126 tỉ USD và 17 năm nhẫn nại, vì sao Trung Quốc vẫn chưa "mua" nổi lòng tin của người châu Á?

Hồng Anh |

Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc tại châu Á, đặc biệt là Nam-Trung Á, trong 17 năm qua vẫn chưa đem lại hiệu quả mà nước này mong muốn.

Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD cho các dự án quyền lực mềm ở châu Á, nhưng mục tiêu giành được thiện cảm của những người dân bản địa vẫn chưa đạt được tiến triển theo mong muốn của nước này, theo kết quả của một nghiên cứu vừa được công bố hôm 9/12 vừa qua.

Theo số liệu của phòng nghiên cứu AidData thuộc trường Cao đẳng William & Mary, bang Virginia, Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng gấp đôi khoản ngân sách đối ngoại trong vòng 6 năm qua, từ 30 tỉ lên 60 tỉ Nhân dân tệ (8,5 tỉ USD) nhằm thúc đẩy chính sách ngoại giao toàn cầu. Trong vòng 17 năm (từ 2000-2017), Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 126 tỉ USD vào khu vực Nam Á và Trung Á.

"Ngoại giao công chúng (Public diphomacy) là một phần quan trọng trong bộ công cụ của Bắc Kinh để xử lý các mối đe dọa tiềm tàng, khắc phục những yếu tố bất lợi trong nước, và vượt qua các đối thủ trong khu vực", báo cáo trên cho biết.

"Bộ công cụ gây ảnh hưởng tại khu vực Nam và Trung Á" của Trung Quốc bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các hoạt động truyền thông do nhà nước tài trợ, các thành phố kết nghĩa, ngoại giao quân sự và các Viện Khổng tử - cơ sở giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài.

Dữ liệu của AidData cho thấy có đến 95% nguồn tài chính ngoại giao của Trung Quốc được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, và chỉ có 5% ngân sách này được phân bổ cho các lĩnh vực khác như hỗ trợ nhân đạo hay giảm nợ.

Chỉ riêng hai quốc gia Pakistan và Kazakhstan đã nhận được một nửa số tiền đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực này. Đây cũng là hai thành viên quan trọng trong dự án ngàn tỉ USD của ông Tập - sáng kiến Vành đai và Con đường, một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Số tiền Trung Quốc đầu tư cho các quốc gia Nam Trung Á từ năm 2000-2017 (Nguồn: SCMP):

Bên cạnh những khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh còn đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, các chương trình trao đổi học sinh và học bổng. Hầu hết các quốc gia ở khu vực Nam - Trung Á đều cho phát hành ít nhất một trong những kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm chương trình truyền hình, phát thanh và báo giấy.

Trung Quốc cũng đã tổ chức 61 đợt trao đổi cho các nhà báo Nam-Trung Á trong giai đoạn 2014-2017.

126 tỉ USD và 17 năm nhẫn nại, vì sao Trung Quốc vẫn chưa mua nổi lòng tin của người châu Á? - Ảnh 2.

Con đường được xây bằng tiền Trung Quốc ở Pakistan. Ảnh: Tân Hoa Xã

Người dân bản địa lo ngại

Tuy nhiên, theo AidData, tất cả những công cụ ngoại giao công chúng kể trên đều chưa đem lại hiệu quả như Bắc Kinh mong muốn - mà cụ thể là sự ủng hộ của các quốc gia này đối với Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.

Tại Nam Á, những nỗ lực "hòa hợp với người dân bản địa" của Bắc Kinh bị đánh giá là "hời hợt", và hầu hết chỉ phục vụ cho các triển vọng phát triển kinh tế, "chứ không phải là sự nhận thức sâu sắc đối với ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc".

Ở Kazakhstan - quốc gia được xem là "thắt lưng" trong dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc - những người thuộc tầng lớp tinh hoa của nước này có tâm lý chống Trung Quốc mạnh mẽ. Vào tháng 9, những cuộc biểu tình phản đối dự án xây dựng của Trung Quốc đã bùng nổ tại Kazakhstan, bắt đầu từ thị trấn công nghiệp Zhanaozen sau đó lan sang Almaty.

Một bài phân tích của The Diplomat hồi tháng 10 đã đánh giá Trung Á có thể trở thành "kẻ phá hoại tham vọng của Bắc Kinh". Không chỉ Kazakhstan, mà các quốc gia Trung Á khác như Kyrgyzstan, Tajikistan hay Turkistan, sự hiện diện của Trung Quốc cũng là điều gây bất bình trong dư luận do những hệ lụy về kinh tế, việc làm, và những vấn đề xuyên biên giới như vấn đề cộng đồng thiểu số Hồi giáo, và ngoại giao bẫy nợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại