium