1.800 con bò bị bỏ đói trên biển và chịu kết cục thảm: Hồi chuông cảnh tỉnh về ngành công nghiệp buôn động vật sống quy mô 18 tỷ USD

Thu Hương |

Theo điều tra của chính phủ Tây Ban Nha, những con bò đã bị bỏ đói. Gần 10% đã chết, với xác được ném xuống biển hoặc thậm chí mục ruỗng ngay trên tàu, giữa những con bò còn sống.

Những con bò, con cừu bị bỏ đói trên biển

Cuối tháng 12 năm ngoái, gần 1.800 con bò lên con tàu có tên Elbeik, rời Tây Ban Nha để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến đi dự định sẽ chỉ kéo dài khoảng 11 ngày, sau đó đám gia súc sẽ được bán cho các lò mổ, nơi chúng bị giết bằng phương pháp nhẹ nhàng nhất theo đúng các quy định về tôn giáo.

Nhưng đó lại là khởi đầu cho 1 cuộc hành trình đầy sóng gió. 3 tháng tiếp theo, trong lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu giáng những đòn nặng nề lên ngành vận tải toàn cầu, tàu Elbeik đã không thể dỡ hàng đúng hẹn. Theo điều tra của chính phủ Tây Ban Nha, những con bò đã bị bỏ đói. Gần 10% đã chết, với xác được ném xuống biển hoặc thậm chí mục ruỗng ngay trên tàu, giữa những con bò còn sống. Khi con tàu quay trở lại Tây Ban Nha, giới chức quyết định 1.600 con gia súc còn lại quá ốm yếu để có thể bán chúng và phải được tiêu hủy.

Con tàu Elbeik trở thành ví dụ nổi bật nhất trong số các vụ việc đang gia tăng số lượng nhanh chóng, khiến nhiều người kiến nghị cần phải cấm hẳn việc mua bán động vật sống xuyên biên giới. Đây vốn là hoạt động kinh doanh gây nhiều tranh cãi nhưng cũng có quy mô lên tới 18 tỷ USD. Tuy nhiên đại dịch đã khiến gần 2 tỷ con bò, cừu, dê, lợn và gà được xuất khẩu mỗi năm phải đối mặt với điều kiện hết sức tệ hại.

Gia súc gia cầm bị mắc kẹt trên những con tàu lênh đênh trên biển vì hành trình kéo dài hơn dự tính rất nhiều, trong khi các cuộc kiểm tra về mức độ an toàn rất hời hợt. Vì những con vật bị bệnh cũng đem lại những mối nguy hiểm cho sức khỏe của con người, ngày càng có nhiều nước đã ban hành lệnh hạn chế hoặc thậm chí cấm hẳn hoạt động mua bán động vật sống xuyên biên giới.

EU, khu vực chiếm hơn 75% tổng lượng xuất khẩu động vật sống của thế giới, đã "không đủ khả năng đảm bảo sự an toàn cho các con vật", theo 1 báo cáo mới được công bố. Theo dự kiến từ nay đến cuối năm EU sẽ đề xuất bộ luật mới siết chặt yêu cầu đối với các công ty xuất khẩu. Riêng Anh thì đi xa hơn với dự định cấm vận chuyển khối lượng lớn động vật sống đến các lò mổ mặc dù chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể. Hồi tháng 4, New Zealand tuyên bố sẽ cấm giao dịch động vật sống vào năm 2023.

Trong năm 2019, trên toàn thế giới có khoảng 39 triệu tấn thịt được xuất khẩu. Đây đều là thịt đã đi qua lò mổ, được đóng gói và đông lạnh – quá trình vừa đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất thịt, vừa tránh được các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Tuy nhiên vài năm trở lại đây nhu cầu về thịt ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam tăng mạnh, cùng với thị trường thịt súc vật theo giới Hồi giáo cũng tăng vọt, khiến hoạt động xuất nhập khẩu gia súc gia cầm sống nhộn nhịp hơn. Giá gia súc sống xuất khẩu từ Australia hiện đang ở mức cao kỷ lục.

1.800 con bò bị bỏ đói trên biển và chịu kết cục thảm: Hồi chuông cảnh tỉnh về ngành công nghiệp buôn động vật sống quy mô 18 tỷ USD - Ảnh 1.

Kể cả trong hoàn cảnh bình thường, động vật sống vẫn bị đối xử không khác nhiều so với hàng hóa thông thường. Một con tàu chở đầy những chú cừu cũng được vận hành không khác gì tàu chở những thùng áo len lông cừu. Maarten Vlag, thư ký của liên minh đường biển Paris, cơ quan giám sát các cảng từ Anh đến Nga, cho biết: "Chúng tôi chỉ kiểm tra xem tàu có chở quá tải trọng hay không, gần như không có sự khác biệt giữa 10.000 container và 10.000 động vật sống".

Hàng nghìn động vật đã thiệt mạng trên biển. Mùa xuân vừa qua, ngoài những con bò trên tàu Elbeik thì 800 con bò khác trên 1 con tàu đi tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lâm vào cảnh tương tự. Năm ngoái, gần 6.000 con gia súc và hơn 40 thủy thủ đã thiệt mạng khi tàu gặp trục trặc và chìm nghỉm ngoài khơi biển Nhật Bản. Năm 2019, 14.000 con cừu chết trong vụ tai nạn tàu thủy ở Romania.

Cần cơ chế chặt chẽ hơn

EU có lực lượng thanh tra có chuyên môn về thú y ở các cảng để đảm bảo các tàu đủ điều kiện để vận chuyển động vật. Tuy nhiên quy trình khá lỏng lẻo. Nếu đàn gia súc bị ốm có lẽ sẽ không có ai chăm sóc cho chúng. Chỉ Australia yêu cầu có ác sĩ thú y trên tàu nếu chuyến đi kéo dài hơn 10 ngày. Tuy nhiên EU đang xem xét áp dụng quy định tương tự.

1.800 con bò bị bỏ đói trên biển và chịu kết cục thảm: Hồi chuông cảnh tỉnh về ngành công nghiệp buôn động vật sống quy mô 18 tỷ USD - Ảnh 2.

Các tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật đang kêu gọi bắt buộc phải có bác sĩ thú y dù đó chỉ là chuyến đi ngắn bởi tình trạng hành trình bị kéo dài xảy ra rất phổ biến, đặc biệt trong thời dịch bệnh như hiện nay.

Australia cũng là nước duy nhất yêu cầu các công ty xuất khẩu phải xây dựng được chuỗi cung ứng mà đảm bảo sẽ theo dõi chặt chẽ hành trình của gia súc từ thời điểm chúng được đưa lên tàu cho đến khi vào lò mổ ở nước ngoài và được xử lý một cách nhân đạo.

Ngoài ra họ còn phải lưu lại tỷ lệ động vật chết và báo với cơ quan nông nghiệp nếu tỷ lệ vượt quá 0,5%. Trong năm 2020, Australia xuất khẩu hơn 1 triệu gia súc sống bằng đường biển và các tàu ghi nhận tỷ lệ tử vong 0,11%, tương đương khoảng 1.224 con.

"Những con vật bị đày đọa từ ngày này sang ngày khác bởi mức nhiệt cao. Chúng bị bỏ đói, dẫm đạp lên nhau trong không gian chật hẹp, bị đối xử thậm tệ nhưng không chết. Tỷ lệ chết chỉ là tình huống xấu nhất mà chúng phải trải qua", Sue Foster, người phát ngôn của Vets Against Live Exports, tổ chức chống lại xuất khẩu động vật nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại