19 học giả gửi thư giục TT Indonesia thể hiện vai trò ở Biển Đông

Thi Anh |

Theo các học giả, Indonesia không nên "đứng bên lề" trong cuộc tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.

Indonesia nên chủ động hơn và tăng cường vai trò của mình trong nỗ lực giải quyết tranh chấp hàng hải với Trung Quốc của Đông Nam Á. Quan điểm này được một nhóm học giả và chuyên gia đối ngoại trình bày trong thư ngỏ gửi Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

"Chúng ta không nên quên một điều: Chính sách độc lập và linh hoạt không cấp cho Indonesia 'giấy phép' để đứng bên lề quan sát tình trạng bất ổn hiện đang manh mún trong chính khu vực của mình", thư ngỏ viết.

Bức thư này được xem là phản ứng của giới học giả Indonesia đối với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra hôm 12/7, phủ nhận quyền hạn của Bắc Kinh đối với phần lớn biển Đông.

"Chúng tôi muốn kêu gọi Tổng thống Joko Widodo ủng hộ và huy động toàn bộ các cơ quan đối ngoại để thể hiện vai trò lãnh đạo tiên phong, kiên định và hiệu quả trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên biển Đông của ASEAN".

Thư ngỏ đã được ông Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Jakarta xác nhận.

Indonesia vốn không phải một bên trong cuộc tranh chấp trên biển Đông, nhưng nước này bất đắc dĩ phải "vào cuộc", sau khi Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố: Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là một phần trong "ngư trường truyền thống" của Trung Quốc.

19 học giả gửi thư giục TT Indonesia thể hiện vai trò ở Biển Đông - Ảnh 1.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố: vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia là "ngư trường truyền thống" của nước này.

Những hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển của Indonesia từ đầu năm tới nay đã khiến giới chức Indonesia lo ngại. Hải quân nước này đã nhiều lần đụng độ với tàu cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Natuna.

Trong phiên họp quốc hội 21/6, các chính trị gia Indonesia đã bày tỏ sự quan ngại về hành động của Trung Quốc và cho rằng điều đó có thể gây tác động tiêu cực tới chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển của nước này.

Tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phải "thân chinh" tới khu vực này để khẳng định chủ quyền và lập trường cứng rắn của Jakarta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại